Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 09 năm 2024,
Thay đổi cách đăng ký kinh doanh để có thông tin thực
Khánh An - 20/05/2014 08:22
 
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ là giấy khai sinh doanh nghiệp, chứ không phải là cấp phép kinh doanh.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Ông Đoàn Quốc Việt: Đại gia cũng ngại bị thâu tóm
Ghi ngành nghề kinh doanh đã lỗi thời?
Luật Doanh nghiệp: Rõ điều kiện để khỏi xin - cho
Ba bất cập trong Luật Doanh nghiệp hiện hành

Thưa ông, đề xuất được cho là bước tiến lớn, thông thoáng trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là không ghi ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lại gặp nhiều ý kiến khác nhau. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

  Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  
  Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam)  

VCCI ủng hộ định hướng đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), bởi cho dù Luật Doanh nghiệp 1999, Luật Doanh nghiệp 2005 đã có những bước tiến dành trong thủ tục đăng ký kinh doanh, nhưng so với tiêu chí của ASEAN 6 thì vẫn còn khoảng cách.

Để tạo thêm sự thông thoáng, thu hút thêm nguồn vốn đầu tư, cần tiếp tục đơn giản hóa, nhưng cần nhấn mạnh yêu cầu quy định hậu kiểm đối với doanh nghiệp, ít nhất trong những lĩnh vực chung thuộc phạm vi của Luật này. Ví dụ, hậu kiểm để đảm bảo rằng, doanh nghiệp đã đăng ký là có tồn tại, có hoạt động, không phải doanh nghiệp ma… để giải quyết được lo ngại rằng, do thủ tục thành lập doanh nghiệp đơn giản, nên dẫn tới việc doanh nghiệp dễ dàng thành lập để lừa đảo, mua bán hóa đơn…

Việc thực hiện hậu kiểm cần phải nêu rõ yêu cầu về sự phối hợp chặt chẽ và thông tin hai chiều giữa cơ quan đăng ký kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền, nhất là cơ quan thuế để tránh tình trạng gây khó khăn cho doanh nghiệp (từ việc phải chịu hậu kiểm chồng chéo bởi nhiều cơ quan khác nhau cho những vấn đề tương tự nhau).

Với nguyên tắc này, tôi ủng hộ bỏ việc ghi mã ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Song có lo ngại rằng, nếu không ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh, thì cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý đều không biết doanh nghiệp kinh doanh gì để có quyết định phù hợp?

Việc ghi mã ngành, nghề kinh doanh khi đăng ký doanh nghiệp trên thực tế không đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước. Lý do là, doanh nghiệp có thể đăng ký 3 trang A4 ngành, nghề, nhưng không thực sự kinh doanh những ngành, nghề đó.

Tôi còn nhớ, cách đây hơn 1 năm, khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thống kê số doanh nghệp kinh doanh vàng, dựa trên ngành nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thì hơn 10.000 doanh nghiệp có đăng ký ngành, nghề này. Song trên thực tế, chỉ có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động thực sự. Trong khi đó, các cơ quan đăng ký kinh doanh phải dành tới 60% công việc để làm các thủ tục liên quan đến đăng ký thay đổi ngành, nghề kinh doanh…

Với Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), doanh nghiệp có nghĩa vụ phải báo cáo tình hình hoạt động cụ thể sau 1 năm với cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh. Thông tin này được công bố công khai trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia hiện đã đi vào hoạt động. Có  thông tin này, cơ quan quản lý nắm chắc được số lượng DN trong các ngành, nghề cụ thể, nhà đầu tư biết được doanh nghiệp đó thực sự đang hoạt động những lĩnh vực nào…

Còn với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì sao, thưa ông?

Theo quan điểm của chúng tôi, cùng với việc không ghi ngành, nghề kinh doanh, thì cần có tuyên bố in sẵn doanh nghiệp có quyền kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề (trừ các ngành, nghề mà pháp luật cấm và 2 phụ lục về ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đi kèm). Đặc biệt, phải làm rõ là, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh này không có ý nghĩa thay thế các điều kiện và/hoặc giấy phép kinh doanh cụ thể trong các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Các danh mục này thể hiện tập trung nguyên tắc cơ bản trong Nhà nước pháp quyền: công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm; và nếu Nhà nước không thể liệt kê, cập nhật được tất cả những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện/cấm kinh doanh, thì doanh nghiệp không buộc phải tuân thủ các điều kiện không được liệt kê đó.

Tuy nhiên, thách thức lớn đối với Ban soạn thảo là, tập hợp đầy đủ các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh của ngành nghề đó, vì hiện tại, các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định rải rác ở nhiều văn bản pháp lý với các điều kiện rất khác nhau.

Cũng cần có cơ chế để cập nhật thường xuyên, vì hiện tại, pháp luật liên quan đến đầu tư - kinh doanh thay đổi khá nhiều.

* Chuyên mục Góp ý Luật Doanh nghiệp sửa đổi tại Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn được thực hiện từ nay đến tháng 10/2014.

* Tòa soạn mong nhận được góp ý, đề xuất, kiến nghị của quý độc giả, các chuyên gia kinh tế, luật sư, doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp về các nội dung của Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Nội dung góp ý sẽ được tổng hợp, chuyển tới Ban Soạn thảo.

* Nội dung góp ý vui lòng gửi về địa chỉ: [email protected].

* Ban Biên tập Báo Đầu tư điện tử trân trọng mọi đóng góp, chia sẻ của quý độc giả.

Kiên trì nguyên tắc “tiền đăng - hậu kiểm” Kiên trì nguyên tắc “tiền đăng - hậu kiểm”

(Baodautu.vn) Mục tiêu cao nhất của việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này là đưa doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư. Qua đó, tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.  Cuộc đối đầu giữa "Luật không cấm" và "Luật cho phép" Khoảng trống về quy định mua bán, sáp nhập DN  Cổ đông thiểu số là ai, được ai bảo vệ?

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư