Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thoát nghèo từ mô hình homestay
Hoàng Oanh - 04/10/2018 09:33
 
Sau 3 năm kinh doanh mô hình homestay, vợ chồng anh Vũ Văn Lợi (huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) đã trả hết khoản nợ đầu tư ban đầu và duy trì mức thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/năm.

Ấn tượng đẹp trong lòng du khách

Trở về sau chuyến du lịch Cô Tô mùa hè vừa qua, Nguyễn Sen cùng nhóm bạn ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) hào hứng cho biết, cô quyết định chọn homestay Lương Lợi của gia đình anh Vũ Văn Lợi để ở, thay vì một khách sạn đầy đủ tiện nghi trên đảo. Theo chia sẻ của Sen, lần đầu tới đây 2 năm trước, sự nhiệt tình của vợ chồng anh Lợi - chủ nhà - đã tạo ấn tượng tốt đẹp với cô.

“Dù mới gặp, nhưng chủ nhà vô cùng thân thiện. Chúng tôi được đón tận cảng, hướng dẫn nhiệt tình về các điểm tham quan và còn được thưởng thức những món hải sản thơm ngon do chính tay gia chủ chế biến. Ngôi nhà tuy đơn giản, nhưng đầy đủ tiện nghi, lại nằm gần trung tâm thị trấn mà giá thuê chỉ có 50.000 đồng/ngày/người, rất đáng để trải nghiệm”, Sen vui vẻ cho biết.

Không chỉ riêng Sen mà các bạn trong nhóm cũng cũng giữ ấn tượng về sự tốt bụng, hiếu khách của chủ homestay Lương Lợi. Thỉnh thoảng, họ vẫn cùng bạn bè quay lại nghỉ ngơi, hoặc giới thiệu cho những ai muốn đến Cô Tô. Chủ nhà cũng giữ liên lạc với những vị khách cũ, thỉnh thoảng hỏi thăm và nghe họ góp ý về dịch vụ của mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hành trình thoát nghèo

Ba năm trước, homestay còn là khái niệm mơ hồ với anh Vũ Văn Lợi. Sinh ra và lớn lên tại huyện đảo Cô Tô, cuộc sống của gia đình anh cũng giống như những gia đình khác trên đảo là dựa vào biển. Sau khi kết hôn, bằng sự nhanh nhạy của mình, vợ chồng anh đã mày mò học hỏi để đầu tư vào một mô hình còn khá mới mẻ lúc đó, là làm du lịch homestay.

Không thể nói hết khó khăn trong những ngày đầu, bởi vợ chồng anh Lợi lập nghiệp từ bàn tay trắng. Anh Lợi bấy giờ đang là nhân viên y tế tại Trường mầm non thị trấn Cô Tô, vợ anh - chị Lương, từ TP. Cẩm Phả theo chồng ra đảo nên chưa tìm được việc làm, mọi chi phí sinh hoạt của gia đình đều trông chờ vào mức lương 3 triệu đồng/tháng của anh Lợi. Cùng với đó, áp lực từ món nợ sau khi xây nhà đã thôi thúc vợ chồng anh phải tìm ra cách nào đó để cải thiện cuộc sống.

Homestay là loại hình lưu trú mà khách du lịch sẽ ở tại nhà dân, cùng ăn uống, sinh hoạt và trải nghiệm văn hóa với các thành viên trong gia đình bản địa để có được cảm nhận chân thật nhất về đời sống, văn hóa của vùng đất đang đặt chân đến.

Nhận thấy lượng khách du lịch đến Cô Tô ngày càng tăng, trong khi số nhà nghỉ trên đảo lại chưa có nhiều, anh chị quyết định làm dịch vụ liên quan đến du lịch.

“Ở đảo làm du lịch là hợp nhất, nhưng làm thế nào trong khi không có vốn thực sự khiến vợ chồng tôi đau đầu. Là người nhiều ý tưởng, nên sau khi tìm hiểu, vợ tôi đã đề nghị sử dụng chính ngôi nhà đang ở để làm homestay vào năm 2015. Chúng tôi tự mày mò lập trang fanpage quảng cáo và tìm khách, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước xem khách cần gì, không hài lòng vấn đề gì và phải khắc phục ngay”, anh Lợi chia sẻ.

Từ những ngày đầu chập chững làm dịch vụ lưu trú, tới nay, ngôi nhà cấp 4 của anh Lợi tại khu 1 (thị trấn Cô Tô) đã đón hàng trăm lượt khách mỗi năm, thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm. Mô hình homestay đã giúp vợ chồng anh trả hết nợ, không những thế, sau một thời gian tích lũy, anh chị còn có một khoản vốn để tái đầu tư vào những dự án tiếp theo. Nhiều bạn bè, người thân của vợ chồng anh Lợi tại Cô Tô cũng phát triển mô hình này và thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm do có nhiều cơ sở nằm rải rác trong thị trấn.

Năm 2019, vợ chồng anh Lợi có kế hoạch nhân rộng mô hình bằng cách liên kết các homestay trong vùng nhằm tạo nên một cộng đồng lớn mạnh để cùng nhau phát triển. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ nhau trong việc giới thiệu khách hàng và đồng nhất về giá cả, dịch vụ để du khách tới Cô Tô được trải nghiệm những dịch vụ tốt nhất với giá rẻ nhất. Tôi muốn mang tới cho họ cảm giác thoải mái và yên tâm như ở nhà. Đó cũng là cách tốt để chúng tôi hỗ trợ nhau cùng làm giàu và phát triển”, anh Lợi nói.

Phát triển du lịch từ văn hóa dệt thổ cẩm
Những thành công của điểm du lịch bản Lác đã khởi đầu cho hàng loạt điểm du lịch mới, với mô hình lấy văn hóa đặc trưng của từng dân tộc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư