Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Thanh long Bình Thuận nhận "giấy thông hành" vào Nhật
Thế Hải - 10/10/2021 11:09
 
Sau gần 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ ba chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản đã cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Thanh long Bình Thuận".
Giấy thông hành cho quả thanh long Bình Thuận vào thị trường khó tính
Nhật Bản đã cấp "Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý" cho thanh long Bình Thuận.

Sau gần 03 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ ba chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, gồm vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận, cà-phê Buôn Ma Thuột tại Nhật Bản, Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản mới đây đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Thanh long Bình Thuận" với số đăng ký 110.

Đây là nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Việc bảo hộ tại thị trường khó tính như Nhật Bản đã mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Việt Nam ở nhiều thị trường khác, đặc biệt là những "thị trường khó tính. Từ đây cũng cho thấy vai trò của sở hữu trí tuệ, vốn được coi là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu.

Quả thanh long Bình Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa vào ngày 15 tháng 11 năm 2006 theo Quyết định số 786/QĐ-SHTT. Ngày 8 tháng 7 năm 2011, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND kèm theo Quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho sản phẩm quả thanh long.

Hiện Thanh long Bình Thuận đã được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ là chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT, hình” đã đăng ký và được bảo hộ tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan…

Cũng giống như vải thiều Lục Ngạn, có thể nói Cục Sở hữu trí tuệ đã triển khai nhiều giải pháp để góp phần đem lại thành công cho việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận ở Nhật Bản.

Vốn nổi tiếng là một thị trường khó tính, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản chắc chắn sẽ vô cùng phức tạp. Vì vậy, Cục Sở hữu trí tuệ đã thực hiện việc hỗ trợ qua hai con đường: hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Nhật Bản và tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy nhanh quá trình này.

Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng ở đó tin tưởng gần như tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản. Vì thế, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa thanh long vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này.

Việc cấp chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận có ý nghĩa rất lớn đối với việc xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản nói riêng và các nước nói chung.

Bởi ngoài tác dụng bảo vệ thương hiệu cho nông sản, tránh bị “đánh cắp” khi sang thị trường nước ngoài, những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản thường có giá bán cao hơn thông thường và được người dân nơi đây ưa chuộng vì “họ hiểu rẳng, các sản phẩm này đã được MAFF đứng ra bảo đảm chất lượng, do vậy, họ sẽ tin tưởng và sẵn sàng mua sản phẩm đó hơn”. 

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sau bảo hộ sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các cấp, các ngành, đặc biệt của tỉnh Bình Thuận.

Khó khăn lớn nhất phải kể đến, là việc nhanh chóng kiện toàn năng lực của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, tiếp đó, nhận thức của người nông dân, nhằm tuân thủ một cách chặt chẽ quy trình trồng và sản xuất thanh long, đảm bảo đặc tính của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản như đã đăng ký, cũng cần được nâng cao và liên tục giám sát.

Trái cây Việt tìm đường vào hệ thống bán lẻ Hàn Quốc
Hội thảo giao thương về thúc đẩy xuất khẩu trái cây tươi và các sản phẩm chế biến từ trái cây của Việt Nam sang hệ thống phân phối của Hàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư