
-
Ông Trump nói sẵn sàng thăm Trung Quốc giữa đồn đoán áp thuế 30% đến cuối năm nay
-
Triển vọng thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Iran tác động sâu sắc đến thị trường dầu mỏ
-
APEC cảnh báo tăng trưởng chậm lại do căng thẳng thương mại
-
Tạm đình chiến thương mại Mỹ - Trung: Giải tỏa căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu
-
Chính phủ Dubai chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo -
Mỹ - Trung đạt được "bước tiến đáng kể" trong đàm phán tại Geneva
Kiên định và bình tĩnh là những "từ khóa" cho đàm phán
Thỏa thuận "đình chiến" thương mại đạt được tuần trước đã tạo nên cấu trúc cho các vòng đàm phán kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc, nơi vẫn phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu trung bình gần 50% của Mỹ khi các khoản thuế trước đây được tính vào mức thuế 30% đã thỏa thuận tại Geneva, Thụy Sĩ.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP |
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng giảm đáng kể mức thuế 145% đã tuyên bố áp dụng trước đó đối với Trung Quốc đã khiến các chính phủ từ Seoul đến Brussels ngạc nhiên, bởi họ cho đến nay vẫn "trung thành" với yêu cầu đàm phán của Mỹ thay vì trả đũa thuế quan của Washington.
Sau khi các chiến thuật đàm phán cứng rắn của Trung Quốc giúp họ có được một thỏa thuận thuận lợi mặc dù tạm thời, các quốc gia áp dụng cách tiếp cận ngoại giao và nhanh chóng hơn đang đặt câu hỏi liệu đó có phải là con đường đúng đắn hay không.
"Điều này làm thay đổi động lực đàm phán", ông Stephen Olson, nguyên là nhà đàm phán thương mại Mỹ và hiện là thành viên cấp cao tại Viện ISEAS - Yusof Ishak ở Singapore, cho biết. "Nhiều quốc gia sẽ xem xét kết quả của các cuộc đàm phán tại Geneva và kết luận rằng ông Trump đã bắt đầu nhận ra rằng ông đã quá tay", ông Olson nhận xét.
Ngoài giữ nguyên mức thuế hiện tại 10%, mức thuế suất cao hơn sẽ được Mỹ và Trung Quốc áp dụng trừ khi các thỏa thuận được ký kết hoặc được hoãn lại trước khi thời hạn đình chiến 90 ngày kết thúc vào tháng 7/2025.
Trong khi các quan chức không muốn công khai báo hiệu bất kỳ sự cứng rắn nào trong cách tiếp cận của họ, thì có những dấu hiệu đặc biệt từ các quốc gia lớn hơn cho thấy họ đang nhận ra rằng họ nắm giữ nhiều quân bài hơn so với suy nghĩ trước đây và có thể đủ khả năng để làm chậm tốc độ đàm phán.
Ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Hàn Quốc Lee Jae-myung cho rằng, không cần phải vội vàng đạt được thỏa thuận sớm trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, đồng thời chỉ trích chính phủ lâm thời vì những gì ông gọi là sự tham gia vội vàng với chính quyền Tổng thống Trump.
Bản thân ông Trump đã chỉ ra vào tuần trước rằng Washington không có thời gian để thực hiện các thỏa thuận với khoảng 150 quốc gia đang xếp hàng chờ. Vì vậy, Mỹ có thể áp dụng mức thuế quan cao hơn một cách đơn phương trong 2 đến 3 tuần tới.
Trong khi Tổng thống Trump nói rằng, Ấn Độ đã sẵn sàng hạ tất cả thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar lại khẳng định với các phóng viên rằng, các cuộc đàm phán thương mại vẫn đang diễn ra và "bất kỳ phán đoán nào về vấn đề này đều là quá sớm".
"Có nhiều quốc gia có thể học được từ Trung Quốc rằng cách đúng đắn để đàm phán với Tổng thống Trump là phải kiên định, giữ bình tĩnh và buộc ông ấy phải nhượng bộ", ông Marko Papic, chiến lược gia trưởng tại công ty nghiên cứu đầu tư BCA Research (Canada), cho biết.
Thay vì đối đầu, cần chọn "đòn bẩy sáng tạo hơn" để đàm phán với Mỹ
Các quan chức thương mại Nhật Bản dự kiến đến Washington vào tuần này. Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Yoji Muto đã bỏ lỡ một cuộc họp khu vực vào tuần trước tại Hàn Quốc mà Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer đã đến tham dự.
Nhà đàm phán hàng đầu Ryosei Akazawa, người đứng đầu lực lượng chuyên trách thuế quan của Nhật Bản, đã nói vào đầu tháng này rằng ông hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với Mỹ vào tháng 6, nhưng truyền thông địa phương gần đây đưa tin thỏa thuận có nhiều khả năng sẽ đạt được vào tháng 7, trước cuộc bầu cử thượng viện.
Các nhà hoạch định chính sách ở Tokyo có thể bắt đầu nghĩ rằng tốt hơn là nên dành thời gian thay vì đưa ra những nhượng bộ lớn để kết thúc mọi việc một cách nhanh chóng.
"Mọi người trong hàng đều tự hỏi, 'Tại sao tôi lại xếp hàng (đàm phán với Mỹ - BTV)?'" bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại công ty quản lý tài sản Natixis (Pháp), cho biết. "Thỏa thuận này khiến Trung Quốc chen chân vào hàng đợi và cũng không mang lại lợi ích rõ ràng cho Mỹ nên nó gây tác động tổn thương gấp đôi cho các quốc gia khác đang theo dõi".
Ngay cả các quan chức Mỹ cũng đang báo hiệu rằng các cuộc đàm phán sẽ mất nhiều thời gian hơn. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick nói với Bloomberg TV rằng, các cuộc đàm phán với Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ mất thời gian. Còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tuần trước cho rằng, Liên minh châu Âu đang ghi nhận tình trạng thiếu đoàn kết, cản trở các cuộc đàm phán.
"Tôi nghĩ rằng, Mỹ và châu Âu có thể chậm hơn một chút", Bộ trưởng Bessent cho biết tại Diễn đàn Đầu tư Saudi-Mỹ ở Riyadh vào tuần trước.
Đến ngày 18/5, Bộ trưởng Bessent tỏ ra lạc quan về các cuộc đàm phán nói chung, đồng thời nói thêm rằng "chúng tôi đã không đạt được điều này chỉ sau một đêm".
"Trừ một vài trường hợp ngoại lệ, các quốc gia đang đưa ra những đề xuất rất tốt cho chúng tôi", Bộ trưởng Bessent trả lời phỏng vấn của đài CNN. "Họ muốn hạ thuế quan, họ muốn hạ các rào cản phi thuế quan, một số trong số họ đã thao túng tiền tệ, họ đã trợ cấp cho ngành công nghiệp và lao động", ông cho biết thêm.
Bloomberg dẫn lời những nguồn thạo tin cho biết các quan chức tại Brussels nhận thấy tuyên bố về thuế quan của Mỹ và Trung Quốc đã để lại một số mức thuế quan cao và hạn chế trên một số mặt trận. Những lợi ích đàm phán ít ỏi dành cho Mỹ và việc không có một kết cục rõ ràng trong thời gian hoãn thi hành thuế quan 90 ngày cho thấy mong muốn gia tăng áp lực lên Bắc Kinh của Tổng thống Trump là rất hạn chế.
Đề cập đến thỏa thuận "đình chiến" thương mại Mỹ - Trung cùng với bản phác thảo thỏa thuận Anh - Mỹ được công bố vài ngày trước đó, quan chức kinh tế hàng đầu của Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovkis đánh giá rằng: "Tình hình thương mại đang trở nên phân mảnh hơn" và "các thỏa thuận đạt được cho đến nay vẫn chưa giải quyết hoàn toàn tình hình".
Tại Mỹ Latinh, nơi các nền kinh tế đang phát triển muốn bảo vệ cả đầu tư của Trung Quốc và quyền tiếp cận xuất khẩu vào thị trường Mỹ, các nhà lãnh đạo đang cố gắng đi theo con đường thận trọng khi hai siêu cường kinh tế này đối đầu.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, người trước đây đã nói rằng đàm phán diễn ra trước khi áp dụng trả đũa, tuần trước đã gạt bỏ mối lo ngại rằng việc xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với Trung Quốc sẽ khiến Mỹ phản ứng tiêu cực sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh, nơi ông đã ký hơn 30 thỏa thuận.
Trong khi đó, Tổng thống Colombia Gustavo Petro, cũng có mặt tại Bắc Kinh vào tuần trước, đã ký kết sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư cho đất nước mình, ngay cả khi nhà ngoại giao hàng đầu của ông nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn là đồng minh chính của quốc gia này.
Thỏa thuận "đình chiến" thương mại Mỹ - Trung cũng chỉ ra cho các quốc gia thấy rằng chính quyền Tổng thống Trump không miễn nhiễm với áp lực của những "cơn gió ngược" kinh tế trong nước do thuế quan gây ra.
"Nỗi đau kinh tế ở Mỹ hiện hữu và lan rộng hơn và thỏa thuận này có thể được coi là chính quyền Tổng thống Trump thừa nhận điều đó", ông Robert Subbaraman, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Nomura Holdings, bình luận.
Tuy nhiên, theo GS. Bert Hofman tại Đại học Quốc gia Singapore và cựu giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc, chỉ những quốc gia có sức mạnh kinh tế và ít phụ thuộc vào thương mại với Mỹ mới có thể hành động cứng rắn. "Hầu hết các quốc gia đều khá mạo hiểm khi tỏ ra cứng rắn với Mỹ", GS. Hofman cảnh báo.
Một ví dụ điển hình là Canada, nơi Oxford Economics cho biết tuần trước đã thực sự tạm dừng hầu hết các mức thuế đối với hàng hóa Mỹ. Vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Canada Francois-Philippe Champagne đã phản bác điều đó khi cho biết chính phủ nước này vẫn giữ nguyên mức thuế trả đũa 25% đối với hàng chục tỷ USD hàng hóa của Mỹ.
Bộ trưởng Champagne cũng khẳng định 70% thuế quan trả đũa mà Canada áp dụng vào tháng 3 vẫn có hiệu lực, theo một bài đăng trên mạng xã hội vào cuối tuần qua. Ông cho biết chính phủ Canada đã "tạm dừng và công khai thuế quan" đối với một số mặt hàng vì lý do sức khỏe và an toàn cộng đồng.
Theo chiến lược gia trưởng Marko Papic tại công ty nghiên cứu đầu tư BCA Research (Canada), vì ảnh hưởng của Trung Quốc vẫn đáng kể với tư cách là công xưởng của thế giới, các quốc gia khác có thể phải sử dụng "nhiều đòn bẩy sáng tạo hơn".
Nếu các quốc gia lớn hơn muốn đối đầu, một lĩnh vực mà họ có thể "có cửa" là thương mại dịch vụ, bà Katrina Ell, trưởng bộ phận phân tích kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Moody's Analytics gợi ý.
EU, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản nằm trong số các quốc gia có thâm hụt thương mại dịch vụ lớn nhất với Mỹ, dữ liệu của Moody's Analytics cho thấy.
"Trung Quốc có quá nhiều đòn bẩy đối với Mỹ để tiếp tục lập trường cứng rắn của mình, trong khi nhiều nền kinh tế khác thì không", bà Ell nhận xét, đồng thời lưu ý rằng: "Điều chúng ta cần ghi nhớ là đòn bẩy và ai có đòn bẩy đó".

-
Thỏa thuận "đình chiến" thương mại Mỹ - Trung: Góc nhìn chiến thuật cho các nước -
Fed cân nhắc điều chỉnh chiến lược khi lạm phát tạm thời lệch khỏi mục tiêu dài hạn 2% -
Triển vọng thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Iran tác động sâu sắc đến thị trường dầu mỏ -
APEC cảnh báo tăng trưởng chậm lại do căng thẳng thương mại -
Tạm đình chiến thương mại Mỹ - Trung: Giải tỏa căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu -
Microsoft tiếp tục sa thải hàng nghìn nhân viên toàn cầu -
CPI tháng 4/2025 của Mỹ thấp hơn dự báo
-
Đổi mới sáng tạo - Động lực chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt
-
Care For Việt Nam tiếp tục hành trình “Chăm em đủ chất”
-
Chủ tịch Tập đoàn C.P. diện kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính, củng cố hợp tác, mở rộng đầu tư tại Việt Nam
-
Phú Đông Group khánh thành trường mầm non Ô Mây
-
Khoa học công nghệ - Đòn bẩy giúp PV Power bứt phá giai đoạn mới
-
SeABank thông báo mời thầu