Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Thêm 3,7 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19
Mạnh Bôn - 06/07/2021 13:45
 
“Quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…”.
Tổng cục Thống kê họp báo công bố tình hình lao động, việc làm quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021
Tổng cục Thống kê họp báo công bố tình hình lao động, việc làm quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021

Thông tin được ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa cho biết.

Khoảng 12,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19

Theo số liệu vừa được TCTK công bố tại buổi họp báo công bố tình hình lao động, việc làm quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021 thì làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã làm nghiêm trọng hơn những tác động tiêu cực đến người lao động. Cụ thể, trong quý 2 vừa qua, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

“Như vậy, so với quý 1 năm 2021, dịch Covid-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 557.000 người bị mất việc; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập”, ông Phạm Hoài Nam thông tin thêm.

Cũng theo số liệu của TCTK, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 2 vừa qua là 51,1 triệu người, tăng 44.700 người so với quý trước và tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ tăng trưởng GDP quý 2 không đạt mục tiêu (chỉ tăng 6,61%), cơn sóng thần Covid-19 đã… đánh trực diện vào các khu công nghiệp, trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nhưng lực lượng lao động vẫn tiếp tục gia tăng so với cả quý quý 1 năm 2021 lẫn cùng kỳ năm 2020. Còn tính chung, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 6 tháng đầu năm 2021 đạt 51 triệu người, tăng 737.000 người so với cùng kỳ năm trước.  

Theo giải thích của ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng TCTK  là do trong quý 2 năm 2020 mất một khoảng thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội (theo Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19) nên lực lượng lao động quý 2 năm 2020 thấp ở mức kỷ lục.

Thứ hai là khác với cách chống dịch trước đây, năm nay không thực hiện cách ly toàn xã hội mà chỉ cách ly xã hội tại khu vực xảy ra dịch bệnh, giãn cách xã hội (theo Chỉ thị 15/CT-TTg hoặc Chỉ thị 19/CT-TTg) tại những khu vực, địa điểm có nguy cơ lây nhiễm Virus Corona, các khu vực khác, địa phương khác trên cả nước vẫn hoạt động, sản xuất, sinh hoạt bình thường. “Vì vậy, lực lượng lao động quý 2 năm nay vẫn tăng so với cùng kỳ và so với quý trước”, ông Tiến giải thích.

“Tuy vậy, so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch bùng phát, lực lượng lao động vẫn thấp hơn 304.000 người. Nếu so với xu hướng tăng lực lượng lao động hàng năm trước khi chưa có dịch thì lực lượng lao động thực tế quý 2 năm nay đang thấp hơn trạng thái bình thường là 1,7 triệu người. Nói cách khác, đại dịch Covid-19 đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của hơn 1,7 triệu dân số từ 15 tuổi trở lên”, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và lao động nói thêm.

Lao động chính thức giảm, phi chính thức gia tăng

Về lao động có việc làm, ông Nam cho biết, so với quý trước, quy mô lao động có việc làm trong quý 2 năm nay không đạt được mức tăng trưởng dương như xu hướng thường quan sát được ở những năm chưa xảy ra dịch Covid-19.  

Theo số liệu vừa được TCTK công bố, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm quý 2 năm 2021 đạt 49,9 triệu người, giảm 65.000 người so với quý trước. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49,9 triệu người, tăng 788.700 người so với cùng kỳ năm trước.

“Quý 2 năm 2021 cũng ghi nhận mức độ tăng trưởng mạnh về lao động có việc làm (tăng 1,8 triệu lao động) so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây không thể được coi là thành quả tăng trưởng ấn tượng vì nó được so sánh với nền sụt giảm quá mạnh của lao động có việc làm trong cùng kỳ năm trước. Trên thực tế, số người có việc làm quý 2 năm 2021 vẫn thấp hơn số người có việc làm cùng kỳ năm 2019, năm chưa có dịch Covid-19, thấp hơn gần 500.000 người”, ông Nam nhấn mạnh.

Còn theo bà Mai, nếu giả định dịch được kiểm soát và nền kinh tế được hồi phục hoàn toàn, để đạt được trạng thái bình thường ban đầu, so với cùng kỳ năm trước quy mô lao động có việc làm năm nay cần phải tăng 3,6 triệu người chứ không phải 1,8 triệu người như đã quan sát được.

Cũng theo số liệu của TCTK, quý 2 năm 2021, số người có việc làm phi chính thức là 20,9 triệu người, tăng 251.400 người so với quý trước và tăng 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý 2 năm nay là 57,4%, đều tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Còn trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 57,2%, tăng 1,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo bà Mai những con số này không phản ánh bức tranh tươi sáng của thị trường lao động mà ngược lại. 

“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lao động có việc làm trong quý 2 giảm so với quý trước; lao động có việc làm phi chính thức tiếp tục tăng, đưa quý 2 năm 2021 trở thành quý có tỷ lệ lao động phi chính thức ở mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây”, bà Mai nói thêm.

Số liệu của TCTK cũng cho biết, trong quý 2 vừa qua, cả nước có 1,1 triệu người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động, tăng 173.500 người so với quý trước nhưng giảm 137.100 người so với cùng kỳ. Còn trong 6 tháng đầu năm, thiếu việc làm trong độ tuổi là hơn 1,1 triệu người, tăng 48.200 người so với cùng kỳ.

“Sự bùng phát nhanh hơn, mạnh hơn, khó kiểm soát hơn của dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị tăng cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 2,80% và 2,49%). Xu hướng này khác biệt với xu hướng thường thấy được qua các năm trước với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường cao hơn so với khu vực thành thị. Điều này có nghĩa là, lao động ở khu vực thành thị đang chịu nhiều sức ép về việc làm hơn ở khu vực nông thôn trong làn sóng dịch lần thứ tư”, ông Nam bình luận.

Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm: Không hoàn toàn là màu hồng hay màu xám
Số liệu GDP và lạm phát trong 6 tháng được đánh giá là khá “đẹp”, song vẫn có những con số kém lạc quan, trong khi nền kinh tế đứng trước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư