Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 01 năm 2025,
Thời gian của người dân, doanh nghiệp là tiền bạc, là nguồn lực to lớn
An Nguyên - 03/05/2021 09:14
 
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, thời gian của nhà đầu tư, của người dân chính là tiền bạc, là nguồn lực to lớn.

Thời gian của nhà đầu tư, của người dân chính là tiền bạc, là nguồn lực to lớn và để phát huy được nguồn lực này thì thể chế, cơ chế chính sách cần công khai minh bạch và quan trọng nhất là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong khâu tổ chức thực hiện.

.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định đột phá chiến lược đầu tiên là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển. Nhiều ý kiến của chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần coi thể chế không chỉ là hành lang pháp lý, mà trước hết là tài nguyên và nguồn lực phát triển. Với Quảng Ninh, một tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ những năm gần đây, hoàn thiện thể chế có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

Quảng Ninh luôn xác định thể chế, cơ chế, chính sách là nguồn lực, vì chỉ có thể chế, cơ chế chính sách mới thúc đẩy việc khơi thông, giải phóng và kết nối các nguồn lực, nhất là các nguồn lực vô cùng to lớn trong nhân dân.

Những năm qua, với Quảng Ninh, nguồn lực nhà nước chỉ là vốn mồi, còn nguồn lực trong nhân dân, trong các thành phần kinh tế mới là nguồn lực quan trọng. Mà muốn thu hút hiệu quả các nguồn lực ngoài ngân sách thì phải có thể chế, cơ chế, chính sách tốt.

Trong tháng 4, một lần nữa cái tên Quảng Ninh lại nổi bật trên các phương tiện truyền thông khi trong hai ngày liên tiếp, tỉnh này ở vị trí quán quân trong hai lễ công bố PAPI và PCI. Ngày 14/4/2021, tại Lễ công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020, Quảng Ninh dẫn đầu toàn quốc. Ngày 15/4, tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2020), tỉnh không những tiếp tục ở vị trí quán quân và là năm thứ tư liên tiếp giữ vững vị trí này, mà còn là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua điểm mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây.

Thế nhưng, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về "bí quyết" thành công, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký không một lần nhắc đến lợi thế sẵn có (chẳng hạn giàu tài nguyên khoáng sản), mà hơn một lần nhấn mạnh rằng, cơ chế, chính sách đúng đắn cộng với việc tổ chức thực hiện đúng và nhanh mới là yếu tố quan trọng nhất đưa địa phương phát triển.

Thực ra, nhà đầu tư cần nhất là giải quyết thủ tục hành chính thực sự minh bạch, công khai, dễ tiếp cận và giảm đến mức thấp nhất chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính, nhất là xoá bỏ chi phí không chính thức, tham nhũng vặt. Chính quyền phải biết trân trọng thời gian của nhà đầu tư và của nhân dân, đó chính là tiền bạc, là nguồn lực và điều đó còn quý hơn nhiều so với ưu đãi, giảm thuế.

Nhưng, có một thực tế là, cùng thể chế, cùng cơ chế, chính sách, nhưng khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu nhất hiện nay. "Bí quyết" của Quảng Ninh là luôn chủ động, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong khâu tổ chức thực hiện, với mục tiêu cao nhất là lợi ích của nhân dân và niềm tin của nhân dân.

Liên quan đến vấn đề này, trong tham luận tại Đại hội XIII của Đảng, ông có nêu một số vấn đề mang tính bài học kinh nghiệm. Một trong số đó là cần nhận thức, định dạng đầy đủ các mâu thuẫn, thách thức để tìm cách hóa giải thách thức, biến thách thức thành cơ hội, định hình phương thức phát triển mới. Và mâu thuẫn đầu tiên được ông đề cập là mâu thuẫn giữa nhu cầu giải phóng các nguồn lực, phát huy các tiềm năng thế mạnh và không gian phát triển rộng lớn với sự trói buộc của thể chế cơ chế, chính sách hạn hẹp. Vậy Quảng Ninh đã hóa giải mâu thuẫn này thế nào?

Phương châm của chúng tôi là làm đúng, làm nhanh, làm tốt. Đầu tiên phải làm đúng trước, sau đó thì đòi hỏi phải nhanh để giảm thiểu chi phí của doanh nghiệp và người dân, như tôi nói đó là tiền bạc, là nguồn lực.

Hai là, trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng tôi luôn chú trọng kiểm soát rủi ro, coi trọng giám sát quyền lực, tăng cường thanh tra, giám sát, kịp thời xử lý sai phạm từ nhỏ, từ xa, từ sớm, từ cơ sở.

Với GRGP tăng 10,05%, quy mô kinh tế gần 10 tỷ USD, thu ngân sách đạt 49.500 tỷ đồng trong năm 2020, hẳn là việc kiểm soát quyền lực của Quảng Ninh cũng vất vả hơn nhiều nơi khác, thưa ông?

Bên cạnh cơ chế, chính sách thực sự công khai, minh bạch, chúng tôi đặc biệt quan tâm thiết kế cơ chế để nhân dân, mặt trận và đặc biệt là báo chí tham gia quá trình giám sát, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, đó là khâu rất quan trọng.

Từ năm 2017, Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết để đồng bộ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, vừa giảm thiểu chồng chéo, vừa tích hợp, bổ sung cho nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp trong giám sát. Theo tôi, đây là giải pháp rất hiệu quả trong kiểm soát quyền lực.

Trong thành công của Quảng Ninh, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực thường được nhắc đến như là yếu tố quan trọng. Làm sao để cán bộ, công chức của tỉnh yên tâm làm việc với mặt bằng chung về lương còn khá thấp?

Tại Quảng Ninh, ở trung tâm dịch vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và bộ phận một cửa cấp xã, cán bộ công chức có một khoản hỗ trợ được gọi là dưỡng liêm. Khoản tiền này tuy không lớn, nhưng rất ý nghĩa về mặt động viên tinh thần và góp phần giảm tiêu cực cho người dân và doanh nghiệp. Mỗi cán bộ, công chức tại bộ phận này mỗi  năm được hai bộ quần áo và tiền dưỡng liêm khoảng vài triệu một tháng, tuỳ vị trí công tác.

Để đưa Quảng Ninh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy, giảm bớt các tầng nấc trung gian, bảo đảm hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Quảng Ninh năm thứ 4 liên tiếp giành vị trí quán quân PCI
Quảng Ninh còn là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua được mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư