Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Tận dụng mọi cơ hội để bứt phá
Hà Nguyễn - 17/01/2019 17:05
 
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, cần chắt chiu và tận dụng mọi cơ hội để nền kinh tế có thể bứt phá trong năm 2019.
.
.

Cơ hội nào để bứt phá?

Với ý nghĩa là năm cần đẩy nhanh tốc độ phát triển để về đích thành công cả ở khía cạnh chiến lược 10 năm 2011 - 2020 và kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, năm 2019 cũng đã được xác định là năm “bứt phá” để phát triển. Bởi vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ “nhắm” đến sẽ không chỉ là 6,6 - 6,8% như Quốc hội đã quyết nghị nữa, mà phải cao hơn.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, liệu Việt Nam có thể đạt được mục tiêu đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn?

Một cách lạc quan, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bước sang năm 2019, mặc dù nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế thế giới có thể tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn sẽ có những tác động nhất định đến các nền kinh tế khác có liên quan, trong đó có Việt Nam, nhưng “triển vọng không phải là không có”.

“Tôi cho rằng, chúng ta cần hết sức linh hoạt trong bối cảnh có nhiều thay đổi nhanh chóng để tận dụng mọi cơ hội có được từ sự thay đổi đó”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho rằng, thương mại và đầu tư là hai lĩnh vực có nhiều dư địa có thể mang lại sự bứt phá cho nền kinh tế.

Việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được Việt Nam thông qua trong năm 2018 và vừa có hiệu lực, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là một yếu tố cần tận dụng ngay từ đầu năm để mở rộng và phát triển thị trường.

Một khi thị trường xuất khẩu được mở rộng, thì đó sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất - kinh doanh trong nước và tất nhiên điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cùng với cơ hội từ CPTPP, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, còn một cơ hội nữa cần được tận dụng, đó là cơ hội từ dòng vốn đầu tư nước ngoài. “Dòng vốn đầu tư toàn cầu dự kiến tiếp tục có nhiều thay đổi trong năm 2019, trong đó, khu vực ASEAN và Việt Nam vẫn là những điểm đến hấp dẫn. Vấn đề ở chỗ, chúng ta cần chuẩn bị tốt các điều kiện để tận dụng cơ hội, đón nhận dòng vốn này, gắn liền với định hướng lựa chọn dự án có công nghệ cập nhật, dự án thân thiện môi trường...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân lại đề cập động lực và cơ hội từ sự bứt phá của khu vực tư nhân trong nước. “Các doanh nghiệp trong nước cần lớn mạnh trở thành động lực cơ bản để phát triển kinh tế”, ông Ân nói.

Nỗ lực vì mục tiêu chung

Hôm nay (16/1), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Là kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế, trách nhiệm đặt ra cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư khá nặng nề, nhất là khi bài toán mà Chính phủ đặt ra là làm sao để tăng trưởng kinh tế năm 2019 không chỉ cao hơn năm trước, mà còn phải duy trì đà tăng trưởng cao và bền vững trong các năm tiếp theo.

Bởi thế, theo khẳng định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần hết sức nỗ lực, nghiêm túc, quyết liệt, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tập trung vào những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2019...

Bên cạnh đó, phải nâng cao năng lực nội tại, củng cố nền tảng vĩ mô, duy trì và khơi thông các động lực tăng trưởng. Quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Còn với riêng ngành kế hoạch và đầu tư, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, “Bộ sẽ tiếp tục đổi mới, quyết liệt hành động để hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết của Trung ương Đảng, của Quốc hội, Chính phủ, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra”.

Ngoài các nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ các đột phá chiến lược; nghiên cứu cơ chế, chính sách huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển và đầu tư kinh doanh; cụ thể hóa các giải pháp nhằm tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa trong tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế...

Rất nhiều phần việc cụ thể đã được vạch ra, từ việc xây dựng Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam, đến xây dựng Đề án Hình thành và Phát triển liên đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam; rồi Kế hoạch Phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân; hay xây dựng giải pháp hoàn thiện khung pháp lý về cấp vốn cho doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực… Tất cả là để đảm bảo cho nền kinh tế không chỉ bứt phá trong năm 2019, mà còn tiếp tục tăng tốc trong những năm tiếp theo, đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Thặng dư thương mại năm 2018 cao gấp 3,2 lần năm 2017

Số liệu được cập nhật mới nhất từ Tổng cục Hải quan, năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 480,17 tỷ USD, tăng 12,2%, tương ứng tăng 52,05 tỷ USD về số tuyệt đối so với năm 2017. Tuy cuối năm có nhập siêu khiến “chung cuộc”, Việt Nam xuất siêu 6,8 tỷ USD trong năm 2018, thấp hơn con số 7,2 tỷ USD dự ước trước đó, song đó vẫn là thành tích lần đầu tiên Việt Nam đạt được, cao gấp 3,2 lần mức thặng dư thương mại của năm 2017.

Lựa chọn kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2019: Phụ thuộc chính vào chất lượng cải cách
Đang có sự khác biệt giữa các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm tới của các tổ chức trong nước và nước ngoài, nhưng điểm chung...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư