Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 24 tháng 12 năm 2024,
Thời hạn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân tối đa là 50 năm
T.T - 13/07/2024 15:39
 
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 29/2024/TT-NHNN quy định về quỹ tín dụng nhân dân. Theo đó, thời hạn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động tối đa là 50 năm.

Thông tư nêu rõ, Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trong địa bàn một xã, một phường, một thị trấn (xã). Quỹ tín dụng nhân dân không được mở rộng địa bàn hoạt động sang xã khác ngoài xã đặt trụ sở chính.

Quỹ tín dụng nhân dân được hoạt động tại địa bàn xã liền kề với xã nơi quỹ tín dụng nhân dân đặt trụ sở chính thuộc phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do chia, tách địa giới hành chính theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hồ sơ, trình tự đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép của quỹ tín dụng nhân dân đối với nội dung địa bàn hoạt động thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về những thay đổi phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận của tổ chức tín dụng là hợp tác xã.

Điều kiện để trở thành thành viên của quỹ tín dụng nhân dân

Đối với cá nhân:

Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân. Trường hợp đăng ký tạm trú, cá nhân phải có hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc là người lao động làm việc trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân và phải có tài liệu chứng minh về vấn đề này;

Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các tổ chức, cơ quan có trụ sở chính đóng trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân.

Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang phải chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; người đã bị kết án từ tội phạm nghiêm trọng trở lên mà chưa được xóa án tích.

Đối với hộ gia đình:

Là hộ gia đình có các thành viên thường trú trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân; các thành viên trong hộ có chung tài sản để phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình.

Các thành viên của hộ gia đình phải cử một thành viên của hộ gia đình làm người đại diện để thực hiện quyền, nghĩa vụ của thành viên quỹ tín dụng nhân dân. Người đại diện của hộ gia đình phải được các thành viên của hộ gia đình ủy quyền đại diện bằng văn bản theo quy định của pháp luật và phải đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Đối với pháp nhân:

Là pháp nhân (trừ Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện) đang hoạt động hợp pháp và có trụ sở chính đặt tại địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân.

Người đại diện của pháp nhân tham gia thành viên của quỹ tín dụng nhân dân là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc cá nhân được người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền tham gia.

Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân phải có đơn tự nguyện tham gia thành viên quỹ tín dụng nhân dân. Mỗi đối tượng chỉ được tham gia là thành viên của 1 quỹ tín dụng nhân dân.

Góp vốn của thành viên

Vốn góp của thành viên bao gồm vốn góp xác lập tư cách thành viên và vốn góp bổ sung:

Mức vốn góp xác lập tư cách thành viên tối thiểu là 300.000 đồng và được quy định tại Điều lệ.

Mức vốn góp bổ sung thực hiện theo quy định tại Điều lệ.

Tổng mức vốn góp tối đa của một thành viên quỹ tín dụng nhân dân không được vượt quá 10% vốn điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân hoặc một tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại Điều lệ.

Đại hội thành viên quyết định cụ thể mức vốn góp xác lập tư cách thành viên, mức vốn góp bổ sung, phương thức nộp, tổng mức vốn góp tối đa của một thành viên theo quy định.

Phó Thống đốc: Chưa cho phép thành lập mới Quỹ tín dụng nhân dân khi chưa chấn chỉnh xong hệ thống
Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống Quỹ TDND không cao nhưng có xu hướng tăng nhanh. Đặc biệt, nợ mất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư