Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
Tận dụng FTA thúc đẩy xuất khẩu có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương
Thế Hoàng - 01/11/2023 09:57
 
15 hiệp định thương mại đang giúp các địa phương, ngành hàng, doanh nghiệp tận dụng để đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng mức độ tận dụng FTA của mỗi ngành hàng, doah nghiệp, địa phương còn chênh lệch lớn.
Tọa đàm:  “Trợ lực cho các địa phương, gia tăng hiệu quả thực thi FTA”.
Tọa đàm: “Trợ lực cho các địa phương, gia tăng hiệu quả thực thi FTA”.

Theo thống kê của Bộ Công thương, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều của 5 thành phố trực thuộc Trung ương với các nước trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) giai đoạn 2021-2022 ước đạt hơn 449 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 259,4 tỷ USD.

Dù xuất khẩu tăng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương, nhưng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các FTA chưa đạt như kỳ vọng, tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo FTA chưa cao. Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang các thị trường FTA vẫn khiêm tốn.

Đáng chú ý, công tác thực thi, triển khai FTA tại các địa phương thời gian qua còn nhiều tồn tại, khó khăn, nhiều chương trình, hoạt động vừa thiếu, vừa thừa. Số lượng các tỉnh thành có hoạt động xuất nhập khẩu tại thị trường các nước có FTA còn chưa đồng đều.

Chia sẻ tại Tọa đàm:“Trợ lực cho các địa phương, gia tăng hiệu quả thực thi FTA”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thừa nhận, có sự chênh lệch trong việc tận dụng các FTA tại các tỉnh, thành, xuất phát từ nhận thức của các địa phương về FTA.

"Cần Thơ chẳng hạn, họ rất tích cực mời các chuyên gia để để tham gia trình bày cho cộng đồng doanh nghiệp và cũng như mời các chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp trong những vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải khi thực thi các FTA", ông Dương dẫn chứng.

Ngược lại, một số địa phương khác thì sự quan tâm đối với các FTA thế hệ mới không đồng đều.

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Việt Nam đang thực thi nhiều FTA thế hệ mới, và tới đây sẽ còn gia tăng. Các địa phương, ngành hành cần sự chỉ đạo đồng bộ từ Trung ương, từ Bộ xuống tới các địa phương để có thể tận dụng tốt và triển khai FTA hiệu quả hơn nữa.

Năm 2022,  dù bị ảnh hưởng rất lớn của đại dịch covid-19, song kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử vẫn dẫn đầu trong tất cả các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo  với giá trị tuyệt đối xuất khẩu là 114 tỷ USD và xuất siêu là 11,24 tỷ USD, đóng góp vô cùng quan trọng vào cân bằng cán cân thương mại ngoại hối cho đất nước và ngành điện tử.

Bà Tô Thị Hương Lan, Phó giám đốc Sở Công thương Thái Bình cho hay, những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Thái Bình luôn đạt được mức tăng trưởng khá. Cụ thể, 2021 tăng trưởng ở mức 23,9%, năm 2022 đạt được mức 13,5%, 2023 xuất khẩu khó hơn, nhưng trung bình tăng trưởng 2021-2023 đạt  khoảng 14,3%.

Kết quả xuất khẩu này có tác động không nhỏ từ việc tận dụng các FTA để thúc đẩy xuất khẩu, gia tăng ưu đãi thuế quan.

Cụ thể, đối với hàng hóa xuất khẩu sang thị trường mà Việt Nam đã ký các FTA, doanh nghiệp tạiThái Bình sẽ được hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa giúp cho khách hàng được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu, qua đó cũng tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Tỷ lệ tận dụng của các FTA tính theo kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng trên dưới 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

"Thời gian tới, Sở Công thương Thái Bình sẽ phổ biến nhiều hơn về các FTA để đẩy mạnh sản xuất cũng như xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cũng như quy mô sản xuất, thông tin đầy đủ hơn về các FTA hiện hành", bà Lan cho biết.

Từ những thay đổi của các thị trường nhập khẩu, ban hành thêm nhiều quy định mới, ông Nguyễn Anh Dương lưu ý, tới đây các địa phương cần thông tin nhiều hơn tới các doanh nghiệp về xu hướng tiêu dùng và quy định mới của nhà nhập khẩu. 

Ví dụ như những quy định liên quan đến phát triển bền vững thì phía EU có thể có những quy định mới liên quan đến các cơ chế điều chỉnh biên giới carbon hay các quy định chống phá rừng.

Với 15 FTA đang có hiệu lực, Bộ Công thương thừa nhận, mức độ quan tâm tới triển khai FTAs của mỗi địa phương vẫn chưa đủ và chưa đồng đều, chưa tạo được những đột phá cho các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ FTA. Thậm chí, rất nhiều địa phương chưa có một chương trình cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA. Chính vì vậy, việc tối ưu hóa các FTA tại các địa phương chưa nhiều.

Để đẩy mạnh tuyên truyền và tận dụng hiệu quả các FTA, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã đồng ý giao Bộ Công thương xây dựng kế hoạch tuyên truyền tổng thể.

Trong đó, lấy ý kiến các Bộ, ngành, phối hợp với các địa phương để định vị nội dung tuyên truyền, các Bộ, ngành, các địa phương sẽ cùng phối hợp với nhau để không bị chồng chéo, đi sâu vào những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm. sẽ xây dựng các khóa đào tạo chuyên gia về FTA.

Đặc biệt, Chính phủ đã giao và Bộ Công thương và kỳ vọng rằng cuối năm nay có thể công bố bộ chỉ số FTA Index. Đây là bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện FTA tại các tỉnh, thành và địa phương. Theo kế hoạch cuối 2023 bộ chỉ số FTA Index sẽ được công bố.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư