Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Điều hành giá xăng dầu: Sửa Luật Giá sẽ giải quyết căn cơ
An Nguyên - 07/03/2023 08:03
 
Với nhận xét quản lý nhà nước về xăng dầu đang có sự lúng túng, trong đó có điều hành giá, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, khi hoàn thành sửa đổi Luật Giá, khó khăn này sẽ được giải quyết một cách căn bản.
Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm.

Thưa ông, ở phiên giải trình về xăng dầu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ Công thương đã không có câu trả lời về lộ trình khắc phục các hạn chế, bất cập kéo dài trong quản lý thị trường xăng dầu. Bộ trưởng Bộ tài chính thì nói đến bất cập trong điều hành giá và cho rằng, giá xăng dầu chỉ nên để Bộ Công thương chịu trách nhiệm. Là thành viên thường trực của cơ quan thẩm tra Dự án Luật Giá (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2022), quan điểm của ông thế nào?

Tôi thấy giải trình của các bộ trưởng đã dần đi vào mấu chốt, cốt lõi của những bất cập, khó khăn, hạn chế của thị trường xăng dầu. Giải pháp thì nằm trong các khâu quản lý nhà nước từ nhập khẩu tới phân phối, xác định chi phí hợp lý để đảm bảo các doanh nghiệp ở các khâu có lãi. Giá cũng là yếu tố then chốt.

Ở đây, có sự lúng túng, chưa phân định rõ ràng, rạch ròi trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện phối hợp nội dung liên quan đến mặt hàng xăng dầu, mà chủ yếu là giữa hai bộ Tài chính, Công thương.

Khi sửa được Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, thì sẽ giải quyết được một phần và giải quyết căn bản nhất là khi việc sửa Luật Giá được hoàn thành. Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) phân cấp quản lý giá các mặt hàng về các bộ chuyên ngành và bộ quản lý ngành sẽ quản lý về giá để điều chỉnh giá các mặt hàng quản lý hiệu quả nhất. Ví dụ giá đất đai về Bộ Tài nguyên và Môi trường; giá xăng dầu, giá điện về Bộ Công thương...

Bộ quản lý ngành mới thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình để điều chỉnh, thực thi các chính sách liên quan đến giá cả các mặt hàng thuộc trách nhiệm quản lý một cách hiệu quả nhất. Luật Giá (sửa đổi) sẽ giải quyết vấn đề đó. 

Phiên giải trình vừa qua giúp đại biểu Quốc hội có thêm thông tin về một số vấn đề cần quan tâm kỹ hơn khi sửa đổi Luật Giá.

Một trong các kiến nghị được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu nhiều lần là cần xóa bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì đã không đạt được các mục tiêu đề ra. Nguyên tắc trích lập, chi sử dụng Quỹ chưa rõ ràng, dẫn đến tác dụng “ngược” trong một số trường hợp. Việc quản lý Quỹ chưa công khai, minh bạch. Thế nhưng, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ tư vẫn đề nghị giữ lại quỹ này. Ở phiên giải trình nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng cần giữ. Vậy theo ông, nên bỏ hay nên giữ?

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược. Với mục tiêu đặt ra hiện nay là kiểm soát lạm phát, việc kiểm soát giá, bình ổn giá là then chốt. Nếu thả nổi thị trường xăng dầu, thì sẽ tác động cực kỳ mạnh đến yếu tố đầu vào của nền kinh tế, cực kỳ khó kiểm soát giá cả chung của nền kinh tế, đặc biệt là giá các mặt hàng liên quan xăng dầu. Tức là khả năng kiểm soát lạm phát sẽ khó khăn, vì thế chưa thể bỏ công cụ quản lý giá đối với mặt hàng xăng dầu.

Có nhiều công cụ để bình ổn giá xăng dầu. Quỹ Bình ổn xăng dầu chỉ là một công cụ để can thiệp khi thị trường dao động, biến động ở biên độ nhỏ. Khi thị trường biến động lớn hơn thì phải sử dụng các công cụ mạnh hơn như công cụ thuế. Vấn đề ở đây là phải phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách để đạt mục tiêu bình ổn thị trường.

Thời gian qua, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu có tác dụng, nhưng chưa tối ưu và quá trình vận hành chưa theo đúng kỳ vọng đặt ra. Vậy thì phải xem kỹ căn nguyên ở khâu nào, cũng có thể nằm ở khâu thực thi. Công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vẫn đang phát huy hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, vấn đề là hoàn thiện quy định, thực thi nghiêm túc để đạt hiệu quả tốt ưu. Không nên vội vàng bỏ đi, sẽ mất đi công cụ để bình ổn giá, chính là công cụ để kiểm soát lạm phát để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Vào tháng 3/2022, cả hai bộ trưởng Tài chính - Công thương khi trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu ra nhiều giải pháp để ổn định thị trường xăng dầu. Một năm đã trôi qua, nhưng diễn biến của thị trường này vẫn phức tạp, như biến động giá, thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ… Bên cạnh sửa đổi Luật Giá, theo ông, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nên có phản ứng thế nào để đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ các vướng mắc cho mặt hàng chiến lược này?

Thời gian qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã kịp thời nắm bắt những vấn đề nổi lên trong các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Riêng xăng dầu đã có nhiều phiên giải trình, để giám sát, đốc thúc các bộ, ngành, Chính phủ thực thi nghiêm túc chính sách, kịp thời phát hiện bất cập chính sách để điều chỉnh.

Như tôi nói, sửa đổi Luật Giá sẽ giải quyết được căn bản một số bất cập hiện nay. Còn những vấn đề luật đã quy định đầy đủ, song văn bản dưới luật chưa phù hợp, thì Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có ý kiến đôn đốc để Chính phủ, các bộ, ngành sửa cho phù hợp.

Với quản lý nhà nước về xăng dầu, thời gian qua, rõ ràng có sự lúng túng, không phân định rạch ròi chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành. Như thế, Chính phủ cũng cần có trách nhiệm với những vấn đề vượt thẩm quyền bộ, ngành hoặc có sự phối hợp giữa nhiều bộ, ngành, cần có sự chỉ đạo kịp thời hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho mặt hàng chiến lược này.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã "suy kiệt"
Sửa Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu cần định vị lại vị thế của doanh nghiệp bán lẻ, việc để khâu bán lẻ luôn thua lỗ, dẫn đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư