Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 09 tháng 10 năm 2024,
Thiếu vốn nghiêm trọng, Genco cầu cứu EVN
Hoàng Minh - 21/08/2013 06:50
 
Sau hơn nửa năm đi vào hoạt động, các tổng công ty phát điện (Genco) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang thiếu nghiêm trọng nguồn vốn đầu tư cho năm nay và các năm tiếp theo.

Theo ông Nguyễn Loãn, Chủ tịch Genco 1, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư xây dựng cơ bản của doanh nghiệp đang gặp khó khăn do đơn vị thiếu nghiêm trọng nguồn vốn đầu tư cho năm 2013 và các năm tiếp theo, vốn tự có không đủ để trả nợ gốc và lãi vay đến hạn.

Nỗi lo thiếu vốn đã được đặt ra ngay từ khi các Genco chuẩn bị thành lập. (Ảnh: Đức Thanh)

Trong khi đó, doanh nghiệp lại không thể vay bổ sung vốn cho các dự án thiếu vốn đầu tư, vì vốn vay chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng mức đầu tư của dự án (trên 85%) và các chỉ số tài chính của Genco1 không đáp ứng được yêu cầu của các nhà tài trợ.

Bên cạnh đó, nguồn vốn lưu động của Genco 1 quá thấp, không đáp ứng yêu cầu chi phí sản xuất của một chu kỳ thanh toán tiền điện.

Đây cũng là tình trạng chung mà các Genco 2, 3, vừa được thành lập trong tiến trình tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), gặp phải.

Vào thời điểm năm 2011, khi các Genco chuẩn bị thành lập, nỗi lo thiếu vốn cũng đã được đặt ra, nếu nhìn những dự án mà các đơn vị này được EVN giao đầu tư tiếp.

Khi đó, EVN đã ước tính vốn điều lệ của các Genco (bằng 20% tổng giá trị tài sản tại các công ty phát điện và tổng mức đầu tư dự án nguồn) chỉ đạt bình quân khoảng 23.000 tỷ đồng. Trong khi đó, các dự án chủ yếu là vốn vay, nên tỷ lệ bình quân vốn chủ sở hữu/tổng tài sản của các Genco chỉ đạt 16,8%.

Mặt khác, tổng số nợ phải trả của các đơn vị thành viên của 3 Genco trong 3 năm 2008 - 2010 lên tới trên 200.000 tỷ đồng. Dư nợ vay ngân hàng của các đơn vị thành viên của 3 Genco cũng gần 98.000 tỷ đồng.

Như vậy, một loạt dự án vốn được EVN đảm nhiệm, khi chuyển sang các Genco, sẽ gặp khó khăn trong vay vốn, nhất là các dự án mới. Thậm chí, nhiều chủ nợ sẽ không đồng ý chuyển nợ từ EVN sang các Genco.

Hiện nay, khi các Genco đã đi vào hoạt động chính thức, với số vốn điều lệ của Genco 1 là 15.440 tỷ đồng, Genco 2 là 10.677 tỷ đồng và Genco 3 là 6.130 tỷ đồng, thì việc vay vốn cho đầu tư cũng chả sáng sủa hơn, không chỉ vay khó mà trả nợ cũng không dễ dàng gì. Thực tế này sẽ khiến việc đầu tư các dự án nguồn điện bị ảnh hưởng nhất định.

Bởi vậy, trong cuộc làm việc mới đây với Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, ông Nguyễn Loãn đã kiến nghị Chính phủ cho EVN được tiếp tục hỗ trợ Genco 1 trả nợ gốc và lãi vay đến hạn của các hợp đồng tài trợ tín dụng vốn cho các dự án thuộc đơn vị này quản lý, đồng thời gia hạn trả nợ của các hợp đồng tín dụng trợ vốn cho các dự án thuộc Genco 1.

Chia sẻ tâm trạng của doanh nghiệp, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải thừa nhận, khó khăn của các Genco không mới.

“Việc khó khăn về vốn đầu tư là đúng, vì ngành điện đang mất cân bằng tài chính chung, chi phí cao, nhưng giá chưa phản ánh đầy đủ các yếu tố thị trường. Bởi vậy, Chính phủ mới cho phép cải cách hệ thống giá điện để tư nhân cũng thấy đầu tư vào ngành điện là có lãi. Nếu không, gánh nặng đầu tư điện vẫn sẽ chất lên vai EVN”, ông Hải nói.

Vẫn theo Phó thủ tướng, việc nhóm các công ty phát điện lại thành các Genco là mấu chốt quan trọng trong quá trình thị trường hóa ngành điện. Không chỉ dừng lại ở thành lập, các Genco sẽ tiếp tục được cổ phần hóa và lớn mạnh để bước ra khỏi cái bóng của EVN. Vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn về tài chính để các Genco có vốn đầu tư phát triển cần phải được làm sớm.

Cũng trong kiến nghị của mình, Genco 1 đã đề nghị EVN làm việc với các tổ chức tín dụng và báo cáo Chính phủ cho phép vay dài hạn để hoàn trả các khoản vay trung và ngắn hạn cho các dự án mà trước đó, EVN đã huy động vốn để đáp ứng tiến độ thi công.

Điều chỉnh giá điện, EVN phải hỏi dân
Khẳng định không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải điều chỉnh giá điện để tiến tới cơ chế thị trường, Bộ trưởng Vũ Đức Đam...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư