Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
TFF đặt hy vọng vào nhà đầu tư nước ngoài
P.V - 16/10/2013 09:04
 
Vào năm 2011, Gỗ Trường Thành trả 230 tỉ đồng lãi vay, gấp 23 lần lợi nhuận kinh doanh có được. >>>
Ông Võ Trường Thành

Làm ăn căn cơ, có định hướng chiến lược rõ ràng nhưng ông chủ của Gỗ Trường Thành vẫn vướng vào nợ nần chồng chất đến mức thê thảm.

Doanh nghiệp được ông Thành gầy dựng trong gần 20 năm là Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) bao gồm công ty mẹ và 14 công ty con, hoạt động chính là chế biến gỗ và trồng rừng nguyên liệu.

Được thành lập từ đầu những năm 1990, đến thời điểm năm 2007, Công ty đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành về doanh thu.

Khi đó, nhận thấy thị trường gỗ trong nước vẫn phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu trong khi chi phí nguyên liệu đã chiếm đến 70% giá thành, Gỗ Trường Thành nghĩ đến cách thuê đất trồng rừng để có thể tự chủ về nguyên liệu mà lại giảm được chi phí sản xuất, tăng biên lợi nhuận.

Nghĩ là làm, năm 2008, ông Thành tìm khách hàng mua gỗ nguyên liệu rồi mới bắt đầu thuê đất trồng rừng. Công ty đã huy động toàn bộ nguồn vốn chủ sở hữu, khá dồi dào sau đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu, để xây nhà máy và thuê đất trồng rừng trong 49 năm. Dự kiến, gỗ nguyên liệu sẽ có thể bắt đầu khai thác được sau 5 năm kể từ thời điểm đó.

Tuy nhiên cũng lúc này, giá gỗ nguyên liệu chất lượng cao (gỗ teak) nhập khẩu đã tăng liên tục trong 2 năm. Nhận thấy chi phí ngày càng cao, giá bán khó tăng ngay mà đơn hàng thì vẫn còn kéo dài đến cuối năm kế tiếp, ông Thành mới quyết định vay vốn ngắn hạn để mua lượng gỗ teak đủ dùng cho sản xuất trong 12 tháng.

Lý giải cho quyết định này, đại diện Gỗ Trường Thành cho biết do đơn hàng đều đến từ các đối tác lâu năm có thể tin tưởng được và với tình hình kinh doanh ổn định như lúc đó thì Công ty tự tin hoàn toàn có thể trả cả gốc lẫn lãi mà vẫn có lời.

Nhưng cuối năm 2008 đầu 2009, kinh tế bắt đầu khó khăn và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ nội thất trên thế giới cũng giảm. Vì vậy, các bạn hàng lâu năm của Gỗ Trường Thành cũng chuyển sang mua sản phẩm gỗ giá rẻ và không nhập sản phẩm cao cấp nữa, mặc dù Công ty đã sản xuất đầy đủ theo đơn hàng của họ từ trước.

Bán không được, kiện bạn hàng cũng không xong, ông Thành đành đem thành phẩm về cất trong kho cùng với đống gỗ nguyên liệu cao cấp mua từ trước.

Chia sẻ về sai lầm này, đại diện Công ty cho biết ngoài nguyên nhân do đối tác không tiếp tục nhập hàng dù đã đặt, việc doanh nghiệp chưa thực hiện được công tác dự báo thị trường cũng đã góp phần không nhỏ vào thiệt hại chung.

Tuy vẫn cố gắng chào hàng sản phẩm gỗ cao cấp, nhưng Gỗ Trường Thành lại tiếp tục phải vay thêm vốn để mua gỗ giá rẻ về sản xuất cho những đơn hàng mới. Vậy là nợ chồng nợ, lãi vay ngày càng cao trong khi đơn hàng lại giảm. Năm 2011, Công ty trả 230 tỉ đồng lãi vay, gấp 23 lần lợi nhuận kinh doanh có được.


Gỗ Teak

Lượng tồn kho lúc này cũng tăng cao đến mức Gỗ Trường Thành phải bán bớt gỗ teak đã nhập dự trữ trước đó, chấp nhận lỗ 20% để giải quyết nguồn vốn ngắn hạn cho sản xuất và giải tỏa bớt áp lực chi phí lãi vay. Công ty cũng bắt đầu cắt giảm nhân sự, hợp nhất các đơn vị thành viên để cắt bớt phần nào chi phí quản lý.

Giai đoạn 2010-2011, Gỗ Trường Thành chuyển sang dùng gỗ rừng trồng trong nước như cao su, tràm, keo khá nhiều nên tỉ lệ nguyên liệu phải nhập còn khoảng 20-30% so với các năm trước.

Tuy vậy, năm 2012, Công ty tiếp tục đối mặt khó khăn vì thị trường vẫn chưa khởi sắc, tồn kho tăng cao mà rừng tự trồng thì chưa khai thác được. Thậm chí, họ đã phải phát hành thêm cổ phiếu dưới mệnh giá để huy động vốn nhưng cũng chỉ thu được 98 tỉ đồng hồi tháng 3 năm nay.

Theo kế hoạch, Gỗ Trường Thành sẽ tiếp tục tăng vốn với đợt phát hành lần thứ hai, dự kiến sẽ được thực hiện vào tháng 11, dự kiến sẽ thu về thêm 72 tỉ đồng. Trong đó, một lượng lớn sẽ phát hành cho cổ đông hiện hữu, còn lại sẽ phát hành cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Ông Thành hy vọng sẽ giúp Công ty tái cơ cấu tài chính, bổ sung vào vốn lưu động cải thiện dòng tiền. Đại diện Công ty cũng cho biết đang được một số nhà đầu tư thương thảo phát hành trái phiếu trị giá 150 tỉ đồng cho họ.

Dòng tiền dự kiến thu về từ hoạt động trồng rừng của Gỗ Trường Thành cũng là niềm hy vọng cho Công ty. Dự kiến, nguồn gỗ rừng trồng sẽ mang về cho Công ty khoảng 100 tỉ đồng/năm.

Bên cạnh tái cấu trúc tài chính, Gỗ Trường Thành cũng bắt đầu chú trọng vào thị trường nội địa và giải quyết hàng tồn kho. “Với thị trường nội địa, Trường Thành sẽ tập trung vào các sản phẩm chính đang có sức tiêu thụ tốt là đồ trang trí nội thất, cửa và lớp ván sàn”, bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó Tổng Giám đốc Gỗ Trường Thành, cho biết.

Đến tháng 10, Công ty đã cân bằng thị trường trong nước ngang bằng với thị trường xuất khẩu, thay vì xuất khẩu chiếm 70-80% như trước đây.

Hiện đang nợ 13 ngân hàng với số tiền 1.174 tỉ đồng, nhưng Gỗ Trường Thành đã được 9 ngân hàng chủ nợ giảm bớt áp lực trong vòng 1 năm, do đó Công ty sẽ có thêm thời gian cân đối lại vốn cho hoạt động kinh doanh.

Ông Võ Trường Thành hy vọng với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, Công ty sẽ tận dụng được kênh bán hàng của họ để mở rộng thị trường.

“Ngoài ra, bất động sản của họ đang đầu tư tại nhiều quốc gia đang có nhu cầu đặt hàng trang trí nội thất. Đây là cơ hội để có đơn hàng lớn thường xuyên. Vì vậy, phát hành được cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không chỉ để tái cấu trúc tài chính, thay đổi đòn bẩy nợ mà còn giảm nguy cơ cho Công ty trong tình cảnh hiện tại”, ông nói.

Hiện cổ phiếu TFF đang được giao dịch quanh mức giá 5.000đ/cổ phiếu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư