Thứ Hai, Ngày 28 tháng 04 năm 2025,
Tháo gỡ rào cản cho dòng vốn FDI
- 27/03/2013 07:41
 
Hôm nay (ngày 27/3), Hội nghị 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì diễn ra tại Hà Nội.
TIN LIÊN QUAN

Trong thông tin phát đi trước Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và UBND các tỉnh, thành phố... Cùng với đó, yêu cầu đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi nhằm nâng cao hiệu quả dòng vốn FDI cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi tới các đại biểu tham dự.

Trong 25 năm qua, kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành vào tháng 12/1987, hơn 214,4 tỷ USD vốn FDI đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, khoảng 100 tỷ USD đã được giải ngân, bổ sung đáng kể vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, khai thông thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động...

Ảnh minh họa: Internet

Đóng góp của khu vực FDI vào ngân sách ngày càng tăng, từ 1,8 tỷ USD giai đoạn 1994-2000 lên 14,2 tỷ USD giai đoạn 2001-2010. Năm 2012, khu vực FDI đã nộp ngân sách 3,7 tỷ USD (không kể dầu thô), chiếm 11,9% tổng thu ngân sách.

Những đóng góp của khu vực FDI trong phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ đổi mới đã khẳng định rõ, chủ trương mở cửa, thu hút FDI của Đảng và Nhà nước là đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại.

Tuy nhiên, vẫn còn hơn 100 tỷ USD vốn FDI chưa được giải ngân. Số dự án xin giãn tiến độ, chậm triển khai lên tới con số 1.000 (tính tới năm 2012), gây lãng phí nguồn lực đất đai và bức xúc trong xã hội. Mặt bằng công nghệ của các dự án FDI dù cao hơn dự án trong nước cùng loại, song chủ yếu ở mức trung bình của thế giới. Chỉ khoảng 5-6% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ cao, trong khi 14% doanh nghiệp có công nghệ thấp và lạc hậu.

Không ít doanh nghiệp FDI tận dụng sơ hở của pháp luật, yếu kém trong công tác quản lý để nhập khẩu máy móc, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, khai vống giá trị nhập khẩu, giá trị chuyển giao công nghệ, mua bán nguyên vật liệu... để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước. Hiệu ứng chèn lấn doanh nghiệp trong nước tăng lên, trong khi tác động lan toả về công nghệ giữa hai khu vực doanh nghiệp này có chiều hướng đi xuống.

Rõ ràng, yêu cầu tối ưu hoá lợi ích của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho nền kinh tế là hết sức bức thiết trong không chỉ bối cảnh hiện tại, khi mà nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, mà cả trong tương lai, trước những yêu cầu mới của quá trình phát triển.

Nhất là khi Việt Nam đang cần nguồn lực bổ sung từ bên ngoài để từng bước tháo gỡ các nút thắt trong phát triển, dần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng năng suất và hiệu quả. Chỉ tính riêng nhu cầu vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông giai đoạn 2011-2015 đã khoảng 1.100 tỷ đồng (khoảng 55 tỷ USD), song nguồn ngân sách nhà nước (kể cả ODA) và trái phiếu Chính phủ chỉ đáp ứng khoảng 56%. Như vậy, 44% còn lại phải trông đợi vào sự tham gia của các dòng vốn đầu tư tư nhân, trong đó có dòng vốn FDI.

Tuy nhiên, những bất cập trong chính sách kêu gọi đầu tư FDI theo các hình thức công – tư kết hợp như PPP, BOT, sự không nhất quán trong chính sách ưu đãi đầu tư, sự thiếu phối hợp giữa trung ương và địa phương trong thực hiện cơ chế phân cấp... cộng với những khó khăn nội tại của nền kinh tế đã khiến môi trường kinh doanh Việt Nam đang giảm đi tính hấp dẫn.

Trong những công việc cần làm ngay để nâng cao hiệu quả dòng vốn FDI, hài hoà lợi ích quốc gia, lợi ích nhà đầu tư, một chiến lược thu hút và quản lý dòng vốn FDI giai đoạn mới cần được nhanh chóng hoàn thiện với các giải pháp tổng thể để cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, giải quyết rốt ráo các nút thắt về thể chế, hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực... Trong đó, yêu cầu về năng lực và hiệu lực quản lý, sử dụng vốn FDI ở tất cả các cấp phải được cải thiện, đảm bảo tính nghiêm minh trong quy định của pháp luật về thu hút và quản lý FDI.

Thêm một yêu cầu không kém quan trọng, đó là những nhà đầu tư, doanh nghiệp, dự án FDI có đóng góp thiết thực, có ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, cần được tôn vinh kịp thời.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư