Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 23 tháng 10 năm 2024,
Thống đốc Bình: Tỷ giá sẽ ổn định đến cuối năm
Như Tầm - 09/06/2014 06:10
 
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong 6 tháng qua, chúng ta chưa điều chỉnh tỷ giá, do vậy, trong xã hội cũng có kỳ vọng điều chỉnh. Đây có thể là nguyên nhân khiến giá USD trong mấy ngày đầu tuần có lúc lên kịch trần. Nhưng ông cũng cam kết, thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: 10 nghìn tỷ hỗ trợ ngư dân đã sẵn sàng
Thống đốc đã làm được gì cho nông nghiệp, nông thôn?
Thống đốc: Dự trữ ngoại hối đạt trên 35 tỷ USD
Bắt tay triển khai gói tín dụng khủng cho nông nghiệp

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói về biến động tỷ giá, vàng và gói tín dụng hỗ trợ ngư dân 10.000 tỷ đồng trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời ngày 8/6 trên VTV1.

Về việc thị trường vàng và ngoại hối biến động trong thời gian gần đây (giá USD có lúc lên kịch trần 21.246 đồng), liệu có nguyên nhân từ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Thống đốc Bình cho rằng, sự việc có ảnh hưởng phần nào tới tâm lý người dân và thị trường vàng, ngoại tệ. 

  thống đốc Nguyễn Văn Bình nói về tỷ giá  
  Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình  

Nhưng sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc nhanh chóng của Ngân hàng Nhà nước thì tâm lý đó của người dân nhanh chóng được khắc phục.

Thống đốc Bình cho hay, trên toàn hệ thống, tiền gửi bằng VNĐ liên tục tăng, tiền gửi bằng ngoại tệ không tăng, thậm chí tiếp tục giảm. Điều này chứng tỏ hệ thống ổn định, người dân tin tưởng vào đồng tiền quốc gia.

Về việc vừa qua, tỷ giá có lúc điều chỉnh tăng sát với trần của Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh một phần nhỏ tác động tâm lý như trên đã nói, theo Thống đốc Bình, chủ yếu là do kỳ vọng của xã hội vào việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Trong 6 tháng qua, chúng ta chưa điều chỉnh tỷ giá, do vậy, trong xã hội cũng có kỳ vọng điều chỉnh.

Tuy nhiên, qua phân tích cung cầu của thị trường và cục diện kinh tế vĩ mô thì hiện nay, quan hệ cung cầu vẫn được đảm bảo. Sáu tháng qua, tỷ trọng xuất siêu cao, cán cân thanh toán thặng dư lớn trên 10 tỷ USD và cung cầu ngoại tệ của thị trường là khá dồi dào.

"Chúng tôi cho rằng điều kiện khách quan để buộc phải điều chỉnh tỷ giá là chưa có. Tuy nhiên, để khuyến khích xuất khẩu nhằm giúp giá trị Việt Nam đồng không bị đánh giá quá cao, chúng tôi vẫn cam kết rằng, thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm, nếu có điều chỉnh thì Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh ở mức không quá 2%", Thống đốc Bình trả lời phóng viên.

Trước những kỳ vọng xen lẫn băn khoăn về gói tín dụng 10.000 tỷ đồng mà Chính phủ quyết định hỗ trợ ngư dân, rằng liệu sẽ hỗ trợ được ngư dân những gì, có lặp lại thất bại như gói tín dụng tương tự năm 2006, Thống đốc Bình thẳng thắn thừa nhận, chương trình hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ đến nay có thể nói là không thành công nếu nhìn ở góc độ tín dụng ngân hàng, bởi nợ xấu, nợ quá hạn, nợ cần phải khoanh chiếm một tỷ trọng rất lớn.

Tuy nhiên, đứng dưới góc độ kinh tế xã hội thì chương trình này cũng có những mặt tích cực to lớn của nó. Chính nhờ chương trình này mà hiện nay chúng ta có đội tàu tương đối lớn giúp cho ngư dân có thể vươn khơi ra những vùng biển xa đặc biệt ở Hoàng Sa và Trường Sa, không chỉ thực hiện bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của Đất nước mà còn nâng cao thêm năng lực đánh bắt xa bờ một cách đáng kể của ngư dân Việt Nam.

Từ đó khẳng định được tiềm năng đánh bắt xa bờ của đất nước và mở ra định hướng xa hơn nữa trong vấn đề đánh bắt xa bờ này.

"Đối với chương trình tín dụng sắp tới, chúng tôi đang lên kế hoạch để khắc phục được những mặt yếu kém của chương trình cũ và giúp đạt được định hướng tái cơ cấu lại ngành đánh bắt xa bờ của Việt Nam trong tổng thể tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam", Thống đốc Bình cho biết.

Ông Bình cũng cho hay, mặc dù gói tín dụng 10.000 tỷ sắp triển khai này chủ yếu nhằm giúp ngư dân có thể đóng tàu sắt to lớn hơn, vững chãi hơn để có thể vươn khơi bám biển dài ngày hơn và đánh bắt xa bờ được hiệu quả hơn, nhưng một phần trong đó vẫn hỗ trợ ngư dân trong việc hoán cải các con tàu hiện nay và sửa chữa nâng cấp các con tàu cũ.

Về việc ký giải ngân cho 4 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp với mức lãi suất tối đa chỉ từ 7% cho ngắn hạn và hơn 10% cho dài hạn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các Bộ, ngành địa phương các cấp đi khảo sát mô hình này trong toàn quốc.

Theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn 20-30 dự án trọng điểm để tiến hành chương trình này.

"Sau khi xem xét và thống nhất với các Bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước đã ký hợp tác này cho 4 dự án của tỉnh An Giang và từ nay đến giữa tháng 6 này sẽ ký tiếp 4 dự án nữa. Chúng tôi cho rằng toàn bộ chương trình thí điểm này sẽ được tiến hành thí điểm 1-2 năm và tổng kết rút kinh nghiệm trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện các mặt bằng pháp lý kể cả cơ chế tín dụng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, để thực hiện chương trình này thành công", ông Bình cho hay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư