Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý điều hành xăng dầu
Thế Hải - 09/03/2023 10:40
 
Phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu, quản lý điều hành xăng dầu là những chỉ đạo mới nhất của Chính phủ nêu tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2/2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023. Ảnh: VGP.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2023 trong đó yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với nhiều lĩnh vực, trong đó có quản lý điều hành xăng dầu, phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư để chủ động phân tích, dự báo để nghiên cứu chiến lược và kịp thời điều hành, có các phản ứng chính sách hiệu quả, phù hợp để ứng phó với các vấn đề phát sinh.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với tín dụng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và quản lý điều hành xăng dầu, bảo đảm hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo đối với vấn đề vượt thẩm quyền.

Chủ động có phương án điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt hàng giá thị trường theo đúng quy định, nhất là mặt hàng điện, xăng, dầu và các mặt hàng thiết yếu khác...

Về thị trường trong nước, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu nâng cao nhận thức về các hướng tiếp cận mới với kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, thay đổi dần tư duy sản xuất, khuyến khích áp dụng công nghệ, sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng cao của các nước phát triển.

Đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước; thực hiện hiệu quả, thực chất cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Tổ chức thực hiện có hiệu quả, đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường để điều hành phù hợp, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong mọi tình huống.

Củng cố, phát triển các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; chủ động tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu; có giải pháp giảm chi phí dịch vụ logistics để tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chú trọng đầu tư, hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt Nam về nông thôn; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại.

Xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với những hành vi buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam phát triển.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 3 năm 2023.

Chuyên gia nêu ý kiến về đầu mối quản lý giá xăng dầu
Nên sửa luôn cơ quan quản lý giá xăng dầu, cụ thể hơn là Bộ Tài chính chuyển về cho Bộ Công thương, vì Bộ Công thương sẽ có cách điều chỉnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư