Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 01 năm 2025,
“Tam mã” ngân hàng cổ phần đua tranh vị thế
Hà Tâm - 04/09/2019 09:29
 
Ngôi vương của các ngân hàng quốc doanh ngày càng bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của các ngân hàng cổ phần tư nhân, đặc biệt là bộ ba Techcombank, VPBank, MB. Xét về tổng thu nhập, VPBank đang dẫn đầu, song tạm thời, Techcombank là quán quân lợi nhuận của khối ngân hàng này.
VPBank đang dẫn đầu khối ngân hàng cổ phần tư nhân về tổng thu nhập. Ảnh: Đức Thanh
VPBank đang dẫn đầu khối ngân hàng cổ phần tư nhân về tổng thu nhập. Ảnh: Đức Thanh

Lợi nhuận chưa nói lên tất cả

Bức tranh lợi nhuận 6 tháng đầu năm của ngân hàng cổ phần tư nhân vẫn chứng kiến sự thống trị của ba ông lớn là Techcombank, MB và VPBank. Theo đó, về lợi nhuận, Techcombank giữ nguyên vị trí dẫn đầu, với 5.662 tỷ đồng. MB và VPBank có sự hoán đổi vị trí. Theo đó, nửa đầu năm nay, MB đứng vị trí thứ hai về lợi nhuận trong khối ngân hàng cổ phần tư nhân với 4.875 tỷ đồng, đứng sau là VPBank với 4.343 tỷ đồng, tụt xuống vị trí thứ ba.

Tuy nhiên, xét về tổng thu nhập, VPBank mới là “gã khổng lồ”. Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, tổng thu nhập hợp nhất của VPbank là 16.832 tỷ đồng, của Techcombank là 9.082 tỷ đồng và MB là 9.174 tỷ đồng. Như vậy, VPBank có tổng thu nhập gần gấp đôi hai ngân hàng còn lại. Điều làm nên sự khác biệt về thu nhập của VPBank là hai ngân hàng còn lại có chi phí hoạt động thấp hơn nhiều.

Cụ thể, trong khi Techcombank và MB có mức chi phí hoạt động khá thấp trong 6 tháng đầu năm, chỉ hơn 3.100 tỷ đồng, thì chi phí hoạt động của VPBank lại cao gấp đôi (6.019 tỷ đồng, trong đó chi phí hoạt động của công ty con FE Credit chiếm gần một nửa).

Tuy nhiên, trích lập dự phòng của VPBank cũng cao hơn rất nhiều, khiến lợi nhuận bị ăn mòn đáng kể. Cụ thể, chi phí dự phòng của VPBank trong 6 tháng đầu năm là 6.470 tỷ đồng, trong khi tại Techcombank chỉ 234 tỷ đồng và tại MB là 1.717 tỷ đồng.

Chính vì trích lập dự phòng thấp, chi phí hoạt động được kiểm soát, nên sau khi trừ chi phí, Techcombank nhanh chóng dẫn đầu về lợi nhuận. Còn VPBank, vì trích lập dự phòng lớn, chi phí hoạt động cao, đã từ vị trí quán quân rớt xuống vị trí thứ ba về lợi nhuận.

Về cơ cấu lợi nhuận, MB và VPBank vẫn dựa chủ yếu vào tín dụng. Tuy nhiên, trong khi MB tập trung cho vay các tổ chức kinh tế, thì VPBank chủ yếu cho vay tiêu dùng, cho vay cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Riêng tại Techcombank, hoạt động phi tín dụng chiếm tới một nửa doanh thu. Đáng lưu ý, hoạt động tư vấn và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của Techcombank tăng đột biến trong nửa đầu năm nay, trong khi cho vay tăng chậm.

Khẩu vị rủi ro và tiềm năng tăng trưởng tạo nên sự khác biệt

Điều dễ thấy là, khẩu vị rủi ro và lựa chọn chiến lược phát triển của ba ngân hàng trên hoàn toàn khác nhau. MB lựa chọn hướng phát triển an toàn, chắc chắn, nhưng khó có thể có sự đột phá. Techcombank chú trọng mảng dịch vụ và bán lẻ, song việc đầu tư quá nhiều vào trái phiếu doanh nghiệp và phụ thuộc nhiều vào hệ sinh thái (Vingroup, Masan, Vietnam Airlines) cũng gây ra nhiều lo ngại. Trong khi đó, VPBank chọn một khẩu vị rủi ro vô cùng đặc biệt: cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là phân khúc rủi ro cao, nhưng cũng có lợi nhuận lớn.

Về mảng dịch vụ, cả ba ngân hàng trên đang cạnh tranh quyết liệt. MB có lãi thuần từ dịch vụ lớn nhất (1.813 tỷ đồng), Techcombank đứng thứ hai (1.339 tỷ đồng), thứ ba là VPBank (1.233 tỷ đồng). Trong khi MB và VPBank chủ yếu lãi từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm, thì Techcombank lại chủ yếu từ dịch vụ thanh toán và tiền mặt.

Hiện tại, về tỷ suất sinh lời, ba ngân hàng trên có vị thế ngang ngửa nhau. Cụ thể, nếu xét về tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA), MB có mức cao nhất (11,3%), tiếp đến là VPBank (9,5%) và Techcombank (8,4%).

Nếu xét về tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA), Techcombank đứng đầu (1,33%), VPBank và MB ngang nhau (cùng 1,03%).

Còn xét về tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM), VPBank đang vượt xa hai ngân hàng còn lại với mức 9,4%, do có “gà đẻ trứng vàng” FE Credit. MB có NIM 4,7% và của Techcombank thấp hơn nữa.

Về tiềm năng phát triển, theo đánh giá của các chuyên gia, trong thời gian tới, cỗ xe tam mã Techcombank - MB - VPBank sẽ tiếp tục đua tranh vị thế dẫn đầu. Techcombank dự báo tiếp tục lãi lớn từ dịch vụ thanh toán, môi giới trái phiếu, ủy thác… Trong khi đó, MB và VPBank sẽ “kiếm bộn” từ tín dụng, trong đó, tín dụng tiêu dùng sẽ ngày càng đóng góp tỷ trọng lớn trong doanh thu của hai ngân hàng này.

Xét về yếu tố bất ngờ, VPBank có nhiều triển vọng hơn cả do đang có những cải tổ mạnh theo hướng cắt giảm chi phí hoạt động, nâng cao chất lượng tín dụng. Nửa đầu năm nay, VPBank giảm tới gần 2.000 nhân sự, chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) tính đến ngày 30/6/2019 giảm 2% so với quý I/2019. Nếu chi phí hoạt động giảm, dự phòng rủi ro ít dần, thì lợi nhuận của VPBank chắc chắn sẽ tăng mạnh và có thể sẽ lấy lại vị thế quán quân lợi nhuận trong tương lai.

Ngân hàng cổ phần nhập cuộc giảm suất lãi cho vay
Sau khi 4 ngân hàng thương mại nhà nước công bố giảm lãi suất cho vay, một số ngân hàng khối thương mại cổ phần cũng bắt đầu vào cuộc, tiêu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư