Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tăng giờ làm thêm, nên ở mức vừa phải
Hải Hà - 26/02/2017 13:31
 
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa nội dung tăng giờ làm lên mức 600 giờ/năm vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động. Với người lao động, tăng giờ làm, sẽ tăng thêm thu nhập, nhưng cùng với đó là mệt mỏi và sự mất tập trung…

Quá sức với làm thêm

6 giờ chiều, tôi có mặt tại một nhà trọ 3 tầng tại thôn Đại Sơn (Tiên Du, Bắc Ninh) nằm gần Khu công nghiệp Đại Đồng (Hoàn Sơn, Bắc Ninh). Khu nhà được thiết kế cho công nhân thuê trọ, dù khá khang trang so với những dãy trọ lợp tôn, nhưng mỗi phòng chỉ khoảng 10 m2.

Long (công nhân của Công ty TNHH Seojin Vina) đang thuê nhà tại đây cho biết, một ngày làm việc bắt đầu từ 8h sáng tới 20h (ca ngày), hoặc từ 20h tới 7h sáng hôm sau (ca đêm). Cộng tăng ca chủ nhật, lương của  Long từ 7-8 triệu đồng/tháng. 

“Nếu ai muốn về sớm, Công ty vẫn tạo điều kiện, nhưng mức lương chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng, sẽ không đủ sống. Vì vậy, 98% người lao động phải chấp nhận làm thêm giờ. Số tiền nhận được vào thời gian tăng ca ban ngày là 200% lương, vào ca đêm từ 12h đêm trở đi sẽ  bằng 250% lương. Trung bình, tính cả tăng ca, một công nhân sẽ được 7 triệu đồng/tháng. Nếu làm thêm chủ nhật, mức lương khoảng 9 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí sinh hoạt, cũng tiết kiệm được khoảng 3 dến 4 triệu đồng/tháng”, Long nói.

Khi được hỏi về việc nếu nâng thời gian làm thêm từ 300 giờ lên 600 giờ, Long cho rằng thời gian làm việc như thế là nhiều, chỉ khoảng 500 giờ còn được, vì hiện tại, thời gian làm thêm của Long cũng vào khoảng 500 giờ/năm. “Để có thêm tiền, công nhân phải chấp nhận. Thậm chí, những ngày lễ, tết cũng vẫn đi làm thêm vì mức lương nhận được bằng 400 - 500% lương”, Long nói.

Cũng làm thêm giờ, nhưng Nguyễn Mạnh Cường quê Bắc Giang, là công nhân Công ty TNHH Goertek Vina (Quế Võ, Bắc Ninh), chỉ nhận được mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng.  Với mức lương này, không đảm cuộc bảo sống, bởi phòng trọ đắt đỏ cộng với  và sinh hoạt phí... 

“Nếu tăng ca không đủ số giờ, sẽ bị công ty quy vào làm ăn tự do và phạt vào tiền lương chính, từ 4 triệu đồng giảm xuống còn 3,2 triệu đồng, thì chị tính chúng em để ra được bao nhiêu”, Cường nói.

Nguyễn Văn Thanh (quê Thanh Hóa), công nhân Công ty TNHH K-Tech Vinna (KCN Đại Đồng Hoàn Sơn, Bắc Ninh) cho biết: “Tính cả làm thêm 3 giờ mỗi ca, mà  lịch làm của bọn em đã kín ngày, giờ lại tăng giờ làm thêm, thì sợ không đảm bảo sức khỏe đi làm”.

.
Do đặc thù "chạy" đơn hàng, lao động ngành dệt may luôn chịu sức ép về việc làm thêm giờ

Nên tăng ở mức vừa phải 

Ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, các ngành dệt may, da giày và xây dựng là các nhóm ngành yêu cầu tăng giờ làm thêm lên 600 giờ/năm. 

Ông Nhưỡng cho rằng, có thể đánh thuế cao những doanh nghiệp làm thêm giờ, bên cạnh những yếu tố khác như vai trò, trách nhiệm của công đoàn, tăng thỏa ước lao động làm căn cứ xử phạt khi doanh nghiệp vi phạm vì tăng ca quá nhiều.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tỏ ra không đồng tình với quy định nâng giờ làm thêm như trong dự thảo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo ông Quảng, Luật Lao động hiện đang quy định 200 giờ/năm với doanh nghiệp bình thường, với doanh nghiệp đặc biệt thì quy định 300 giờ/năm. “Trong khi, giờ làm việc chính thức của các nước thường chỉ 40 giờ/tuần, còn ở Việt Nam hiện đang là 48 giờ/tuần. Nếu tăng giờ làm thêm cũng đồng nghĩa với việc người trong cuộc quá vất vả, trong khi, cơ hội cho lao động chưa tìm được việc là khó vì doanh nghiệp mãi duy trì lực lượng lao động cũ. Chỉ có thể có thể tăng lên 400 giờ, nhưng phải có tiêu chí cụ thể”, ông Quảng đề xuất.

Nhiều doanh nghiệp dệt may vi phạm về số giờ làm thêm
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) vừa tổ chức chiến dịch thanh tra trong ngành dệt may nhằm nâng cao nhận thức về tuân thủ pháp luật...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư