Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Sữa học đường góp phần cải thiện thể trạng của trẻ em Việt Nam
H.H - 07/11/2019 09:00
 
Chương trình Sữa học đường Việt Nam được tiến hành theo hình thức xã hội hóa. Chi phí cho các em uống sữa sẽ được được đóng góp từ 3 nguồn là nhà nước, phụ huynh và doanh nghiệp cung ứng sữa

Những kết quả ấn tượng ban đầu của Chương trình Sữa học đường đang nhân lên niềm tin rằng việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao thể chất cho trẻ em Việt Nam sẽ không còn là tương lai xa.

Vai trò tích cực của chương trình sữa học đường

Trong Hội nghị cấp cao của của Liên đoàn Sữa Thế giới (IDF) năm 2019 diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng 9 vừa qua, Trưởng ban hoạt động của IDF, Maretha Vermaak đánh giá: “Với sự xem xét và đánh giá cẩn trọng, chúng tôi thấy được tầm quan trọng và sự đóng góp tích cực của chương trình sữa học đường đối với sức khỏe và dinh dưỡng của trẻ em. Chính vì vậy, việc chính phủ các quốc gia và các tổ chức liên chính phủ nhận ra được tầm quan trọng của các chương trình sữa học đường trong việc tăng cường sức khỏe ở trẻ em là hết sức cần thiết”.

Chương trình Sữa học đường trên thế giới đã được triển khai từ rất sớm tại 60 Quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh…
Chương trình sữa học đường trên thế giới đã được triển khai từ rất sớm tại 60 Quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh…

Trên thế giới, Chương trình sữa học đường được thực hiện từ rất sớm tại nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… và ghi nhận những hiệu quả trong việc cải thiện tầm vóc. Đơn cử như Nhật Bản, sau 40 năm áp dụng người Nhật đã tăng chiều cao tới 10 cm.

Tại Việt Nam, chương trình sữa học đường quốc gia được phê duyệt triển khai thực hiện đến năm 2020 với mục đích: “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai”. 

Đặc biệt, chương trình được tiến hành theo hình thức xã hội hóa. Chi phí cho các em uống sữa sẽ được được đóng góp từ 3 nguồn là nhà nước, phụ huynh và doanh nghiệp cung ứng sữa. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các em có điều kiện khó khăn, phụ huynh chưa có đủ điều kiện cho các em được uống sữa hàng ngày.

Hiện nay, trên cả nước đã có 17 tỉnh/thành triển khai chương trình sữa học đường và đạt được những kết quả bước đầu.

Cụ thể, Đề án “Sữa học đường” tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh kết hợp cùng Công ty Vinamilk thực hiện từ năm học 2007 – 2008 dành cho trẻ 3 - 5 tuổi đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc cải thiện thể chất của các em. Số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2015 đã giảm 2,1% so với 2012. Trong 3 năm từ 2012 đến 2015, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi cũng đã giảm được 1,82%.

Tại Việt Nam, có 17 tỉnh/thành triển khai chương trình Sữa học đường và đạt được những kết quả bước đầu trong cải thiện tình trạng thể chất của các em học sinh
Tại Việt Nam, có 17 tỉnh/thành triển khai chương trình sữa học đường và đạt được những kết quả bước đầu trong cải thiện tình trạng thể chất của các em học sinh

Tại Bắc Ninh, sau khi triển khai sữa học đường từ năm 2013 đến 2017, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở nhà trẻ đã giảm đến 5% từ 6,6% (năm 2013) chỉ còn 1.6% (năm 2017). Ở đối tượng trẻ mẫu giáo, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 4.6% xuống 1.6%, thể thấp còi giảm từ 4.2% xuống 2.8%. Trung bình tăng trưởng trong 4 năm về cân nặng là 1.4 – 1.5kg, về chiều cao là 2.3 – 2.4 cm. Đây là những kết quả tích cực ghi nhận được cho thấy sự cải thiện thể trạng rõ rệt chỉ trong một thời gian ngắn triển khai.

Hiện nay, chương trình sữa học đường cũng đang được triển khai tại nhiều địa phương khác như: Khánh Hòa, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Nam, Ninh Thuận… góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao tầm vóc cho trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Lan tỏa

Tuy vậy, nhìn trên bình diện toàn quốc, theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm giảm 1%, nhưng vẫn còn ở mức cao là 24,3% (năm 2016) và có sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng.

Điều tra của Viện Dinh dưỡng cũng cho thấy khẩu phần ăn của người Việt hầu hết không đáp ứng đủ nhu cầu về các vitamin và chất khoáng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt vi chất.

Chương trình Sữa học đường góp phần không nhỏ trong việc giúp cải thiện phát triển chiều cao, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng ở lứa tuổi học đường
Chương trình sữa học đường góp phần không nhỏ trong việc giúp cải thiện phát triển chiều cao, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng ở lứa tuổi học đường

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Hiệp hội Sữa Việt Nam năm 2018, lượng tiêu thụ sữa trung bình của người Việt chỉ đạt 27 - 28 lít sữa/người/năm, còn khá khiêm tốn so với Thái Lan, Singapore, Nhật Bản. Chính vì vậy, có thể nói việc nâng cao điều kiện chăm sóc dinh dưỡng, cụ thể là bổ sung thêm sữa vào bữa ăn học đường cho trẻ em là rất thiết thực.

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam đánh giá Chương trình sữa học đường là một đề án nhân văn được chuẩn bị kỹ càng sau nhiều năm và nghiên cứu mô hình tại nhiều nước như Nhật Bản, Thái Lan. Trong một vài năm gần đây, nhiều tỉnh thành đã thực hiện chương trình sữa học đường và đạt kết quả rất tốt, nhận được sự đánh giá cao và hưởng ứng của toàn xã hội.

Dù đã có những kết quả bước đầu, nhưng sẽ cần thêm nhiều sự đầu tư lâu dài và nỗ lực hơn nữa để hiệu quả của chương trình sữa học đường được nhân rộng tại các địa phương khác trong thời gian tới. Cùng với sự đồng hành tích cực của các nhà sản xuất sữa lớn tại Việt Nam như Vinamilk, TH True Milk, NutiFood... và sự tham gia của toàn xã hội trong việc nâng cao điều kiện dinh dưỡng cho trẻ em, thì mục tiêu cải thiện thể trạng cho thế hệ trẻ Việt Nam chắc chắn là một tương lai không xa.

Sữa học đường: Trăm nghe và… đã thấy
Các chuyên gia, lãnh đạo, giáo viên các trường học và học sinh, phụ huynh tại hai tỉnh Bến Tre và Bà Rịa – Vũng Tàu đã được tận mắt khám phá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư