Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Điều chỉnh tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước là hoàn toàn phù hợp
Nguyễn Lê - 15/11/2023 10:01
 
Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh khẳng định việc điều chỉnh tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước đạt các mục đích quản lý và phục vụ nhân dân.
.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới báo cáo tại phiên họp.

Trong phiên họp giữa hai đợt họp của Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, sáng 15/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước.

Báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới phản ánh, qua thảo luận tại Quốc hội ở đợt 1 Kỳ họp này, có ý kiến cho rằng, trong thời gian vừa qua đã có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung và tên gọi của thẻ căn cước, vì vậy, đề nghị cân nhắc về tên gọi của Luật; đề nghị không đổi tên Luật và tên thẻ từ căn cước công dân thành thẻ căn cước.

Ồng Tới giải thích, việc thay đổi hình thức, nội dung, tên gọi của thẻ căn cước là phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số, với nội dung được bổ sung bao quát, toàn diện, đầy đủ thông tin trong thẻ căn cước và hình thức, phương thức quản lý số tính khoa học, đại chúng, giúp cho Nhà nước quản lý chặt chẽ các đối tượng, đồng thời hỗ trợ người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia các hoạt động, giao dịch hành chính, dân sự, hoạt động xã hội tiện lợi, phù hợp với môi trường số, xã hội số.

Luật Căn cước công dân hiện hành chỉ quy định về cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên; dự thảo Luật Chính phủ trình bổ sung đối tượng áp dụng là công dân dưới 14 tuổi và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (người gốc Việt Nam). Đối với người gốc Việt Nam thì không cấp thẻ căn cước mà chỉ cấp giấy chứng nhận căn cước.

Do đó, việc đổi tên Luật và tên thẻ như Chính phủ trình là cần thiết, phù hợp với phạm vi và để bao hàm hết đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật, ông Tới báo cáo.

Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng việc bổ sung điều chỉnh và cấp giấy chứng nhận căn cước cho đối tượng là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho cho người gốc Việt Nam được hưởng các quyền cơ bản của con người. Thực tế hiện nay, do không có giấy tờ tùy thân, họ rất khó khăn trong việc đi lại, giao dịch, lao động, sở hữu tài sản… nên cần cấp giấy chứng nhận căn cước cho họ.

Cơ quan thẩm tra cũng nêu thực tế các thế lực thù địch lợi dụng việc những đối tượng này khó khăn trong đi lại, giao dịch, lao động do không có giấy tờ tùy thân nên đã xuyên tạc chính sách của Nhà nước chưa bảo đảm nhân quyền.

Trên thực tế, trong số những đối tượng này đã có một số người lợi dụng hoạt động để chống phá Đảng, Nhà nước ta, khi xử lý, truy nguyên, lực lượng chức năng rất khó khăn do những đối tượng này không có giấy tờ tùy thân, ông Tới nêu.

Từ những lý do, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh khẳng định việc điều chỉnh tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước là hoàn toàn phù hợp cả về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật; đạt các mục đích quản lý và phục vụ nhân dân.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước như Chính phủ trình.

Điều hành phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ  nói, liên quan việc đổi tên, báo cáo tiếp thu giải trình nên khẳng định hầu hết ý kiến đồng ý, chỉ có một số ý kiến cá biệt khác ở kỳ trước. Ông Huệ cũng thông tin thêm trong cuộc họp sáng qua, Bộ Chính trị đã đồng thuận, thống nhất rất cao việc đổi tên dự án Luật Căn cước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết có một số đại biểu Quốc hội gửi thư bày tỏ băn khoăn về việc đổi tên luật, tên thẻ, song ông cho rằng việc tiếp thu, giải trình về nội dung này đã phù hợp. Ông Định đề nghị tăng cường thông tin, tuyên truyền tốt để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho hay, qua thảo luận tại hội trường, hầu hết các đại biểu đều thống nhất với việc đổi tên Luật Căn cước, tuy nhiên sau đó có một số người gửi văn bản đề cập đến việc thay đổi nhiều, do đó, phải có giải trình thêm vấn đề này.

Ông Phương đề nghị cần làm rõ việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong căn cước và đổi tên thành căn cước sẽ tạo điều kiện cho các công tác quản lý Nhà nước, thuận tiện cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch hành chính, dân sự...

Vẫn trái chiều quan điểm về tên gọi Luật Căn cước công dân
Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện nay sơ bộ có khoảng hơn 31.000 người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư