Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Thanh tra công tác mua sắm vật tư y tế tại 2 bệnh viện giao thông: Chưa thấy bàn tay Việt Á
Bảo Như - 07/06/2022 08:18
 
Những vi phạm liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, thuốc phòng, chống Covid-19 tại Bệnh viện Giao thông - Vận tải TP.HCM và Bệnh viện Nam Thăng Long là không quá lớn.
Bệnh viện Nam Thăng Long - một trong 2 cơ sở y tế lớn nhất hiện do Bộ Giao thông - Vận tải quản lý
Bệnh viện Nam Thăng Long - một trong 2 cơ sở y tế lớn nhất hiện do Bộ Giao thông - Vận tải quản lý.

Soi 3 nội dung

Sau hơn 2 tháng tiến hành thanh tra, vào cuối tuần trước, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã ban hành Kết luận thanh tra số 5080/KL-BGTVT về việc chấp hành quy định pháp luật trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế,

sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng, chống Covid-19 tại Bệnh viện GTVT TP.HCM và Bệnh viện Nam Thăng Long.

Cần phải nói thêm rằng, sau khi Bệnh viện GTVT Trung ương hoàn thành công tác cổ phần hóa và bàn giao phần vốn Nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước năm 2020, Bệnh viện GTVT TP.HCM và Bệnh viện Nam Thăng Long chính là 2 cơ sở y tế lớn nhất hiện do Bộ GTVT quản lý.

Hai bệnh viện này cũng đang được Bộ GTVT đẩy nhanh tiến trình chuyển giao về địa phương theo Quyết định số 1922/QĐ-TTg về việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị thuộc Cục Y tế GTVT, trong đó, Bệnh viện GTVT TP.HCM được chuyển giao cho UBND TP.HCM quản lý và Bệnh viện Nam Thăng Long được chuyển giao cho UBND TP. Hà Nội quản lý.

Trước đó, vào đầu tháng 3/2022, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 274/QĐ-BGTVT thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong việc thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng, chống Covid-19 tại Bệnh viện Nam Thăng Long và Bệnh viện GTVT TP.HCM với thời kỳ thanh tra là từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2021 và các thời kỳ khác có liên quan.

Những nhà thầu trúng nhiều gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế phòng chống dịch cho 2 bệnh viện

- Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Lục Tỉnh;
- Công ty cổ phần Thương mại Thiên Lương;
- Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Phú An;
- Công ty TNN Thương mại và dịch vụ Gia An;
- Công ty TNHH Dược phẩm Thủy Mộc;
- Doanh nghiệp tư nhân Thiết bị y tế Hiếu Dương.

Theo Quyết định số 274, có 3 nội dung Bộ GTVT tập trung thanh tra tại 2 bệnh viện là: việc lập kế hoạch mua sắm, xác định nhu cầu, công tác chỉ đạo điều hành công tác mua sắm; việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thanh toán; việc sử dụng trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19. Đây cũng chính là những hướng dẫn được Thanh tra Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tại Công văn số 68/HD-TTCP ngày 14/1/2022, khi thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, thuốc phòng, chống Covid-19 tại các đơn vị y tế trực thuộc.

Cho đến thời điểm này, hai tín hiệu tích cực đối với những người làm công tác quản lý, điều hành Bệnh viện GTVT TP.HCM và Bệnh viện Nam Thăng Long là tại Kết luận Thanh tra số 5080, Bộ GTVT không phát hiện các vi phạm tới mức phải chuyển sang cơ quan điều tra và tất cả các gói thầu mua sắm sinh phẩm, kit xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện GTVT TP.HCM và Bệnh viện Nam Thăng Long trong giai đoạn 2020 - 2022 đều không liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.

Theo ghi nhận của Thanh tra Bộ GTVT, trong năm 2020, cả 2 bệnh viện đều không mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm… phục vụ phòng, chống Covid-19. Việc mua sắm tại 2 bệnh viện chỉ rộ lên trong năm 2021 - giai đoạn cao điểm cả nước căng mình phòng, chống Covid-19.

Cụ thể, trong năm 2021, Bệnh viện Nam Thăng Long thực hiện mua sắm nhỏ lẻ vật tư y tế với giá trị 40,25 triệu đồng; tổ chức đầu thầu 3 gói thầu mua sắm mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm (test nhanh) phục vụ phòng, chống Covid-19 với giá trị là 4,861 tỷ đồng: giá trị thực tế đơn vị đã nhận hàng, thanh lý hợp đồng, thanh toán cho nhà cung cấp là 1,622 tỷ đồng.

Bệnh viện GTVT TP.HCM thực hiện mua sắm nhỏ lẻ sinh phẩm xét nghiệm (test nhanh) với giá trị 165,375 triệu đồng; tổ chức đấu thầu 28 gói thầu mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm (test nhanh) phục vụ phòng, chống Covid-19 với giá trị là 14,509 tỷ đồng: giá trị thực tế đơn vị đã nhận hàng, thanh lý hợp đồng, thanh toán cho nhà cung cấp là 12,859 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Thanh tra Bộ GTVT, việc thực hiện quy trình đấu thầu, ký kết hợp đồng, thanh quyết toán các gói thầu mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm phòng, chống Covid-19 tại 2 bệnh viện còn một số tồn tại, chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về đấu thầu.

Cụ thể, cả hai đơn vị đều chậm công khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống Đấu thầu quốc gia (hầu hết đơn vị tổ chức đấu thầu từ tháng 7, 8, 9/2021, đến tháng 12/2021, tháng 12/2021 và tháng 3/2022 mới công khai trên Hệ thống Đấu thầu quốc gia).

Đối với Bệnh viện Nam Thăng Long, Giám đốc Bệnh viện phân công nhiệm vụ thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu cho các phòng, ban chức năng chưa rõ ràng. Gói thầu mua test nhanh định tính kháng nguyên SARS-CoV-2 dù đã tiến hành lựa chọn xong nhà thầu là Công ty TNHH Dịch vụ Thiết bị y tế Nam Hoàng và ký hợp đồng với giá trị trúng thầu là 3,192 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm thanh tra (tháng 3/2022), hợp đồng này vẫn chưa được thực hiện.

Đối với Bệnh viện GTVT TP.HCM, Đoàn Thanh tra ghi nhận việc ngày 7/7/2021, Bệnh viện mua sắm khay thử xét nghiệm định tính kháng nguyên SARS-CoV-2 (Test Trueline Covid-19 Ag Rapid Test, Việt Nam) với giá trị 135 triệu đồng (đơn giá 135.000 đồng/test). Theo Thanh tra Bộ GTVT, việc Bệnh viện GTVT TP.HCM thông qua mua sắm lô khay thử không tổ chức đấu thầu là chưa phù hợp với quy định về đấu thầu.

Khoảng chênh giá bán

Tại Kết luận số 5080, Thanh tra Bộ GTVT ghi nhận độ chênh lệch khá lớn giữa giá nhập khẩu và giá trúng thầu một số loại vật tư, sinh phẩm, kit xét nghiệm Covid-19 tại 2 bệnh viện.

Cụ thể, Bệnh viện Nam Thăng Long và Bệnh viện GTVT TP.HCM mua vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm (test nhanh) với giá cao hơn so với giá nhập khẩu, giá đơn vị sản xuất bán. Tuy nhiên, giá mua này vẫn thấp hơn giá thông báo của Bộ Y tế và một số đơn vị mua cùng thời điểm. Bên cạnh đó, 2 bệnh viện đều không ký trực tiếp với đơn vị nhập khẩu, đơn vị sản xuất test nhanh, mà phải mua qua 1 - 3 nhà cung ứng được ủy quyền.

Thanh tra Bộ GTVT ghi nhận việc Bệnh viện Nam Thăng Long ký 1 gói thầu trực tiếp với đơn vị nhập khẩu; giá nhập khẩu (chưa bao gồm chi phí nhập khẩu, lợi nhuận của đơn vị...) bằng 61% giá bán cho Bệnh viện Nam Thăng Long; 2 gói thầu không ký trực tiếp mua sắm với đơn vị sản xuất mà ký qua 2 nhà cung cấp. Tuy nhiên, nhà cung ứng chưa cung cấp hợp đồng, thanh lý hợp đồng, hóa đơn tài chính mua loại test này của nhà sản xuất trong nước.

Bệnh viện GTVT TP.HCM ký 4 gói thầu trực tiếp với đơn vị nhập khẩu; giá nhập khẩu (chưa bao gồm chi phí nhập khẩu, lợi nhuận của đơn vị...) bằng 69% (1 gói thầu), bằng 54% (2 gói thầu), bằng 86% (1 gói thầu) giá bán cho Bệnh viện GTVT TP.HCM; 1 gói thầu không ký trực tiếp mua sắm với đơn vị nhập khẩu, mà ký qua 3 nhà cung cấp.

Thanh tra Bộ GTVT cho biết, về cơ bản, Bệnh viện GTVT TP.HCM đã cung cấp một số hợp đồng, thanh lý hợp đồng, hóa đơn nhập khẩu (giữa đơn vị nhập khẩu và nhà cung cấp được ủy quyền). Tuy nhiên, một số đơn vị nhập khẩu cung cấp tờ khai hải quan không có số liệu về đơn giá nhập khẩu, nên chưa so sánh được chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán cho Bệnh viện GTVT TP.HCM.

Cũng tại Bệnh viện GTVT TP.HCM, Đoàn Thanh tra ghi nhận việc có tới 14 gói thầu không ký trực tiếp mua sắm với đơn vị nhập khẩu, đơn vị sản xuất, mà phải ký qua 2 nhà cung cấp; giá đơn vị nhập khẩu, đơn vị sản xuất bán cho nhà cung cấp bằng từ 50% đến 89% giá bán cho Bệnh viện GTVT TP.HCM.

Theo Thanh tra Bộ GTVT, khi đấu thầu mua sắm, các bệnh viện đã tham khảo một số đơn giá sinh phẩm xét nghiệm đã được phê duyệt, công bố tại trang thông tin: congkhai-ketquathau.moh.gov.vn và congkhaigiadmec.moh.gov.vn.

Tại thời điểm mua sắm, 2 bệnh viện đã liên lạc với nhà sản xuất, nhưng nhà sản xuất khẳng định là không bán hàng trực tiếp, chỉ bán hàng qua nhà phân phối khiến các cơ sở y tế khó tiếp cận trực tiếp đơn vị sản xuất hoặc nhập khẩu, dẫn đến phải mua qua các nhà cung ứng được ủy quyền. Thanh tra Bộ GTVT cho rằng, đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các bệnh viện phải mua trang thiết bị, vật tư y tế cao hơn so với giá nhập khẩu, giá đơn vị sản xuất bán.

Trong quá trình thanh tra, một số nhà thầu thiếu hồ sơ tài liệu để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm... như: hợp đồng kinh tế, thanh lý hợp đồng, hóa đơn tài, chính, một số tờ khai hải quan không có số liệu về đơn giá nhập khẩu sinh phẩm.

Do đó, theo Đoàn Thanh tra, để tăng cường quản lý nhà nước, phòng ngừa vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra đối với các đơn vị này.

Về cấu hình kỹ thuật, nhãn mác, xuất xứ, chất lượng vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm, tại thời điểm thanh tra (tháng 3/2022), các loại vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm được mua sắm trong năm 2021 đã được sử dụng hết, không còn mẫu lưu tại bệnh viện. Do đó, Đoàn Thanh tra không đủ căn cứ kiểm tra, đánh giá về cấu hình kỹ thuật, nhãn mác, xuất xứ, chất lượng vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm.

Tại Kết luận số 5080, Bộ GTVT yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Nam Thăng Long và Bệnh viện GTVT TP.HCM kiểm điểm trách nhiệm cá nhân liên quan; tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý theo phân cấp đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến các tồn tại nêu trên; tuân thủ nghiêm quy định của Luật Đấu thầu, Thông tư số 58/2016/TT-BTC và các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu trong quá trình thực hiện các gói thầu tiếp theo, tuyệt đối không để xảy ra các tồn tại, sai sót tương tự khi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ GTVT cũng kiến nghị UBND TP. Hà Nội, UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra đối với các đơn vị sản xuất, nhập khẩu sinh phẩm xét nghiệm, trong đó có một số đơn vị tham gia đấu thầu tại 2 bệnh viện ngành GTVT, trong đó có những cái tên như: Công ty cổ phần Meditronic; Công ty TNHH Dịch vụ Tổng hợp Medaz Việt Nam; Công ty cổ phần Á Châu; Công ty TNHH Medicon; Công ty TNHH Humasis Việt Nam; Công ty TNHH Sáu ngôi sao Việt Nam.

Đồng Tháp thông tin về vụ án liên quan Công ty Việt Á
Ngày 20/5, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ra thông cáo báo chí về việc khởi tố vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, xảy ra tại Đồng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư