Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Tấp nập kế hoạch M&A, tăng vốn ngân hàng
Hà Tâm - 06/02/2023 07:29
 
Năm 2023 tiếp tục là năm chạy đua tăng vốn của các ngân hàng, khi ngay từ đầu năm, nhiều ngân hàng đã rộn ràng với kế hoạch mua bán - sáp nhập (M&A) và tăng vốn.

Những thương vụ M&A mở màn năm 2023

Tuần qua, HĐQT Tập đoàn Petrolimex đã thông qua phương án thoái vốn (chuyển nhượng vốn) đầu tư tại PG Bank. Theo đó, Petrolimex sẽ thoái vốn theo hình thức đấu giá công khai qua Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Mức giá khởi điểm sẽ lấy giá cao nhất một trong hai mức giá sau: giá xác định của tổ chức có chức năng thẩm định giá theo phương pháp tài sản (21.300 đồng/cổ phần) hoặc giá tham chiếu bình quân 30 phiên giao dịch liên tiếp của cổ phiếu PGP trên sàn chứng khoán UPCoM trước ngày phê duyệt phương án thoái vốn.

Việc thoái vốn của Petrolimex giúp PG Bank có cơ hội tìm kiếm nhóm cổ đông chiến lược mới có tiềm lực để tăng vốn sau 12 năm đứng im. Hiện PG Bank là ngân hàng có vốn điều lệ và tổng tài sản thấp nhất hệ thống.

Trước đó, giữa tháng 1/2023, cổ phiếu EIB của Eximbank cũng có phiên giao dịch dậy sóng trên thị trường, với khối lượng giao dịch thỏa thuận lên tới 134 triệu cổ phiếu, tổng giá trị 3.421 tỷ đồng. Nhiều khả năng, đây là phiên giao dịch đánh dấu việc SMBC hoàn tất thoái vốn khỏi Eximbank, chuyển nhượng cho nhà đầu tư trong nước.

Sau thương vụ thoái vốn của SMBC khỏi Eximbank, mọi con mắt đang đổ dồn về VPBank. Theo kế hoạch, năm 2022, VPBank sẽ hoàn tất thương vụ bán 15% vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài (đang được đồn đoán là SMBC), song do tình hình kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, thương vụ này đã chậm lại.

Trao đổi với nhà đầu tư mới đây, bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc VPBank cho hay, quá trình làm việc với đối tác vẫn đang diễn ra tốt đẹp, song lộ trình bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chậm hơn dự kiến. Nếu hoàn tất thương vụ này, nhiều khả năng, VPBank sẽ vươn lên trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất nhì hệ thống. Năm 2022, sau thương vụ bán 49% vốn khỏi FE Credit cho SMBC, VPBank đã vươn lên trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Trường hợp của VPBank cho thấy, M&A là con đường tăng vốn ngắn nhất với nhiều nhà băng. Tuy vậy, cơ hội để M&A ngân hàng trên thị trường không nhiều và đây cũng là lý do nhiều ngân hàng lớn lựa chọn hình thức nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém. Đến nay, đã có 3 ngân hàng được đại hội đồng cổ đông thông qua phương án nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, bao gồm Vietcombank, HDBank và MB.

Báo cáo tài chính quý IV/2022 vừa công bố của Vietcombank cho thấy, năm 2022, ngân hàng này đã trích lập dự phòng rủi ro gần 11.000 tỷ đồng cho khoản tiền gửi và cho vay tại một ngân hàng khác. Đây có thể là động thái chuẩn bị của Vietcombank trong lộ trình nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém.

Khẳng định với cổ đông trước đó, lãnh đạo các ngân hàng Vietcombank, MB và HDBank đều khẳng định, việc nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém mở ra rất nhiều cơ hội, đặc biệt là cơ hội tăng vốn, tăng quy mô tổng tài sản, mạng lưới, tăng tín dụng… mà vẫn không ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông hiện hữu của các ngân hàng.

Cuộc đua tăng vốn sẽ còn tiếp diễn

Trong chỉ thị ban hành đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không còn “cấm” các ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt. Theo đó, năm nay, đã có một số ngân hàng rục rịch chia cổ tức bằng tiền mặt như VPBank, TPBank, VIB, ACB… Mặc dù vậy, dự kiến, trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, các ngân hàng vẫn rầm rộ xin ý kiến cổ đông chia cổ tức giấy ở mức cao để tăng vốn.

Trong Chỉ thị 01/CT-NHNN ban hành đầu năm, NHNN cũng tiếp tục khuyến khích các nhà băng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.

Hiện VPBank đang dẫn đầu hệ thống về vốn điều lệ với hơn 67.000 tỷ đồng. Các ngân hàng có vốn điều lệ cao tiếp theo lần lượt là BIDV 50.585 tỷ đồng, VietinBank 48.057 tỷ đồng, Vietcombank 47.325 tỷ đồng, MB 45.339 tỷ đồng, Techcombank, SHB (vốn điều lệ trên 30.000 tỷ đồng) và ACB, HDBank, VIB (vốn điều lệ trên 20.000 tỷ đồng)… 

Tuy nhiên, thứ hạng trên dự báo có nhiều thay đổi và nhiều kỷ lục mới được xác lập sau cuộc đua tăng vốn năm nay. Mở đầu “phát súng” tăng vốn đầu năm nay là Vietcombank. Đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây của ngân hàng này đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2018.

Theo đó, Vietcombank dự kiến phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm 27.685 tỷ đồng. Nếu thành công, vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ tăng 58,4%, từ hơn 47.325 tỷ đồng lên hơn 75.000 tỷ đồng.

Thực tế, Vietcombank vẫn còn dư địa phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Dù vậy, lãnh đạo ngân hàng này cho rằng, việc tìm kiếm nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính phù hợp với mục tiêu của ngân hàng và sẵn sàng đầu tư vào thời điểm này là khá thách thức. Do đó, chia cổ tức bằng cổ phiếu vẫn là giải pháp ưu tiên giúp ngân hàng này nhanh chóng tăng vốn.

Hiện nay, vốn điều lệ của Vietcombank đang ở mức thấp nhất trong số các ngân hàng thương mại nhà nước, thấp hơn một số ngân hàng thương mại cổ phần và có khoảng cách lớn so với các ngân hàng hàng đầu trong khu vực. 

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023, lãnh đạo 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đều khẩn thiết đề xuất sớm được tăng vốn. 

Thời gian qua, các ngân hàng thương mại Việt Nam tích cực tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, song so với các ngân hàng trong khu vực, bộ đệm vốn của ngân hàng Việt vẫn còn mỏng. Mặt khác, trong khi các nước trong khu vực đã thực hiện Basel 3 hoặc một phần Basel 3, Việt Nam mới thực hiện Basel 2. 

Hiện đã có 20 ngân hàng thương mại được công nhận áp dụng chuẩn Basel 2, trong đó có 16 ngân hàng công bố hoàn thành cả 3 trụ cột Basel 2. Một số ngân hàng đã bắt đầu áp dụng quy chuẩn nâng cao và có những bước chuẩn bị hướng tới chuẩn Basel 3. Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thời gian tới hết sức cần thiết giúp các ngân hàng phát triển lành mạnh, mở rộng hoạt động kinh doanh, cũng như tăng khả năng chống chịu trong một nền kinh tế đầy biến động.

Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Phan Đức Tú cho biết, đến quý IV/2022, Hệ số an toàn vốn (CAR) của nhóm Big 4 chỉ 9,04%, ngân hàng thương mại cổ phần là 12,92%. Mức này rất thấp so với các nước trong khu vực (Philippines 16,29%; Singapore 17,2%; Malaysia 18,3%; Thái Lan 19,3%; Indonesia 23,3%).

Nợ xấu phân hóa mạnh giữa các ngân hàng
Trong khi nợ xấu giảm tại một số ngân hàng, không ít nhà băng không chỉ có tỷ lệ nợ xấu gia tăng trong năm qua, mà còn trong xu hướng tăng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư