Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 12 năm 2024,
Thẻ căn cước sẽ lưu trữ mống mắt của công dân
Nguyễn Lê - 27/11/2023 08:52
 
Luật Căn cước đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người.
.
Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước.

Sáng 27/11 với 431 đại biểu tán thành, 21 không tán thành và 16 không biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước, gồm 6 chương, 46 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trước khi Quốc hội bấm nút, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước là phù hợp với mục đích quản lý và phục vụ Nhân dân. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước.

Về thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, ông Tới báo cáo, khoa học hiện nay đã chứng minh, cùng với vân tay, mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất đối với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian.

Vì vậy, bên cạnh việc thu thập vân tay, dự thảo Luật đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người.

UBTVQH cũng hồi âm ý kiến đề nghị bổ sung thông tin “dân tộc” trên thẻ căn cước, cho rằng, thông tin “dân tộc” trong một số trường hợp sẽ có tính nhạy cảm, tuy tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện các quyền và lợi ích liên quan có ưu tiên đối với đồng bào dân tộc, nhưng có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử.

Phiên họp sáng 27/11 của Quốc hội. 

Theo quy định tại dự thảo, thì thông tin “dân tộc”, thông tin về chứng minh nhân dân của công dân đã được ghi nhận trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước. Trong trường hợp cần khai thác thông tin về dân tộc hoặc chứng minh nhân dân của cá nhân thì đều có thể tiếp cận một cách thuận tiện hoặc có thể khai thác thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thời gian gần đây, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả, không còn tình trạng yêu cầu người dân phải mang kèm giấy xác nhận thông tin chứng minh nhân dân đã cấp trước đây khi thực hiện các giao dịch.

Có ý kiến đề nghị bỏ trường thông tin “Nơi đăng ký khai sinh” vì thông tin này có thể thay đổi.

UBTVQH  giải thích, việc quy định nơi đăng ký khai sinh được in trên thẻ căn cước sẽ tạo thuận lợi cho công dân trong các thủ tục hành chính hoặc giao dịch cần chứng minh nơi đăng ký khai sinh. Thông tin này cũng ổn định và hầu như không thay đổi trong suốt cuộc đời của công dân (trừ trường hợp công dân đăng ký khai sinh lại tại địa phương khác, khi đó công dân có thể thực hiện cấp đổi thẻ căn cước để cập nhật lại thông tin này).

Về ý kiến đề nghị nghiên cứu cấp giấy chứng nhận căn cước cho tất cả những người không quốc tịch đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, UBTVQH giải thích, thực tế cho thấy, ở Việt Nam có nhiều người có quốc tịch nước ngoài nhưng cố tình giấu hoặc vứt bỏ các giấy tờ chứng minh quốc tịch của mình nhằm mục đích ở lại Việt Nam bất hợp pháp. Nếu mở rộng đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước có thể sẽ có nhiều đối tượng là người không quốc tịch di cư đến Việt Nam để sinh sống, tác động phức tạp đến tình hình an ninh, trật tự ở nước ta.

Điều 22 của dự thảo Luật quy định thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm: Thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Bộ Công an đã cấp hơn 83 triệu thẻ căn cước cho công dân đủ điều kiện, chỉ còn một số ít công dân sử dụng chứng minh nhân dân và sẽ không thể cấp căn cước điện tử, không thể khai thác các tiện ích của thẻ căn cước gắn chip và căn cước điện tử trong các giao dịch trực tuyến cũng như sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu.

Do vậy, việc tiếp tục sử dụng chứng minh nhân dân không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên để tạo điều kiện cho người dân thực hiện một số giao dịch liên quan đến chứng minh nhân dân trong giai đoạn chuyển tiếp, dự thảo Luật quy định Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Quy định này cũng là cơ sở pháp lý để bảo đảm người dân chuyển sang sử dụng thẻ căn cước, tiến tới sử dụng căn cước điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Dự thảo Luật cũng quy định “Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024”.

2. Thông tin được in trên thẻ căn cước bao gồm:

a) Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”;

c) Dòng chữ “CĂN CƯỚC”;

d) Ảnh khuôn mặt;

đ) Số định danh cá nhân;

e) Họ, chữ đệm và tên khai sinh;

g) Ngày, tháng, năm sinh;

h) Giới tính;

i) Nơi đăng ký khai sinh;

k) Quốc tịch;

l) Nơi cư trú;

m) Ngày, tháng, năm cấp thẻ; ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng;

n) Nơi cấp: Bộ Công an.

(Điều 18 Luật Căn cước).

Số căn cước công dân sẽ trở thành mã số thuế
Tổng cục Thuế dự kiến thay toàn bộ mã số thuế (MST) hiện nay bằng số căn cước công dân.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư