Thứ Hai, Ngày 28 tháng 04 năm 2025,
Tăng trưởng GDP quý I đạt 4,89%
Hà Nguyễn - 27/03/2013 08:12
 
Xét về con số, tăng trưởng GDP của quý I năm nay đã cao hơn so với mức tăng trưởng 4,75% của quý I năm ngoái.
TIN LIÊN QUAN

Tuy vậy, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cũng chưa thể vội mừng. “GDP quý I năm nay đúng là đã tăng cao hơn so với con số của quý I năm ngoái, nhưng nền kinh tế hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, cả sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đều có mức tăng trưởng thấp”, ông Doanh nói.

Báo cáo tại Hội nghị Giao ban sản xuất - kinh doanh tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2013, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày hôm qua (26/3) tại Hà Nội, ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết, quý I/2013, tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,24%; của khu vực công nghiệp và xây dựng là 4,93%, trong đó, công nghiệp tăng 4,59%, xây dựng tăng 4,79%; còn khu vực dịch vụ tăng 5,65%.

Số doanh nghiệp đăng ký trong quý I/2013 tiếp tục xu thế giảm so với cùng kỳ năm trước

“Ngoại trừ khu vực dịch vụ, thì cả hai khu vực còn lại, tốc độ tăng trưởng đều thấp hơn so với mức tăng trưởng của năm ngoái”, ông Hà nói.

Ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, cũng đồng tình quan điểm này và thậm chí còn bày tỏ sự lo ngại khi mà quý I năm nay, ngay cả sản xuất nông nghiệp, vốn nhiều năm qua được coi là điểm tựa của nền kinh tế, cũng có mức tăng trưởng khá chậm so với mức tăng trưởng của quý I các năm trước.

Còn với mức tăng trưởng của khu vực dịch vụ, ông Lê Đăng Doanh phân tích rằng, phải đặt trong bối cảnh quý đầu năm có tới hai kỳ nghỉ Tết. Bởi thế, tăng cao là dễ hiểu.

“Tất cả những điều này đã cho thấy sự trì trệ của nền kinh tế”, ông Ân nói.

Trong khi đó, đứng ở góc độ tiền tệ, tín dụng, ông Phạm Đình Hòe, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến ngày 21/3/2013, tổng phương tiện thanh toán đã tăng hơn 3%, dư nợ tín dụng tăng 0,03% so với cuối tháng 12/2012. Đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy vốn đã được cung ứng tốt hơn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Hòe, hiện vẫn còn nhiều gói tín dụng lãi suất thấp vẫn chưa ra đươc với thị trường và điều đó cho thấy, tổng cầu vẫn còn rất yếu.

“Khó khăn hiện nay vẫn là tồn kho và nợ xấu của hệ thống doanh nghiệp. Nếu không sớm tháo gỡ được thì lưu chuyển tiền tệ trong nền kinh tế kém, dẫn tới việc phục hồi kinh tế sẽ không mạnh mẽ và kém vững chắc”, ông Hòe bày tỏ quan điểm.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, quý I/2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ sau khi trừ yếu tố giá cả chỉ còn tăng 4,5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 4,7% của quý I năm trước. Tình hình kinh tế suy giảm, thu nhập của người lao động bấp bênh, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm tăng đã ảnh hưởng đến sức mua của dân cư. Tổng cầu yếu là một trong những lý do khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,19% so với tháng trước. Và tổng cầu yếu cũng là yếu tố sẽ tác động mạnh tới sản xuất - kinh doanh của hệ thống doanh nghiệp trong những tháng tới.

Nhân nói tới doanh nghiệp, có thể nêu một con số mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, để thấy rằng, khu vực này chưa thể sớm vượt qua khó khăn. Đó là trong quý I/2013, cả nước có 15.707 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vơi tổng vốn đăng ký trên 79.300 tỷ đồng, giảm 6,8% về số lượng doanh nghiệp và 16,1% về số vốn so với quý I/2012. Còn nếu so với quý IV/2012, thì số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 9,4%, số vốn đăng ký giảm 26,7%.

“Việc số doanh nghiệp và số vốn đăng ký trong quý I/2013 vẫn tiếp tục xu thế giảm so với cùng kỳ năm trước cho thấy các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn trong sản xuất - kinh doanh”, ông Bùi Hà nói và chia sẻ rằng, dù con số chính thức chưa được công bố, song số lượng doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động trong quý I năm nay cũng tương đương số lượng doanh nghiệp thành lập mới.

Thêm một bằng chứng chứng minh những khó khăn của nền kinh tế. Và điều này, không khỏi khiến dư luận đặt câu hỏi về việc, liệu tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới như thế nào?

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đăng Doanh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, không thể chỉ lấy riêng chỉ tiêu về tăng trưởng GDP để có cái nhìn toàn diện về nền kinh tế. “Phải xem các giải pháp mà Quốc hội, Chính phủ đã quyết, như tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng… đã tiến triển gì chưa. Nếu chưa, thì khó có thể nói nền kinh tế sẽ có được mức tăng trưởng khả quan hơn trong thời gian tới”, ông Doanh bình luận.n

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư