Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Thể chế - điểm tựa của khát vọng phát triển đất nước
Nguyễn Lê - 30/04/2021 13:24
 
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định đột phá chiến lược đầu tiên trong 3 đột phá chiến lược của nhiệm kỳ mới là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển.

Đây được coi là điểm tựa của khát vọng phát triển đất nước - một điểm nhấn trong các văn kiện của Đại hội.

Nghị trường là nơi ghi dấu sâu đậm về quá trình hoàn thiện thể chế

Nặng lòng vì thể chế

Với hàng chục dự luật được cho ý kiến, thông qua trong mỗi kỳ họp (cả nhiệm kỳ XIV, Quốc hội thông qua 73 luật và hơn 130 nghị quyết), nghị trường là nơi ghi dấu sâu đậm về quá trình hoàn thiện thể chế của đất nước.

Ở các kỳ họp của Quốc hội đương nhiệm, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội mỗi khi phát biểu, cho dù thảo luận về kinh tế - xã hội hay về giám sát, hoặc về bất cứ nội dung nào, bà Khánh đều tìm cách đề cập đến vấn đề khiến bà luôn canh cánh: cần sớm ban hành Luật Hành chính công, Luật Dịch vụ công.

Lý do khiến nữ đại biểu kiên trì đến thế, không hẳn vì dự luật trên là sáng kiến lập pháp của chính bà, mà bởi từ kinh nghiệm của 3 khóa Quốc hội, bà khẳng định có ban hành được Luật Dịch vụ công mới đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo nghị quyết của Đảng.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, bà Trần Thị Quốc Khánh là đại biểu hiếm hoi có sáng kiến lập pháp và cũng từng làm Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật Hành chính công. Việc này  được xem như một dấu ấn rất mới trong công tác lập pháp của Việt Nam, trong bối cảnh hầu hết các dự luật do Chính phủ trình và Bộ trưởng làm Trưởng ban soạn thảo.

Vì thế, dù chưa thể trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật chính thức trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, song như nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng khẳng định: “Tất cả đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV đều nhận biết được sự kiên trì của đại biểu trong sáng kiến đề xuất xây dựng pháp luật”.

Như nhiều đại biểu đương nhiệm khác, bà Khánh không tiếp tục ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhưng trách nhiệm tiếp tục hoàn thiện thể chế như yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thì không có nhiệm kỳ. Bởi vậy, dường như trăn trở lớn nhất của nhiều đại biểu, kể cả tái cử hay không tái cử, trong giai đoạn chuyển giao này, đều liên quan đến trách nhiệm nặng nề của Quốc hội là xây dựng pháp luật.

Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, phải coi chính sách pháp luật chính là một nguồn lực phát triển, sự yếu kém về chất lượng của luật chính là cản trở phát triển. Có nhiều việc tưởng như làm được ngay và có thể làm được rất tốt, nhưng lại không làm được, nguyên nhân bởi chính sách pháp luật.

Vì thế, ông Hiểu đề nghị phải đầu tư hơn nữa về con người, nguồn lực cho việc xây dựng chính sách pháp luật. Hiện nay, có nhiều bộ, ngành chưa thực sự chọn những người có nhiều kinh nghiệm, người giỏi để làm luật, ông Hiểu nêu thực tế. Đây cũng từng là vấn đề được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi còn làm Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt nhấn mạnh. Và người kế nhiệm ông, Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngay phiên họp đầu tiên của Chính phủ sau kiện toàn đã đưa ra yêu cầu tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật. Nghị quyết phiên họp được ban hành sau đó có tới 3 lần nhắc đến yêu cầu “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Nhưng để ngày càng có nhiều hơn cán bộ, công chức “ba dám” như thế thì cơ chế để bảo vệ họ phải được quan tâm đặc biệt.

Phát biểu nhậm chức ngay sau khi tuyên thệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra thông điệp kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng thể chế, cơ chế, giải pháp mạnh mẽ, chặt chẽ, hiệu quả. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thông điệp này từ người đứng đầu Chính phủ, trước Quốc hội và cử tri, khi được hiện thực hóa chắc chắn sẽ là một trong những điểm tựa vững chắc để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn tới. 

Đừng chỉ nói để an ủi lẫn nhau

Hy vọng và kỳ vọng, nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cả thế giới, Việt Nam không là ngoại lệ, thì góc nhìn hoàn thiện hệ thống pháp luật, theo nhiều đại biểu dân cử, cũng cần được thay đổi.

Liên tục 4 nhiệm kỳ làm người đại diện cho nhân dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nhà sử học Dương Trung Quốc không chỉ nổi danh với những phát biểu thẳng thắn tại nghị trường, mà còn là một trong số ít các vị đại biểu rất cởi mở với báo chí.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ở thời điểm Quốc hội vừa kiện toàn nhân sự cao cấp nhất trong bộ máy nhà nước, cũng là lúc những đánh giá tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ được “mổ xẻ” trên bàn nghị sự, ông Quốc cho rằng, Quốc hội cần đặc biệt quan tâm đến ứng dụng công nghệ trong xây dựng pháp luật, chẳng hạn tích hợp big data những vấn đề liên quan đến luật pháp của thế giới. Y học đã làm được việc đó, người ta chẩn bệnh trên cơ sở nguồn dữ liệu lớn được xây dựng, xây dựng luật cũng thế thôi, cái gì hợp lý, không hợp lý đều có thể tham khảo trên nguồn dữ liệu đó, ông Quốc nhấn mạnh.

Vị đại biểu đã hơn một lần đề nghị cần tính đến chỉ số niềm tin của nhân dân, bên cạnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội bấm nút thông qua hàng năm, cũng đồng tình thể chế chính là điểm tựa để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong thời điểm này.

“Cần quan tâm đến nguyên lý mà ngay từ rất sớm Bác Hồ đã đặt ra, là mưu cầu hạnh phúc. Nghe thì đơn giản, nhưng ai cũng muốn cuộc sống của mình, gia đình mình, đất nước quê hương mình và cả nhân loại phải tốt hơn, không có chiến tranh, cuộc sống hòa bình và đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao. Tôi nghĩ đó là cái chung, dù chế độ chính trị nào cũng phải hướng tới, đó là điểm tựa ở thời điểm này”, ông Quốc bày tỏ.

Vị đại biểu 75 tuổi cũng tâm tư rằng, có một vấn đề xưa nay nhiều người vẫn tránh nói đến, đó là vấn đề lợi ích. Đời sống chính là sự hài hòa của lợi ích, mà bài toán lợi ích hoàn toàn tính được bằng con số, chẳng hạn phê duyệt dự án đó thì bao nhiêu việc làm được tạo ra, những người bị thu hồi đất được hưởng cái gì... để có những quyết định cho đúng đắn. Nhà sử học - đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, trước những vấn đề quan trọng thì hoàn toàn có thể dựa vào công nghệ để mở một cuộc trưng cầu dân ý, dựa trên cơ sơ kết quả đó để Nhà nước làm chính sách, dựa vào ý dân để xây dựng kế hoạch phát triển của mình.

Cũng liên quan đến tiếng nói của người dân trong hoàn thiện thể chế, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đề nghị, trong nhiệm kỳ tới, đại biểu Quốc hội cần cải tiến việc tiếp xúc cử tri, bao gồm cả sử dụng fanpage, facebook, Youtube...

“Tôi biết trên thế giới rất nhiều  nghị sĩ ở nhiều nước đã sử dụng những mạng đó, điển hình là ông Donal Trump khi làm Tổng thống Mỹ toàn tiếp xúc qua Twitter. Tôi nghĩ nếu chúng ta nếu mở rộng kênh tiếp xúc với cử tri sẽ nghe được nhiều tiếng nói và chúng ta sẽ thấy những bộ luật đề ra của Quốc hội có thực sự đi vào cuộc sống hay không”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Bên cạnh xây dựng luật pháp, điều cực kỳ quan trọng, theo nhiều đại biểu, trong đó có đại biểu Dương Trung Quốc là Quốc hội phải giám sát được xem việc thực thi pháp luật như thế nào.

“Nhiệm kỳ nào cũng nói công tác lập pháp và giám sát đều tốt cả, cho đến lúc phát hiện ra hàng loạt đại án thì đại biểu nhiệm kỳ đó nghĩ sao? Tại sao không phát hiện ra bất cập cả trong luật pháp, trong thực thi để vừa bảo vệ được tài sản của Nhà nước, vừa bảo vệ được cán bộ. Vì thế, tôi nghĩ việc quan trọng của Quốc hội là luôn luôn phải nhìn nhận thật thẳng thắn xem luật đi vào đời sống thế nào, chứ không nên chỉ nói chung chung để mà an ủi, động viên nhau một cách thuần túy”, ông Quốc trao đổi.

Trở lại việc chuyển giao trọng trách sớm trong bộ máy nhà nước, ông Quốc nhắc đến một câu nhiều người vẫn nói như một thành ngữ là “tân quan tân chính sách”. “Thông điệp nhậm chức của các vị “tân quan” đưa ra khá nhiều định hướng để củng cố lòng tin của nhân dân, nhưng riêng tôi vẫn muốn đi tìm những ẩn số, những ẩn số tạo ra sự đột phá vô cùng cần thiết trong giai đoạn này”, ông Quốc bày tỏ.

Cần chương trình xây dựng luật cho cả nhiệm kỳ

Liên quan đến tầm nhìn trong xây dựng thể chế, theo đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) việc xây dựng chương trình, kế hoạch lập pháp hàng năm như hiện nay không có tính chiến lược. Ông Vân đề nghị trở lại mô hình như trước đây là có chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho cả nhiệm kỳ dựa trên cơ sở đường lối chiến lược của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và định hình những lĩnh vực ưu tiên, có lộ trình rõ ràng để tập trung xây dựng pháp luật mở đường cho các quan hệ xã hội, giải phóng năng lực xã hội.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, việc hoàn thiện thể chế mới có tầm nhìn chiến lược, tránh việc xây dựng chương trình hàng năm, sinh ra hệ lụy là tha thiết đề nghị đưa dự án luật nào đó vào, sau chuẩn bị không kịp lại xin rút ra, khiến cho kỷ luật lập pháp không bảo đảm.

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển
Một trong ba đột phá chiến lược nêu tại Dự thảo là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư