Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 05 năm 2024,
Thống đốc Bình chia lửa với Bộ trưởng Cao Đức Phát
Thùy Liên - 13/06/2013 13:17
 
Sáng nay, 13/6, trả lời câu hỏi của đại biểu quốc hội liên quan đến tín dụng nông nghiệp, nông thôn, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, đã có nhiều chính sách vay ưu đãi với lĩnh vực này.
TIN LIÊN QUAN
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình

Theo thống đốc, thời gian qua, dù kinh tế khó khăn, ngành ngân hàng vẫn ưu tiên vốn cho nông nghiệp, nông thôn, nhờ đó khu vực này phát triển ổn định thời gian qua, trở thành chỗ dựa cho nền kinh tế cả nước thời gian qua.

Chỉ tính từ 2008 đến nay, hàng năm tăng trường tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng trung bình 20%/năm.

Trong 5 năm vừa qua, tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng gấp đôi, đặc biệt từ năm 2010, khi Chính phủ ban hành cơ chế chính sách cho tín dụng nông nghiệp nông thôn, thì tín dụng cho lĩnh vực này tăng lên nhanh chóng.

Tính đến 31/12/2012, dư nợ cho nông nghiệp nông thôn đạt 561.533 tỷ đồng.
Tính riêng 4 tháng đầu năm 2013, tín dụng cả nền kinh tế tăng hơn 2%, trong khi đó tăng cho nông nghiệp nông thôn tăng xấp xỉ 5%.

Đạt được kết quả này là do thời gian qua, các ngân hàng áp dụng nhiều gói tín dụng ưu tiên với từng lĩnh vực nông nghiệp.

Cụ thể, cho vay tạm trữ lúa gạo: tính đến nay dư nợ cho vay mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2012- 2013 đạt 7.612 tỷ đồng, tương đương thu mua tạm trữ 931.630 tấn quy gạo, và đạt 95% kế hoạch. Thủ tướng đã có quyết định yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay mua tạm trữ đợt tiếp theo.

Trong lĩnh vực thủy sản và chăn nuôi, doanh số cho vay của 5 ngân hàng thương mại nhà nước đạt 63.193 tỷ đồng. Trong đó, kết quả cho vay cá tra là 27.955 tỷ đồng, dư nợ đến 30/4/2013 là 37.549 tỷ đồng, tăng 7,8% so với 15/8/2012. Dư nợ cho vay nuôi tôm của 5 NHTM này trong 4 tháng đầu năm đạt 8.644 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay ngành này đến 30/4 là 14.856 tỷ đồng. Từ 15/8/2012 đến 30/4/2013, cho vay chế biến thịt lợn và gia cầm đạt 21.579 tỷ đồng. Đến 30/4, tổng dư nợ giảm còn 7.705 tỷ đồng.

“Chúng tôi đã đi thực tế nhiều địa phương, thấy rằng năng lực sản xuất nông nghiệp nước ta là rất lớn, song để hiệu quả thì đòi hỏi rất nhiều giải pháp liên thông. Nếu có những chương trình liên thông như vậy đồng vốn mới hiệu quả và thu hồi được vốn cao. Tương tự với cá tra, việc chế biến, tích trữ, xuất khẩu ra sao cũng cần có giải pháp tổng thể”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận định.

Tổng tư lệnh lĩnh vực ngân hàng cũng khẳng định, thời gian tới, 3 cơ quan là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, NHNN sẽ có nhiều giải pháp hỗ trợ hơn nữa lĩnh vực nông nghiệp, nghiệp nông thôn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư