Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 01 năm 2025,
Tái hiện Trung thu truyền thống của Việt Nam
Như Trung - 19/08/2016 20:49
 
Trung thu sắp tới. Bao kỷ niệm về không khí Tết Trung thu truyền thống làm háo hức bao tâm hồn thơ trẻ lại ùa về.

Mua sắm Trung thu

… Ngày xưa, cái không khí háo hức đón Trung thu đã rục rịch cả tháng trước đó. Chưa đến Trung thu nhưng trên phố đã bày bán đủ loại lồng đèn rực rỡ sắc màu: đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn ông sư, đầu lân… Cả con phố nhỏ dường như rộn rã, tấp nập hơn với những âm thanh vui nhộn từ chiếc trống da, trống bỏi...

Đầu lân ngộ nghĩnh luôn là một trong những món đồ chơi Trung thu được lựa chọn đầu tiên
Đầu lân ngộ nghĩnh luôn là một trong những món đồ chơi Trung thu được lựa chọn đầu tiên

Những đứa trẻ con thời đó lúc nào cũng mong mong ngóng ngóng đến Trung thu để được bố mẹ đưa đi mua quà.  Với trẻ con, những món quà Trung thu là một món quà lớn vì cả năm, trẻ con chỉ vài lần được nhận quà.

Rước đèn ông sao

Cũng có những gia đình không mua quà mà tự tay làm cho con những chiếc đèn Trung thu từ ống bơ, vỏ lon, hộp xà phòng. Những chiếc ống lon được khéo léo cắt thành những mảnh dài, còn những hộp xà phòng cũ thì được đục lỗ nhỏ xung quanh. Chỉ cần đặt một cây nến ở giữa, chiếc hộp sẽ lập tức toả sáng rực rỡ như một bông hoa.

.
Hình ảnh rước đèn ông sao

Trong xóm hồi đó, đứa trẻ nào cũng được bố mẹ làm cho những chiếc đèn như vậy. Tối đến, điểm tụ họp quen thuộc là đầu xóm, những đứa trẻ con ríu rít khoe những chiếc đèn ngộ nghĩnh của mình. Cả đêm Trung thu, những đứa trẻ nối đuôi nhau, vừa cầm đèn vừa hát vang, lang thang rước đèn khắp cả xóm, đến tận khi ánh trăng lên rất cao mới về nhà.

Múa lân đón trăng

Mỗi mùa Trung thu, tiếng trống lân luôn có một sức hút lạ kỳ với tuổi thơ của mỗi người. Cứ nghe thấy tiếng trống lân tưng bừng ngoài ngõ trẻ con khắp xóm chạy ra xem và sau đó sẽ nối đuôi đoàn múa lân đi quanh xóm nhỏ. Mọi người đứng thành hai hàng dài đón đoàn múa lân. Cứ đi được một đoạn là tiếng trống dồn dập và hai chú lân lại nhảy lên, chụm đầu vào nhau trong tiếng vỗ tay vang dội.

Múa lân đón trăng Rằm
Múa lân đón trăng Rằm

Trong không khí rộn ràng, cả “dàn hợp ca trẻ con” thi nhau hát vang:

“Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình

Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh

Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng

Dưới ánh trăng vàng em cất tiếng hát vang.”

Điểm hội tụ của đoàn lân sẽ là tại sân đình. Lũ trẻ con tụm năm tụm bảy, thỏa thích bày đủ các trò chơi như: ô ăn quan, kéo co, đánh quay, nặn tò he, làm cào cào bằng lá dừa…

Phá cỗ đêm rằm

Sau khi rước đèn, múa lân thì phá cỗ trông trăng chính là niềm hân hoan được chờ đón nhất. Mâm cỗ Trung thu thường có con chó làm bằng tép bưởi, xung quanh bày thêm rất nhiều loại quả thơm ngon như: chuối, thị, hồng đỏ, hồng ngâm rồi quả na nữa... Và tất nhiên không thể thiếu chính là bánh Trung thu, nhưng bánh không có nhiều hình thù như bây giờ mà thường chỉ có 2 loại là bánh nướng và bánh dẻo. Những chiếc bánh vuông vắn được gói gọn trong túi giấy bóng kính nhỏ xinh.

.
Hình ảnh phá cỗ đêm Rằm

Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ được mong đợi nhất, bà trải chiếu giữa sân và mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của Tết Trung thu. Trong lúc người lớn uống trà ngắm trăng thì những đứa trẻ con hướng mắt lên bầu trời đầy sao, rồi chỉ trỏ, tìm kiếm trong ánh trăng tròn vành vạnh, đâu là cây đa, đâu là chú Cuội, đâu là con trâu…

Cứ thế, những đứa trẻ con có khi vừa nhìn, vừa ôm quà, miệng vẫn ngậm bánh Trung thu rồi thiếp đi với những giấc mơ diệu kì. Để rồi theo tháng năm, những kỉ niệm ấy vẫn vẹn nguyên, ngọt ngào trong ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ năm nào...

Những trò chơi dân gian trong ngày Tết cổ truyền
Xưa kia, trò chơi dân gian được ra đời trong hoàn cảnh thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như điều kiện sinh hoạt. Việt Nam lại là đất nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư