Thứ Sáu, Ngày 02 tháng 05 năm 2025,
Tái cơ cấu kinh tế: Bình mới chờ rượu mới
Quang Hưng - 03/11/2014 07:45
 
() Vượt qua sức ỳ của một bộ phận doanh nghiệp nhà nước vốn quen dựa dẫm vào nguồn đầu tư công, tái cơ cấu kinh tế đang từng bước mang lại động lực mới cho tăng trưởng. Theo nhiều đại biểu, đó là lộ trình gian nan, cần theo đuổi quyết liệt.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tái cơ cấu kinh tế: Không ai tự chặt chân mình
Con anh A, cháu chị B và tinh giản biên chế
Tái cơ cấu kinh tế cần thước đo và lộ trình cụ thể
Nguồn lực vẫn hướng vào những cơn khát đầu cơ ghê gớm
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương triển khai đề án tái cấu trúc

Đã có “bình mới”

Báo cáo kết quả giảm sát Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và nhiều đại biểu đánh giá: những kết quả đạt được, dù mới chỉ là bước đầu, nhưng rất đáng trân trọng.

  Tái cơ cấu kinh tế đang từng bước mang lại động lực mới cho tăng trưởng  
  Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Ảnh: Đ.T  

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Đề án tái cơ cấu và hệ thống văn bản liên quan đến lĩnh vực này ban hành trong thời gian qua đã tạo khuôn khổ pháp lý, tạo chuyển biến nhận thức, tập trung chỉ đạo và ý thức trách nhiệm, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực tái cơ cấu đầu tư công, đã quy định rõ các nguyên tắc đổi mới quản lý và phân cấp đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, từ trái phiếu chính phủ. Các cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, quy trình đã phê duyệt.

Đối với lĩnh vực tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước được quy định rõ hơn, phát huy vai trò chủ sở hữu nhà nước đối với các doanh nghiệp. Cơ chế chuyển đổi, cổ phần hóa doanh nghiệp được hoàn thiện, hướng đến nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Với lĩnh vực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các văn bản trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng được sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý cho tái cơ cấu. Đưa ra nhiều cơ cấu quản trị, kiểm soát rủi ro trong hoạt động ngân hàng, như thành lập công ty quản lý tài sản.

Kết quả cụ thể của việc tái cơ cấu nền kinh tế, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, quá trình chuyển dịch cơ cấu có sự thay đổi theo hướng tích cực. Đến năm 2013, tỷ trọng của nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm so với giai đoạn trước năm 2011 (từ 20,08% xuống còn 18,38% GDP), trong khi tỷ trọng của công nghiệp và dịch vụ tăng lên (từ 79,92% lên 81,62% GDP). Cán cân thương mại trong 3 năm 2012, 2013 và 2014 cải thiện đáng kể, xuất khẩu giữ nhịp độ tăng trưởng cao, quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa vượt kế hoạch đề ra.

“Rượu” chưa thực sự sẵn sàng

Đồng tình với những đánh giá của Ủy ban Kinh tế về những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, các đại biểu Nguyễn Thị Khá (tỉnh Trà Vinh), Thân Đức Nam (TP. Đà Nẵng), Hoàng Đăng Quang (tỉnh Quảng Bình), Hà Sĩ Đồng (tỉnh Quảng Trị) cho rằng, tiến độ thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm so với yêu cầu và kết quả đạt được chưa mang tính đột phá.

“Mặc dù những năm qua, doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh từ 12.000 còn 1.000 doanh nghiệp, nhưng với việc hình thành các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước cùng với các công ty con, công ty cháu và thậm chí có công ty chắt sau nó đã làm các khoản đầu tư ngoài ngành đạt hiệu quả thấp, thua lỗ, không bảo toàn được giá trị đầu tư ban đầu, kết quả thoái vốn không đạt mục tiêu”, đại biểu Nguyễn Thị Khá (tỉnh Trà Vinh) phân tích.

Về vấn đề cơ cấu kinh tế còn lạc hậu, các đại biểu chỉ ra những yếu kém trong ngành công nghiệp, như vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp, với hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng thấp. Ngành nông nghiệp vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, manh mún, giá trị tăng thêm thấp. Cơ cấu các thành phần kinh tế bất ổn, chưa phát huy tiềm năng khu vực kinh tế tư nhân. Năng suất lao động tại Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực.

Để thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu kinh tế, các đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để các bộ, ngành và địa phương tiếp tục phê duyệt các đề án tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Cần xác định danh mục ngành nghề, phạm vi kinh doanh, ngành nghề chủ đạo, ngành nghề liên quan. Cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu, để tránh dựa dẫm, ỷ lại, xin - cho, nâng cao tính công khai, minh bạch của hoạt động doanh nghiệp, đổi mới quản trị doanh nghiệp.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, trong khi dự báo của ADB, IMF, WB đánh giá tình hình kinh tế thế giới 2014 khó khăn và hạ chỉ tiêu tăng trưởng của nhiều nước, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn giữ ở mức 5,8%.

“Cái gì trong cơ cấu kinh tế, trong điều hành kinh tế năm 2014 giúp chúng ta vượt qua được khó khăn để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 5,8%? Đó là điều cần phải làm rõ”, đại biểu Nguyễn Đức Kiên nói.

Về công tác điều hành, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp cấp bách để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. “Chúng ta không nên đề ra thêm chính sách nào đột phá hoặc làm hài lòng các đối tượng khác để điều hành, vì chúng ta đã có nhiều chính sách, nhưng chưa đủ thời gian để chính sách đi vào cuộc sống”, đại biểu Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư