Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 01 năm 2025,
Tết Quý Mão không lo lạm phát
Mạnh Bôn - 11/01/2023 08:20
 
Thông thường, tháng diễn ra Tết Nguyên đán, mặt bằng giá cả cao hơn nhiều những tháng còn lại trong năm, đặc biệt với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Vinh Phú (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội), Tết Quý Mão không lo lạm phát, vì hàng hóa rất dồi dào.

TS. Vũ Vinh Phú (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội)

Chỉ còn ít ngày nữa, người dân cả nước bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng quan sát thị trường năm nay, không khí mua sắm dường như không sôi động bằng mọi năm. Ông có nhận thấy thế không?

Người tiêu dùng Việt Nam có thói quen “đói quanh năm, no ba ngày Tết”, nên chắc chắn không hạn chế chi tiêu cho ngày Tết. Tuy nhiên, năm nay, hàng hóa rất dồi dào, chủng loại đa dạng, mẫu mã phong phú, giá cả có tăng so với ngày thường, nhưng không nhiều, nên có cảm giác hoạt động mua sắm không sôi nổi như mọi năm.

Hơn nữa, thói quen mua sắm ngày Tết đang dần có sự thay đổi. Thay vì đổ xô đến chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại vào những ngày sát Tết Nguyên đán như trước đây, bây giờ, người ta sắm Tết dần từ trước, nên ít thấy cảnh người người “tay xách, nách mang”, túi lớn, bao nhỏ khi đi sắm Tết, nên có cảm giác người dân hạn chế chi tiêu.

Như vậy sẽ không còn phải lo mặt bằng giá cả tăng vào dịp Tết, thư ông?

Ngoài yếu tố khách quan hỗ trợ việc kiểm soát giá cả hàng hóa vào dịp Tết, để bảo đảm cho người dân đón Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 22/CT-TTg (ngày 23/12/2022) yêu cầu ngành công thương theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động chỉ đạo các địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến; chủ động xử lý các biến động bất thường của thị trường.

Hiện tại, nhiều địa phương, đặc biệt là tại các trung tâm kinh tế - tài chính, đã triển khai nhiều chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung - cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, về khu công nghiệp, nguồn cung dồi dào, cầu tăng không quá đột biến, do dần thay đổi thói quen mua sắm, nên không lo giá cả tăng trong dịp Tết.

Không phải chỉ có Việt Nam, mà nền kinh tế nào cũng lo lạm phát quay trở lại, bởi lạm phát sẽ làm xói mòn thành quả tăng trưởng kinh tế cũng như mức sống của người dân. Vì vậy, việc kiểm soát lạm phát không được lơ là cả trước, trong và sau Tết, tránh để tình trạng giá cả tăng khi qua Tết, bởi ra Giêng, đa phần tích lũy của gia đình có thu nhập từ mức trung bình trở xuống đã chi tiêu hết, nếu giá cả tăng, đời sống người dân sẽ gặp khó khăn.

Theo ông, còn nhân tố nào khiến mặt bằng giá cả khó tăng mạnh trong dịp Tết Quý Mão?

Một trong những mặt hàng quan trọng nhất, được tiêu dùng nhiều nhất và không thể sử dụng mặt hàng khác thay thế trong mỗi dịp Tết cổ truyền là thịt lợn. Năm 2022, giá thịt lợn bình quân giảm 10,68% so với năm trước, góp phần kiểm soát được Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) ở mức 3,15%. Nếu mặt hàng này không giảm, thì CPI năm nay ít nhất cũng lên 3,51%. Trong tháng 12/2022, mặt hàng này tiếp tục giảm 1,59% so với tháng trước đó và trong những ngày đầu năm 2023, giá thịt lợn vẫn xu hướng giảm xuống còn khoảng 50.000 đồng/kg thịt hơi.

Giá thịt lợn giảm, cộng với các loại hàng hóa thiết yếu khác rất dồi dào là nhân tố rất quan trọng khiến mặt bằng giá cả Tết Quý Mão không tăng mạnh như mọi năm. Tuy nhiên, giá đầu vào chăn nuôi nói chung, nuôi lợn nói riêng năm 2022 đã tăng khá mạnh và giữ ở mức cao, với giá thịt lợn hơi 50.000 đồng/kg sẽ khiến người chăn nuôi bị thua lỗ, giỏi lắm là hòa vốn, nên sẽ lại tái diễn tình trạng “treo chuồng”, giảm đàn. Nếu việc này diễn ra phổ biến, thì ra Xuân sẽ dẫn tới thiếu nguồn cung thịt lợn, trở thành mối lo tiềm tàng trong việc kiểm soát lạm phát.

Tháng Tết Nguyên đán được ví như “tháng củ mật”, rất nhạy cảm. Theo ông, cần phải làm gì để người dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm?

Nhu cầu tiêu dùng tháng Tết cao hơn rất nhiều so với các tháng còn lại trong năm chính là thời cơ cho hoạt động gian lận, buôn lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng hoành hành. Vì vậy, ngay từ trung tuần tháng 11/2022, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 19-/CT-TW về việc tổ chức Tết Quý Mão, bên cạnh yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường công tác dự báo và quản lý thị trường, ổn định giá cả, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hoá, dịch vụ, bảo đảm xăng dầu, các mặt hàng thiết yếu, phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm tốt công tác an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 vì Trung Quốc đã mở cửa lại nền kinh tế, rất nhiều người dân Trung Quốc sẽ đi du lịch Việt Nam.

Ban Bí thư cũng yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước phải kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, tích trữ, đẩy giá hàng hoá tăng cao bất thường để thu lợi bất chính.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã kịp thời chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; tập trung kiểm tra, tuần tra chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn trọng điểm vì hàng nhập lậu, hàng giả thường có xu hướng gia tăng trong dịp Tết như chất nổ, pháo nổ, vũ khí, hàng hóa vi phạm môi trường, thuốc lá, rượu bia, gia cầm, thực phẩm…

Như ông nói, kiểm soát lạm phát là nhiệm vụ phải làm quanh năm, vậy phải làm cách nào?

Ở các nước trên thế giới, hàng hóa trong siêu thị bao giờ cũng rẻ hơn ở chợ dân sinh, cửa hàng bán lẻ, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại. Đây là điều rất lạ!

Hàng hóa trong siêu thị đắt vì phải qua nhiều cửa, nhiều khâu trung gian, cứ qua mỗi cửa, mỗi khâu trung gian, giá cả lại bị đội lên, nên khi đến tay người tiêu dùng, giá cả bị đắt lên rất nhiều, mà người sản xuất không được hưởng lợi, còn người tiêu dùng bị “móc túi”. Thu nhập của người dân càng ngày càng được cải thiện, thói quen mua sắm đã và đang thay đổi mạnh mẽ, thay vì “ra chợ”, người ta vào siêu thị, đặc biệt là người dân đô thị và giới trẻ. Vì vậy, phải cắt giảm tối đa khâu trung gian, làm sao siêu thị phải là đầu tàu dẫn dắt thị trường, chứ không phải ngược lại, thì việc kiểm soát mới có hiệu quả.

Hàng hóa sản xuất trong nước, từ hàng tiêu dùng, hàng điện máy cao cấp, đồ gia dụng đến hàng nông sản rất dồi dào, phong phú, đa dạng và giá cả rất phải chăng, nhưng siêu thị lại thích bán hàng nhập khẩu vì được chiết khấu cao, lợi nhuận lớn hơn so với hàng sản xuất trong nước. Chúng ta đang thực hiện phong trào “Người Việt ưu tiên sử dụng hàng Việt”, vậy cần phải có quy định siêu thị bắt buộc bán hàng sản xuất trong nước với tỷ lệ tối thiểu là bao nhiêu thì người tiêu dùng mới có cơ hội mua hàng giá rẻ hơn hàng nhập khẩu, đồng thời tạo động lực thúc đẩy sản xuất trong nước.

Nền kinh tế đạt thắng lợi kép, tăng trưởng cao, lạm phát chỉ 3,15%
Việt Nam đã “ngược dòng” với thế giới, khi thành công trong kiểm soát lạm phát. Cả năm, con số chỉ là 3,15%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư