Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Thêm 2 đoạn cao tốc thông xe, trục Bắc - Nam có 800 km đường cao tốc
Anh Quân - Lê Toàn - 29/04/2023 13:33
 
Ngày 29/4, hai đoạn cao Mai Sơn-Quốc lộ 45 và Phan Thiết-Dầu Giây chính thức khánh thành đưa vào khai thác. Sau khi có thêm 2 đoạn cao tốc này trục Bắc-Nam đã hoàn thành 800 km đường cao tốc.

Thêm 160 km cao tốc đưa vào khai thác

 Sáng 29/4, tại tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã phát lệnh thông xe đoạn cao Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết -Dầu Giây với tổng chiều dài hơn 160 km thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ thông xe Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ thông xe dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 có chiều dài 63,37 km đi qua các tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thanh Hóa. Dự án có tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng. Dự án giúp rút ngắn hành trình di chuyển từ Hà Nội với các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa các khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, cũng như từ Bắc vào Nam

Còn Dự án Phan Thiết-Dầu Giây có chiều 99 km đi qua các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai. Dự án có tổng mức đầu tư 12.577,5 tỷ đồng. 

Sau khi đưa vào khai thác, dự án giúp rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung Bộ; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1A.

Đồng thời, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía nam với khu vực miền Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung bộ, cũng như từ Bắc vào Nam.

Ngoài ra, dự án góp phần tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, các khu du lịch sinh thái dọc biển của Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng thông xe tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng thông xe tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Nói về khó khăn trong quá trình thi công Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vinaconex cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện dự án đại dịch Covid-19 bùng phát dẫn tới việc các dự án phải dừng 3 tháng.

Hơn nữa, dự án thi công trong điều kiện thời tiết bất lợi do mưa nhiều bất thường so với nhiều năm, biến động đột biến của giá nhiên vật liệu (xăng, dầu, cát, đá…), vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là việc thiếu hụt nguồn đất đắp nền đường do vướng mắc các thủ tục hành chính trong việc cấp phép mỏ khiến thời giai cấp phép kéo dài. Thậm trí có mỏ đất đến tận tháng 5/2022 mới được cấp phép đã ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch và tiến độ triển khai thực hiện các dự án.

Tuy nhiên, Vinaconex cùng các nhà thầu đã xây dựng kế hoạch thi công chi tiết từng tuần, tháng, quý, dồn mọi nguồn lực tận dụng tối đa điều kiện thời tiết trong những lúc thuận lợi để thi công bù đắp tiến độ.

Nhà thầu cũng áp dụng các công nghệ và giải pháp thi công tiên tiến nhất, huy động hàng nghìn chủng loại máy móc, thiết bị hiện đại nhất cùng hàng chục ngàn cán bộ kỹ sư, công nhân kỹ thuật trình độ cao để đảm bảo yêu cầu thi công đúng tiến độ.

Đã hoàn thành 800 km đường cao tốc trên trục Bắc - Nam

Phát biểu tại lễ thông xe, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc thông xe các tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, thuận lợi, an toàn giữa Bình Thuận - TPHCM, kết nối giữa TP.HCM với khu vực miền Trung. Việc đưa dự án vào khai thác thời điểm này càng ý nghĩa hơn khi nhu cầu đi lại , du lịch của người dân tăng cao trong dịp nghỉ lễ.

Sau lễ thông xe, dòng xe đầu tiên đi trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Sau lễ thông xe, dòng xe đầu tiên đi trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước. Nhiều công trình giao thông như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không đã và đang được đầu tư để khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ.

Khi các dự án hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh sẽ giúp kéo giảm chi phí logistics. Thủ tướng cho rằng, chi phí logistics ở nước ta hiện chiếm 17% giá  thành hành hóa xuất nhập khẩu, trong khi đó các nước trong khu vực chỉ từ 12-13% nên khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu chưa cao.

Chính vì vậy, hành lang vận tải Bắc - Nam luôn đóng vai trò quan trọng, là trục xương sống, hành lang vận tải huyết mạch của đất nước. Với 2 dự án cao tốc  Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây vừa được khánh thành sẽ nâng tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc - Nam đạt khoảng 800 km.

Khi các đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Cam Lâm - Nha Trang hoàn thành khai thác trong tháng 5 tới, chiều dài đường cao tốc trục Bắc - Nam sẽ đạt khoảng 950 km.

Thủ tướng cho biết, mục tiêu tới năm 2025, cả nước có khoảng 3.000 km cao tốc và tới năm 2030, có khoảng 5.000 km cao tốc. Từ nay tới năm 2025 phải hoàn thành gần 1.500 km cao tốc nữa. Thủ tướng cho rằng đây là thách thức rất lớn với khối lượng công việc rất nặng nề nên phải quyết tâm, nỗ lực, trong thời gian tới.

Từ cách triển khai các dự án cao tốc vừa qua, Thủ tướng nêu ra một số bài học kinh nghiệm là phải có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, làm có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, lấy hiệu quả làm thước đo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, phải bám sát thực tiễn, tuyệt đối không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; phải phối hợp hiệu quả, chặt chẽ. Tăng cường phân cấp, phân quyền cùng với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi để các địa phương chủ động giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền, nhất là giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu.

Điểm đầu của tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại Đồng Nai
Điểm đầu của tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại Đồng Nai.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu không chia nhỏ gói thầu vì khi chia nhỏ có nhiều nhà thầu gây khó khăn cho việc quản lý. Thủ tướng đề nghị những nhà thầu làm tốt thì phải thưởng và giao thêm dự án, thậm chí là giao nhiều, nhà thầu nào làm chậm thì phải phạt và xem xét lại năng lực.

Thủ tướng lưu ý, các tỉnh, thành phố có dự án đi qua phải quan tâm đến công tác bố trí tái định cư, đảm bảo nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, đặc biệt lưu ý đến là sinh kế của nhân dân nơi có dự án đi qua.

"Sắp tới, còn nhiều khó khăn từ yếu tố bên trong và bên ngoài. Kinh nghiệm triển khai các dự án vừa qua cho thấy vướng mắc ở đâu thì giải quyết ở đó với tinh thần dứt khoát, không né tránh đùn đẩy, trách nhiệm, đã cam kết thì phải thực hiện đã làm thì phải đo đếm được bằng sản phẩm cụ thể ", Thủ tướng nhắc nhở về việc triển khai các dự án sắp tới.

Tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ phục vụ nhân dân kể từ 0h ngày 30/4/2023
Trong thời gian từ 30/4/2023 đến 31/12/2023, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây sẽ khai thác với tốc độ tối đa 120 km/h và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư