Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thất nghiệp ở Việt Nam thấp hơn mặt bằng chung: Mừng vui hay nghi hoặc?
Hàn Tín - 10/10/2020 09:18
 
Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của không ít chuyên gia kinh tế, người lao động, thậm chí có ý kiến còn tỏ ra nghi ngờ về số liệu này.

Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam - theo con số mà Tổng cục Thống kê vừa công bố - được xem là rất thấp, thấp hơn rất nhiều vo với mức bình quân của thế giới đang thu hút sự quan tâm của không ít chuyên gia kinh tế, người lao động, thậm chí có ý kiến còn tỏ ra nghi ngờ về số liệu này.

.
Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam rất thấp.

Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam năm 2019 là 1,98%, thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển thường có tỷ lệ thất nghiệp cao trên 3 lần. Hơn thế, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn hoành hành ở nhiều nơi, số lao động bị thất nghiệp tăng cao khiến chính phủ nhiều nước đau đầu đứng trước sự lựa chọn là mở cửa nền kinh tế, chấp nhận dịch bệnh hay cách ly xã hội để tập trung chống dịch, thì tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam vẫn là 2,29% trong quý III và 2,27% trong 9 tháng của năm 2020, tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm Covid-19 chưa xuất hiện.  

Không ít người còn đặt câu hỏi khi cho rằng, tỷ lệ này dường như chưa tuân theo quy luật kinh tế, bởi Covid-19 khiến gần 115.000 doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp khác đang phải tìm cách tổ chức lại sản xuất để tồn tại. 

Tuy nhiên, trên góc độ nền kinh tế Việt Nam, theo thói quen lao động, chế độ an sinh xã hội và quy tắc tính tỷ lệ thất nghiệp theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đang được các nước áp dụng, thì hoàn toàn có thể hiểu vì sao, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam rất thấp, kể cả trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn do Covid-19 hay do khủng hoàng tài chính toàn cầu cách đây 10 năm.

Theo quy tắc tính tỷ lệ thất nghiệp của ILO, thì tỷ lệ thất nghiệp bằng số người thất nghiệp/lực lượng lao động. Ở các nước phát triển, có chế độ an sinh xã hội tốt, bất cứ lúc nào, người đang lao động bị mất việc đều có thể đăng ký thất nghiệp để được hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền đủ để duy trì cuộc sống tối thiểu của bản thân và gia đình. Chỉ khi tìm được công việc phù hợp với năng lực, chuyên môn, kinh nghiệm, người lao động mới quay trở lại làm việc và mới không được tính vào “đội quân thất nghiệp”.

Trong khi đó, tại Việt Nam, theo quy định hiện hành, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc 5 lần mức lương tối thiểu vùng; thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 12 tháng. Với số tiền trợ cấp thất nghiệp không nhiều, thời gian hưởng quá ngắn, nên rất ít người bị mất việc chịu ngồi chờ, mà chấp nhận làm bất cứ việc gì, kể cả công việc độc hại, nặng nhọc, thu nhập thấp. Như vậy, những người này - theo quy định của ILO là “có việc làm”, nên không được coi là thất nghiệp.

Khác với người dân ở các nước phát triển, thói quen tiết kiệm dường như đã ăn vào máu, nên trong thời gian làm việc, người Việt bao giờ cũng “tích cốc phòng cơ”. Vì vậy, khi bị mất việc, nhờ nguồn tài chính dự trữ nên họ không đi tìm công việc mới, chấp nhận tạm thời nghỉ việc để “xả hơi”. Và theo quy định của ILO, những người này không được tính vào lực lượng lao động, cũng như đội quân thất nghiệp.

Một điểm nữa là nếu như ở các nước phát triển, mọi người bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ về tài chính, thì ở Việt Nam, do truyền thống văn hóa Á Đông, các thành viên trong gia đình liên hệ mật thiết với nhau. Do vậy, rất nhiều phụ nữ đang đi làm, nhưng khi có gia đình, sinh con lại sẵn sàng ở nhà nội trợ; nhiều người còn độ tuổi lao động, đang đi làm, nhưng khi con cái trưởng thành thì lại tự nguyện nghỉ việc ở nhà… sống vào tài trợ về tài chính của con cái. Con số này ở Việt Nam ước khoảng 1,3 triệu người, cũng không được ILO tính vào “đội quân thất nghiệp” và lực lượng lao động. Thêm nữa, Việt Nam hiện có khoảng 20,7 triệu người làm việc ở khu vực phi chính thức, nên khi bị mất việc, họ buộc phải tìm kiếm bất cứ việc gì để kiếm tiền và những người này hầu như… không bao giờ thất nghiệp.

Từ những lý do trên có thể khẳng định, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam rất thấp, kể cả trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn, cũng là điều dễ hiểu.

Song, tỷ lệ thất nghiệp thấp không hẳn đã mừng, vì đó chỉ là một trong những thước đo thị trường lao động, chất lượng lao động, năng suất lao động của nền kinh tế. Bên cạnh tỷ lệ thất nghiệp, ILO còn sử dụng nhiều tiêu chí khác để đánh giá thị trường lao động và chất lượng lao động, như tỷ lệ tham gia lực lượng lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo; thu nhập của người lao động; lực lượng lao động chưa được khai thác hết tiềm năng…

Tất cả tiêu chí này của Việt Nam đều ở thứ hạng thấp, trong khi đây lại là những tiêu chí quan trọng, phản ánh đúng bản chất của thị trường lao động. Chính vì vậy, chưa thể mừng khi tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam được xem là thấp so với nhiều nước khác.

Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 10 năm qua
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý II/2020 ước tính là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư