Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Theo chân phố Wall, chứng khoán châu Á biến động trái chiều
Lê Quân (CNBC) - 10/09/2019 12:14
 
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều phiên sáng nay 10/9 sau thông tin chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 8 của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong vòng 3 năm qua.
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều phiên sáng nay 10/9 sau thông tin chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc giảm mạnh tháng 8
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều sáng 10/9 sau thông tin chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc sụt giảm trong tháng 8. (Ảnh: AFP)

Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 nhích nhẹ 0,35% ngay giờ đầu giao dịch, còn Topix tăng 0,43%. Cổ phiếu của Nissan Motor (mã 7201.T) tăng vọt 3% sau thông tin ông Hiroto Saikawa, CEO của hãng xe Nhật tuyên bố sẽ từ chức từ ngày 16/9. Động thái này diễn ra vài ngày sau khi ông Saikawa thừa nhận lĩnh những khoản thù lao “bất hợp lý” dưới thời cựu chủ tịch Carlos Ghosn.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng điểm 0,32%. Ngược lại, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia trượt giảm 0,26%.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 8 của Trung Quốc giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,8%, cao hơn mức tăng 2,6% được dự báo trước đó. Tiếp đà tăng 9,1% trong tháng 7, giá thực phẩm tại Trung Quốc tăng 10% trong tháng 8.

Sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục, với chỉ số Shanghai Composite sụt giảm 0,37%, còn chỉ số Shenzhen Composite trượt 0,376%. Ngược sóng với thị trường Trung Quốc đại lục, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) lên điểm 0,13%.

Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,17%.

Trên “mặt trận” thương mại, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 9/9 cho hay, Washington và Bắc Kinh đã thống nhất “quan điểm” về thực thi các điều khoản trong thỏa thuận thương mại sắp tới. Hai bên sẽ tiếp tục đàm phán thương mại thời gian tới, ông Mnuchin nói thêm.

Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều phiên ngày 9/9. Tín hiệu tích cực về đàm phán thương mại Mỹ - Trung giúp chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đạt phiên lên điểm thứ 4 liên tiếp và đóng cửa ở mức 26.835,51, tăng 38,05 điểm (tương đương 0,2%).

Chỉ số S&P 500 biến động không đáng kể so với cuối tuần trước và chốt phiên ở mức 2.978,43 điểm. Nasdaq Composite giảm 0,2% xuống còn 8.087,44 điểm.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Âu nhuốm đỏ phiên 9/9 do nhà đầu tư lo ngại những bất ổn chính trị liên quan đến Brexit và tỏ ra thận trọng hơn với chính sách kích thích kinh tế của một số nước lớn sau khi nhiều số liệu kinh tế được công bố đều đi xuống.

Chỉ số pan-European Stoxx 600 chốt phiên trượt nhẹ 0,29% nhờ lực kéo của cổ phiếu của các “ông lớn” ô tô, với mức tăng 2%. Ngược sóng với nhóm cổ phiếu ô tô, cổ phiếu ngành thực phẩm và nước giải khái trượt dốc 1,7%.

Cổ phiếu của Danske Bank - ngân hàng lớn nhất Đan Mạch - tăng mạnh nhất trong rổ Stoxx 600 với mức tăng 9%, theo sau là cổ phiếu của hai ngân hàng khác là Swedbank and Nordea Bank với mức tăng hơn 5%.

Cổ phiếu Tập đoàn hàng không Air France KLM trong rổ European blue-chip lao dốc 9,7% sau thông tin lưu lượng vận chuyển của hãng này sụt giảm trong tháng 8.

Thị trường tiền tệ sáng nay 10/9 ghi nhận chỉ số USD so với các đồng tiền mạnh khác trượt từ mức 98,4 phiên hôm qua xuống còn 98.333.

Đồng yên Nhật trượt giá nhẹ và trao tay ở mức 107,32 JPY đổi 1 USD. Đồng đô la Australia giao dịch ở mức 1 AUD đổi 0,6864 USD, tăng giá so với mức 1 AUD “ăn” 0,672 USD cuối tuần trước.

Theo đà tăng hơn 2% hôm qua 9/9, giá dầu trên thị trường châu Á sáng nay tiếp tục đi lên sau thông tin tân Bộ trưởng Năng lượng của Saudi Arabia cam kết cắt giảm sản lượng dầu thô để “cứu” giá.

Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn nhích 0,77% lên mức 63,07 USD/thùng, còn dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ Texas) giao kỳ hạn tăng 0,81% lên 58,32 USD/thùng.

Phố Wall đỏ sàn, chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều
Chứng khoán châu Á mở phiên hôm nay 4/9 với nhiều xáo trộn sau thông tin lần đầu tiên kể từ năm 2016, hoạt động sản xuất của Mỹ bị thu hẹp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư