Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 02 tháng 12 năm 2024,
Thiếu hụt 789.000 nhân lực, doanh nghiệp Nhật Bản muốn tuyển mộ kỹ sư Việt Nam
Tú Ân - 02/12/2024 16:05
 
Nhật Bản sẽ thiếu hụt khoảng 789.000 nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) vào năm 2030 và Việt Nam nổi lên như một đối tác lý tưởng nhờ lực lượng lao động trẻ, thành thạo công nghệ và sự hỗ trợ từ chính phủ.

Ngày 2/12, Ngày Công nghệ Thông tin Nhật Bản 2024 (Japan ICT Day) diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp công nghệ Việt Nam và Nhật Bản.

Japan ICT Day do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Ủy ban  Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản (VJC) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp Thông tin Nhật Bản (JISA) và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác ngành CNTT giữa hai quốc gia.

Đến nay, Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng và được ưu tiên lựa chọn bởi các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực CNTT. Hiện có 400 doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các đối tác Nhật, trong đó hơn 15 doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 lao động, hơn 20 doanh nghiệp quy mô 500 - 1.000 lao động, khoảng 100 doanh nghiệp với quy mô 200 - 500 lao động.

Kết quả điều tra nhanh của VINASA vừa thực hiện với 20 doanh nghiệp, trong đó có đại diện 10 doanh nghiệp trên 1.000 kỹ sư, 5 đại diện nhóm doanh nghiệp 500 - 1.000 kỹ sư và 5 doanh nghiệp của nhóm 200 - 500 nhân sự cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2020 -  2024, tổng doanh thu của nhóm này tăng trưởng liên tục từ 672 triệu USD lên 1,345 tỷ USD, gấp 2 lần. Tốc độ tăng trưởng được duy trì 22 - 28%/năm. 

Tổng số lao động tăng thêm gần 8.000 người, tăng trưởng khoảng 6-10%. Tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn gấp nhiều lần tốc độ tăng trưởng nhân sự đã cho thấy, năng suất lao động được tăng lên rõ rệt, đồng thời phản ánh 2 sự dịch chuyển lớn.

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam đang tiến lên, làm các dự án ở tầng cao hơn, mang lại giá trị lớn hơn nhiều như tầng nghiên cứu, thiết kế, với các công nghệ mới AI, Blockchain...

Thứ hai, không chỉ dừng lại ở cung cấp dịch vụ, nhiều sản phẩm, giải pháp được các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đóng gói và cung cấp cho thị trường Nhật Bản.

 Ngày Công nghệ Thông tin Nhật Bản 2024 (Japan ICT Day).

Ông Akira Watanabe, Phó chủ tịch VJC, Giám đốc Công ty NTTe-MOI, đánh giá: Hợp tác CNTT giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ngày càng phát triển với hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam có đối tác tại Nhật Bản. Các doanh nghiệp Việt Nam, với lợi thế năng lực kỹ thuật, chi phí cạnh tranh và sự am hiểu văn hóa Nhật Bản, đang tập trung vào các dự án chuyển đổi số, nghiên cứu phát triển nhân lực và hiện đại hóa hệ thống. Những lĩnh vực nổi bật trong hợp tác bao gồm công nghiệp sản xuất, ô tô, tài chính bảo hiểm, an toàn thông tin và công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, để tiến xa hơn, các doanh nghiệp cần vượt qua thách thức về ngôn ngữ, ổn định nhân lực và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế”.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, lực lượng lao động CNTT Việt Nam cũng ngày càng trường thành cả về chất lượng và số lượng, với gần 400.000 nhân lực trong các lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT.  Lợi thế của các kỹ sư CNTT Việt Nam là năng lực kỹ thuật tốt với chi phí tương đương hoặc rẻ hơn, tinh thần trách nhiệm cao, thân thiện với khách hàng Nhật và quan trọng là trẻ và ham học hỏi công nghệ mới.

Trong khi đó, trước đây, Nhật Bản đầu tư mạnh sang các nước đang phát triển để bán lại công nghệ và tận dụng chi phí nhân công giá rẻ thì hiện nay nước này đang tạo ra "xu hướng đầu tư ngược". Nhật Bản đã và đang giới thiệu nhiều chính sách hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, xoay chuyển dòng vốn về trong nước, giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực đặc biệt đối với lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ thông tin. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), quốc gia này sẽ thiếu hụt khoảng 789.000 nhân lực CNTT vào năm 2030.

Ông Junya Kawamoto, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Quốc tế JISA chia sẻ: “Ngành dịch vụ CNTT Nhật Bản đạt doanh thu 200 tỷ USD với 1,17 triệu lao động vào năm 2022, tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2000. Đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ sự yếu kém của hệ thống CNTT cũ trong khu vực công, thúc đẩy Nhật Bản thành lập Cơ quan Kỹ thuật số và triển khai các chính sách như Chính phủ Cloud, Digital Marketplace và DFFT (Dòng chảy dữ liệu tự do với độ tin cậy cao).

Trong khu vực tư nhân, chính sách của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) khuyến khích số hóa qua chương trình DX Stocks. Tuy nhiên, ngành CNTT Nhật Bản đối mặt với thách thức lớn về thiếu hụt nhân tài, nhu cầu chuyển đổi số và rủi ro địa chính trị.

Việt Nam nổi lên như một đối tác lý tưởng nhờ lực lượng lao động trẻ, thành thạo công nghệ và sự hỗ trợ từ chính phủ. Các doanh nghiệp Nhật kỳ vọng vào hợp tác cùng Việt Nam trong lĩnh vực phát triển nhân lực, chia sẻ kiến thức về công nghệ tiên tiến (AI, kỹ năng tư vấn) và mô hình kinh doanh chung. Những cơ hội nổi bật bao gồm trao đổi nhân lực và liên doanh xuyên biên giới để phát triển giá trị bền vững cho cả hai phía”.

Japan ICT Day 2024 đặt 3 vấn đề bàn thảo liên quan đến: Trí tuệ nhân tạo (AI), hiện đại hóa các hệ thống cũ của Nhật Bản (Legacy Modernization) và sản xuất xanh, thông minh (Smart Green Manufature). Đây là 3 lĩnh vực tiềm năng hợp tác rất lớn, không chỉ với thị trường truyền thống, mà còn cả thị trường các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. JETRO Việt Nam hiện cũng đang hỗ trợ, cỗ vũ rất lớn cho xu hướng này để tận dụng những thế mạnh của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp Nhật Bản.

Japan ICT Day 2024 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, không chỉ tại không gian Nhật Bản, mà còn cả tại Việt Nam trên các lĩnh vực tiềm năng mới bao gồm: công nghệ mới, hiện đại hóa các hệ thống cũ của Nhật (Legacy Modernization), và sản xuất xanh, thông minh (Smart Green Manufature).

Cạnh tranh hút nhân lực công nghệ thông tin: Trả lương khủng vẫn khó tuyển dụng
Không những nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) “phổ thông”, mà các ngành mới nổi cũng đang ráo riết tuyển dụng nguồn nhân lực này.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư