Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tháng Tết, CPI dậm chân tại chỗ
Nguyên Đức - 24/01/2016 12:22
 
Bất chấp “xen giữa” hai kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Âm lịch, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2016 không đổi so với tháng trước và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
TIN LIÊN QUAN

Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, CPI tháng 1/2016 không đổi so với tháng trước (tháng 12/2015); tăng 0,8%so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, bất chấp tháng 1 là tháng có kỳ nghỉ Tết Dương lịch và đang chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Âm lịch, thông thường nhu cầu mua sắm tăng cao, CPI vẫn dậm chân tại chỗ.

Lý do, theo Tổng cục Thống kê là do trong tháng qua, các loại giá xăng dầu, giá gas đã giảm. Cụ thể, giá xăng giảm 760 đồng/lít, dầu diezen giảm 2.120 đồng/lít vào các ngày 18/12/2015 và ngày 04/01/2016, dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 6,44% so với tháng trước, góp phần giảm CPI chung khoảng 0,27%.

Thêm một yếu tố nữa giảm CPI giảm điểm, đó là giá các dịch vụ giao thông công cộng giảm 0,35%, do một số doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá cước xe khách và taxi.

Trong khi đó, tháng 1/2016 lại ghi nhận chỉ số giá lương thực tăng 0,48%, một phần do tác động tích cực từ việc Việt Nam đã giành được các hợp đồng xuất khẩu gạo cho Indonesia trong những tháng cuối năm 2015 và việc giao hàng được thực hiện từ tháng 10 năm 2015 đến hết quý I năm 2016.

Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia có kế hoạch mua thêm 350.000 tấn gạo ngay trong quý I năm 2016 và cơ quan Lương thực quốc gia Philippines cho biết đã có kế hoạch mua thêm gạo từ Việt Nam và Thái Lan trong năm 2016 để đảm bảo nguồn cung lương thực.

Chỉ số nhóm thực phẩm cũng tăng 0,3% do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm chuẩn bị hàng Tết tăng cao.

Ngoài ra, do hu cầu mua sắm chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán sắp tới nên giá quần áo, giầy dép tăng cao làm cho chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,37%.

Tính chung, CPI tháng 1 không đổi so với tháng trước. Đây là một diễn biến khá “lạ” của CPI tháng 1.

Tính trong 10 năm gần đây, ngoại trừ năm ngoái là năm có tốc độ lạm phát rất thấp (0,6%). CPI tháng 1 giảm 0,2%, còn lại tất cả các tháng 1 đều có mức tăng khá cao.

Chẳng hạn, năm 2008, năm mà lạm phát Việt Nam ở mức đỉnh điểm, CPI tháng 1/2018 tăng 2,38% so với tháng trước.

Năm 2011, CPI tháng 1 tăng 1,74%, còn tháng 1/2013 tăng 1,25%.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, do áp lực tăng tỷ giá từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất 0,25%, cùng với việc nhu cầu thanh toán cuối năm của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng, nên tỷ giá USD tháng 1/2016 đã tăng 0,18% so với tháng trước.

Trong khi đó, lạm phát cơ bản tháng 1/2016 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 1,72% so với cùng kỳ.

Lạm phát cơ bản tháng 1/2016  so cùng kỳ năm trước tăng 1,72% là cao hơn mức 0,8% của lạm phát chung, do mặt bằng giá các mặt hàng tính lạm phát chung (thuộc nhóm được loại trừ) thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 trong 10 năm gần đây (Đơn vị tính:%)


Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

CPI tháng01 năm báo cáo so với tháng trước

1,05


2,38


0,32


1,36


1,74


1,00


1,25


0,69


-0,2


0


CPI bình quân năm so với năm trước

8,3

22,97

6,88

9,19

18,58

9,21

6,6

4,09

0,63

KH 5%

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư