Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 cần mang tính bao trùm, gắn kết
Kỳ Thành - 20/07/2020 22:23
 
Đó là nhận định của các nước thành viên ASEAN tại Cuộc họp trực tuyến liên ngành của các Quan chức cao cấp ASEAN vừa diễn ra hôm nay, 20/7.

Ngày 20/7, trong vai trò nước Chủ tịch ASEAN, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã chủ trì Cuộc họp trực tuyến liên ngành của các Quan chức cao cấp ASEAN thảo luận về định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025.

Đây là một trong các ưu tiên chính của ASEAN năm 2020 theo sáng kiến của Việt Nam, nhằm định hướng tiến trình phát triển của ASEAN sau khi hoàn thành triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Tham dự cuộc họp có các Quan chức cao cấp ASEAN từ các cơ quan chuyên ngành trên 3 trụ cột Cộng đồng Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội ASEAN và các Phó Tổng thư ký ASEAN.

Cuộc họp liên ngành các Quan chức cao cấp ASEAN
Cuộc họp liên ngành các Quan chức cao cấp ASEAN

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, Cộng đồng ASEAN đã hình thành được 5 năm, ASEAN đã và đang đối diện với nhiều thách thức cũng như cơ hội trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đang thay đổi nhanh chóng. ASEAN đã cho thấy sự năng động và tầm nhìn xa trông rộng trong xác định phương hướng phát triển của ASEAN trong hơn 5 thập kỷ qua.

Thứ trưởng chia sẻ, sáng kiến của Việt Nam về định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 là sự tiếp nối các nỗ lực của Thái Lan trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2019 phối hợp với Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) tiến hành nghiên cứu về Tầm nhìn ASEAN 2040. Trên cơ sở thảo luận trong khuôn khổ các Quan chức cao cấp ngoại giao (SOM) ASEAN tại Hội nghị SOM ASEAN (Đà Nẵng, tháng 3/2020), cuộc trao đổi liên ngành lần này tiếp tục tập hợp ý kiến đóng góp từ cả 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN để xây dựng các khuyến nghị về định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 trình lên Hội đồng Điều phối ASEAN và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào cuối năm.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng

Trao đổi tại cuộc họp, các nước ASEAN đánh giá cao đề xuất của Chủ tịch Việt Nam về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc kịp thời khởi động các nỗ lực định hướng phát triển cho ASEAN trong tương lai. Các nước ASEAN khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Việt Nam trong quá trình thảo luận về định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025.

Các nước đề nghị Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 cần mang tính bao trùm, gắn kết chặt chẽ các nội dung hợp tác trên cả 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN. Các khía cạnh hợp tác về chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, phát triển bao trùm, khả năng nhanh nhạy, ứng phó hữu hiệu với các thách thức đang nổi lên, cách tiếp cận hướng về người dân và lấy người dân làm trung tâm, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, đưa Cộng đồng ASEAN đến gần hơn với người dân, nâng cao vai trò trung tâm và vị thế quốc tế của ASEAN… được các nước ASEAN nhấn mạnh trong xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025.

Các nước ASEAN cũng đề nghị chú trọng các biện pháp nâng cao hiệu quả của bộ máy của ASEAN, phối hợp liên ngành-liên trụ cột, tăng cường sự tham gia của tất cả các thành phần trong xây dựng Cộng đồng bao gồm kênh Nghị viện (Đại hội đồng liên nghị viện ASEAN-AIPA), kênh học giả và nghiên cứu, kênh doanh nghiệp (Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN-ABAC), các tổ chức xã hội…

Đại diện các cơ quan hợp tác chuyên ngành trên 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN hoan nghênh sáng kiến tổ chức họp liên ngành do nước Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đưa ra và tham gia đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, đa dạng cho tiến trình định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025.

Chia sẻ quan điểm của Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 cần xác định rõ tính chất và bản chất của ASEAN là cơ sở quyết định các mục tiêu, nguyên tắc và thể thức hoạt động của ASEAN trong tương lai.

Thứ trưởng cho rằng, với các đặc thù phát triển của mình, ASEAN cần theo đuổi cách tiếp cận tiệm tiến, từng bước đẩy mạnh liên kết kinh tế làm cơ sở để xác định các hình thức liên kết tiếp theo của Cộng đồng ASEAN. Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục biến động nhanh chóng, phức tạp, ASEAN cần tiếp tục thể hiện vai trò trung tâm, là động lực thúc đẩy các tiến trình đối thoại, xây dựng lòng tin vì hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực, ứng phó chủ động, hiệu quả hơn với các thách thức đặt ra cũng như đóng góp tích cực hơn nữa vào các nỗ lực đảm bảo hòa bình và phát triển của cộng đồng quốc tế. ASEAN cũng cần đảm bảo cách tiếp cận bao trùm, đảm bảo phát triển đồng đều, bền vững ở các vùng, miền, giữa các quốc gia, các thành phần khác nhau trong xã hội, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ trưởng đề nghị ASEAN cần quan tâm đầy đủ đến việc gắn kết chặt chẽ phát triển ở các tiểu vùng với tiến trình phát triển chung của Cộng đồng ASEAN, xây dựng một Cộng đồng ASEAN thực sự hướng đến người dân, đặt người dân vào trung tâm của quá trình phát triển. Thứ trưởng cho rằng quá trình thảo luận về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 cần kết hợp với công tác đánh giá giữa kỳ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, cũng là một trong những ưu tiên của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị tham vấn với sự tham dự của đại diện rộng rãi các ngành, các thành phần trong xã hội của các nước thành viên  ASEAN về định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 để tổng hợp các ý kiến đóng góp, trình lên các nhà Lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (tháng 11/2020).

Gắn kết hợp tác Mekong với các mục tiêu phát triển của ASEAN
Việc gắn kết các chương trình, phối hợp các nguồn lực giữa các tiểu vùng trong ASEAN sẽ tạo ra sự cộng hưởng, đem đến kết quả cao hơn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư