Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Tài khóa hài hòa, nỗi lo sẽ giảm
Nguyễn Lê - 04/01/2024 09:36
 
Mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm là yêu cầu của Quốc hội với chính sách tài khóa của năm mới 2024. Thực hiện được yêu cầu này cũng có nghĩa sẽ giảm được nỗi lo cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đưa các chỉ tiêu của năm 2024 về đích.

Quyết sách hợp lòng dân

Tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là yêu cầu đầu tiên được nêu tại mục tiêu tổng quát trong Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Quốc hội.

Bởi thế, trong quá trình thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, dự toán NSNN năm 2024 tại Kỳ họp Quốc hội cuối năm 2023, một số vị đại biểu Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa để giúp phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2024. Ví dụ, tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), hay tiếp tục thực hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (giảm 50%, như mức thực hiện năm 2023).

Cả hai nội dung này đều không có trong chương trình Kỳ họp thứ sáu, được Quốc hội thông qua ở phiên trù bị. Đến ngày 1/11/2023, khi Kỳ họp thứ sáu đang diễn ra, Chính phủ mới có Tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trình Quốc hội xem xét quyết định việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ, đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung này vào Chương trình Kỳ họp thứ sáu, lập tức được Quốc hội đồng ý.

Nghị quyết Kỳ họp thứ sáu với 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành nêu rõ, giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Quốc hội là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất quyết định cả việc “kiếm tiền” và “tiêu tiền”. Trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, GDP năm 2023 không thể cán đích, quyết định tiếp tục miễn thuế hẳn cũng không dễ dàng với các vị đại diện cho nhân dân.

Khoảng 25.000 tỷ đổng là con số (ước tính) NSNN sẽ giảm thu trong 6 tháng đầu năm 2024 khi áp dụng chính sách giảm thuế GTGT 2% trong thời gian này. Số giảm đó được tính toán căn cứ vào giả định tăng trưởng GDP năm 2024 đạt khoảng 6 - 6,5%, tốc độ tăng trưởng thu NSNN năm 2024 khoảng 5 - 7%.

Nhưng, nhìn lại cả quá trình thực thi chính sách, trong năm 2022, việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021. Thu thuế GTGT nội địa tăng khoảng 10% so với năm 2021.

Sang năm 2023, việc giảm thuế GTGT 2% trong 4 tháng (tháng 7, 8, 9 và tháng 10/2023) tương ứng giảm khoảng 15.600 tỷ đồng, nhưng số thu thuế GTGT nội địa không giảm, mà tăng so với cùng kỳ năm 2022 (tháng 7 tăng 23,1%; tháng 8 tăng 6,9%; tháng 9 tăng 6,7%; tháng 10 tăng 12,3%).

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, vì thế, tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo Chính phủ, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục góp phần kích cầu tiêu dùng, góp phần vào sự tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp tháng 12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024, giữ mức như năm 2023, thời gian áp dụng cho cả năm 2024.

Chính sách này, theo tính toán của Bộ Tài chính, sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 32.000 tỷ đồng theo giá xăng dầu tháng 11/2023. Nhưng, mục tiêu tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân đã, đang và sẽ được ưu tiên.

Bởi thế, giảm thuế chỉ là một trong rất nhiều quyết sách được nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp phấn khởi đón nhận, theo khái quát của Chủ tịch Quốc hội.

“Thắt lưng buộc bụng”, bổ sung vốn cho đầu tư phát triển

Kể từ khi Nghị quyết số 43/2022/QH15 được ban hành với chính sách tài khóa, tiền tệ nằm ngoài khung khổ của kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) được Quốc hội quyết định lên tới gần 350.000 tỷ đồng, không gian tài khóa mới đã mở ra.

Tiêu tiền chậm cũng là lãng phí

- Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Để nguồn vốn đầu tư công giải ngân được nhanh, thì các quy trình, thủ tục phải đơn giản. Quy trình này nếu lỏng lẻo, thì rất dễ bị lợi dụng, xảy ra thất thoát, tham nhũng, tiêu cực. Nhưng nếu làm chặt quá, thì đồng tiền cũng lại chậm đưa vào thực tế, đó cũng là một sự lãng phí. Vì thế, hài hòa được cả hai yếu tố này là một yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Với nguồn lực này, Chính phủ không chỉ có thể “mạnh tay” miễn giảm thuế, phí, lệ phí, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, mà còn có thêm nguồn lực không nhỏ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

“Nhìn chung, các chính sách triển khai thực hiện đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, có đóng góp quan trọng trong các kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2022, 2023, đưa đất nước ra khỏi giai đoạn khó khăn, được cử tri, nhân dân đánh giá cao và cộng đồng quốc tế ghi nhận”, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá.

Nhưng, các “chính sách đặc biệt trong trường hợp đặc biệt” của Chương trình đã không thể giải ngân hết trong năm 2023 như yêu cầu của Quốc hội.

Mà, trong bối cảnh đất nước còn nghèo, nợ công dù vẫn đang trong ngưỡng an toàn, song nghĩa vụ trả nợ Chính phủ dự kiến đến năm 2024 đã tiệm cận mức 25%, Quốc hội luôn yêu cầu triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên để bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bổ sung vốn đầu tư phát triển và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2024 xác định, “phấn đấu tăng cao hơn nữa tỷ lệ chi đầu tư phát triển”.

Bàn đi tính lại, cân lên đặt xuống, Quốc hội cho phép chuyển nguồn 2.920,7 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 bố trí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 còn dư sang năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương để triển khai thực hiện các dự án thuộc nội dung đầu tư mà Chính phủ đề xuất.

Đồng thời, cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đến hết ngày 31/12/2024.

Bên cạnh đó, một quyết định khác, theo Chủ tịch Quốc hội, Thường vụ Quốc hội đã kiên trì cùng với Chính phủ tính toán đến phút chót trình được Quốc hội thống nhất thông qua. Đó là cho phép chuyển nguồn dự toán NSNN thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 (bao gồm vốn đầu tư phát triển, kinh phí thường xuyên của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) sang năm 2024 tiếp tục thực hiện.

Nguồn này gồm “cả kinh phí của năm 2022, thực chất trong đó có cả của năm 2021 chưa phân bổ chuyển sang, đó cũng là một ngoại lệ rất đặc biệt”, theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội.

Với năm 2024, Chính phủ cho biết, vốn đầu tư công tổng hợp từ nhu cầu của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 769.265,52 tỷ đồng. Vốn đầu tư nguồn NSNN dự kiến cân đối được trong năm 2024 là 677.348,9 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương là 245.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 432.348,9 tỷ đồng, đáp ứng được 88,05% nhu cầu vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Trong đó, Chính phủ dự kiến bố trí 178.600 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc; các dự án trọng điểm, các dự án liên vùng, đường ven biển; các nhiệm vụ dự án đầu tư theo ngành, lĩnh vực thuộc Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và các nhiệm vụ thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Những ngày cuối tháng 12/2023, như Báo Đầu tư đã đưa tin, Chính phủ trình và Ủy  ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét quyết định phân bổ 3.307,447 tỷ đồng để thực hiện 10 dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời xem xét nhiều nội dung khác về chính sách tài khóa. Dự kiến, tại Kỳ họp bất thường vào trung tuần tháng 1/2024, một số vấn đề cấp bách về chính sách tài khóa cũng sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định.

Chính sách tài khóa đi vào cuộc sống kịp thời, nền kinh tế chắc chắn có thêm điểm tựa để phục hồi, tăng tốc.

Giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024
Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1603/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư