Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 12 năm 2024,
Sửa các luật về đầu tư: Đã đột phá, nhưng cần thoáng hơn nữa
Nguyễn Lê - 08/11/2024 11:01
 
Dành trọn ngày 6/11 “mổ xẻ” các đề xuất chính sách trong 5 dự án luật về đầu tư và đều cơ bản tán thành cao với các đề xuất mang tính đột phá, song đại biểu Quốc hội cũng nêu một số vấn đề cần thoáng hơn nữa để khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Quốc hội thảo luận sửa đổi 5 luật về đầu tư Ảnh: Duy Linh

Khu thương mại tự do cũng cần “luồng xanh”

Cùng lúc trình Quốc hội sửa Luật Đầu tư công và một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và Luật Đấu thầu, Chính phủ đề xuất nhiều chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền.

Với Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi (Dự thảo), các chính sách phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, đơn giản hóa trình tự, thủ tục… đã nhận được sự đồng tình cao của các ý kiến phát biểu tại hội trường. Nhưng một số vị đại biểu cho rằng, quy định về quy trình thủ tục thực hiện đầu tư dự án cần phải được nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian thực hiện dự án.

Lý do là, theo quy định hiện hành, tính trung bình thời gian để thực hiện đầy đủ các thủ tục từ lúc thông qua chủ trương (tùy theo loại dự án A, B, hay C) sẽ kéo dài từ khoảng 250 ngày đến 350 ngày mới có thể khởi công xây dựng.

Các chính sách mới cụ thể hóa chủ trương phân cấp để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” cũng được các đại biểu ủng hộ mạnh mẽ. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần phải bổ sung các cơ chế, các giải pháp để bảo đảm yêu cầu về kiểm soát quyền lực. Chẳng hạn, việc quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nên giao 2 cơ quan khác nhau thực hiện để đảm bảo yêu cầu giám sát và kiểm soát quyền lực, không nên phân cấp hoàn toàn cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm nhóm B, nhóm C do cấp mình quản lý, như đề xuất tại Dự thảo.

Với Luật Đầu tư, lần sửa đổi này, nhiều đại biểu đánh giá rất cao việc bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt, nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đối với các dự án, nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược.

Nhưng đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) đề nghị quy định thủ tục đầu tư đặc biệt không nên chỉ áp dụng đối với khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu kinh tế, mà thực hiện ở cả khu thương mại tự do và khu công nghệ thông tin tập trung. Theo đó, trong hồ sơ đăng ký đầu tư, nhà đầu tư chỉ cần cam kết về mục tiêu, quy mô, công nghệ, tiến độ thực hiện dự án, việc chấp hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, môi trường, công nghệ và phòng cháy, chữa cháy. Từ đó, việc đầu tư hạ tầng khu thương mại tự do, khu công nghệ thông tin tập trung sẽ rút ngắn thời gian rất nhiều, sớm kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp, từ đó có cơ sở để đánh giá hiệu quả chủ trương thí điểm khu thương mại tự do trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần cho phép các nhà thuốc bệnh viện được tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không phải đấu thầu.

Cũng liên quan đến sửa Luật Đấu thầu, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nêu thực tế, chỉ vài tháng nữa sẽ có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có nhiều người hôm nay ngẩng cao đầu (do điểm nghẽn về phân bổ, sử dụng kinh phí chi thường xuyên vừa được tháo gỡ) sẽ lại sợ sai, sợ trách nhiệm, bởi các hạng mục được ghi vốn từ kinh phí chi thường xuyên sẽ bước vào đấu thầu.

“Công việc mua sắm, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng các hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng sử dụng kinh phí chi thường xuyên có giá trị trên 100 triệu đồng áp dụng theo điểm m, khoản 1, Điều 23, Luật Đấu thầu thuộc loại sẽ phải đấu thầu. Đây là quy định đã có từ lâu, không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với sự trượt giá vật tư, nguyên liệu, chi phí nhân công”, đại biểu Hậu nhận xét.

Trong chưa thông thì ngoài khó thoáng

Chúng ta đã nói nhiều, làm nhiều để cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp, cho người dân. Tôi cho rằng, cần phải mạnh mẽ tháo gỡ vướng mắc, tạo sự thông thoáng ngay trong bộ máy hành chính, trong các cơ quan, đoàn thể. Bởi lẽ, bên trong mà chưa thông, thì e là bên ngoài khó thoáng được. Cán bộ, công chức, viên chức còn bị gò bó, phải thực hiện các thủ tục nhiêu khê cho những việc cần thiết, nhỏ nhoi, thì khó có thể có tâm thế để mạnh dạn tạo sự thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp.

- Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh), Phó tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam

Đại biểu Hậu cho biết, theo tính toán dựa trên các quy định hiện hành, đối với gói thầu xây lắp, mua sắm thiết bị, dịch vụ phi tư vấn có giá trị trên 100 triệu đồng khi sử dụng phương thức chào hàng cạnh tranh cũng phải qua các bước lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, đăng tải hồ sơ mời thầu điện tử, tiếp đó là đánh giá, lựa chọn nhà thầu, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Cả quy trình này mất ít nhất 31 ngày và 11 triệu đồng.

Theo ông Hậu, với những công việc đơn giản, chi phí vài trăm triệu đồng, như lợp lại mái nhà, trám mấy bức tường nứt và sơn lại, thay gạch lót nền bong tróc, thì những mục tiêu quan trọng của đấu thầu như chọn được những nhà thầu có năng lực về kỹ thuật, công nghệ, về tài chính hay tiết kiệm chi phí không mấy có ý nghĩa. Trái lại, phải mất thêm chi phí không đáng có, nhất là mất thời gian, công sức khá lớn của nhiều người, nhiều đơn vị liên quan. Hơn thế nữa, có thể còn phát sinh tiêu cực và trong không ít trường hợp, đấu thầu chỉ là hình thức, làm chỉ để cho đúng thủ tục và để không bị cấp trên và các cơ quan chức năng xem xét, kiểm điểm.

Vì thế, vị đại biểu Tây Ninh đề nghị xem xét sửa đổi điểm m, khoản 1, Điều 23, Luật Đấu thầu và các điều khoản khác liên quan theo hướng nâng mức phải tổ chức đấu thầu với các công việc sử dụng chi thường xuyên lên bằng với đầu tư công, tức là với gói thầu tư vấn thì trên 500 triệu đồng, với gói thầu mua sắm xây lắp dịch vụ phi tư vấn thì trên 1 tỷ đồng.

Mở để phát triển, nhưng không buông lỏng quản lý

Dù hạn chế về thời gian, song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (đại diện Ban Soạn thảo) cũng cố gắng hồi âm nhiều vấn đề đại biểu quan tâm.

Về quan điểm chung, Bộ trưởng nhấn mạnh, quy định pháp luật phải tạo động lực, không gian mới và khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho phát triển đất nước, nhưng không vì thế mà buông lỏng quản lý.

Với Luật Đầu tư công, trao đổi lại các ý kiến không đồng tình phân cấp thẩm quyền từ HĐND sang UBND quyết định chủ trương đầu tư với dự án nhóm B và C, Bộ trưởng cho biết, luật hiện hành cho phép HĐND có thể giao UBND trong trường hợp cần thiết. Thực tế, đã có 43 tỉnh thực hiện. Vừa qua, Chính phủ lấy ý kiến thì cả 63 địa phương đều đồng ý.

Tuy vậy, Bộ trưởng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu, cùng cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ lưỡng xem phân cấp cho UBND hay giữ nguyên như hiện nay, sau đó báo cáo Chính phủ và Quốc hội. Phương án có thể là tách và phân cấp theo nguồn ngân sách của tỉnh hoặc huyện.

Ở Luật Đầu tư sửa đổi, với thủ tục đầu tư đặc biệt, Bộ trưởng thống nhất với quan điểm của vị đại biểu Đà Nẵng là sẽ bổ sung, làm rõ hơn với khu thương mại tự do và khu công nghệ thông tin tập trung để xem đây là một đối tượng để áp dụng trường hợp đặc biệt.

Hồi âm các góp ý nội dung Luật Đấu thầu sửa đổi, Bộ trưởng bày tỏ nhất trí với ý kiến phải nghiên cứu, mở rộng đối tượng được chỉ định thầu. Đồng thời, nâng cao các hạn mức, các gói thầu được chỉ định, không để ở mức 200 triệu đồng hay 300 triệu đồng, tránh vừa sửa xong lại phải sửa tiếp. Riêng về đấu thầu thuốc, Bộ trưởng cơ bản đồng tình với qua điểm nên để các nhà thuốc tự chủ, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm, nếu có hành vi thông đồng hay đẩy giá thì sẽ có pháp luật khác xử lý, không nhất thiết phải đấu thầu.

Điều hành cả hai phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, có ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh Dự án luật trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Sửa luật PPP: Bỏ quy định hạn mức vốn tối thiểu, tiếp tục áp dụng hợp đồng BT
Xóa bỏ hạn chế về lĩnh vực đầu tư và mức đầu tư tối thiểu, nâng tỷ lệ vốn Nhà nước cao hơn 50%, tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT… ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư