Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 28 tháng 01 năm 2025,
Thu ngoài lãi tăng mạnh ở nhiều ngân hàng
Vân Linh - 27/01/2025 09:33
 
Các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh của năm 2024, với lợi nhuận khả quan nhờ tín dụng tăng và thu ngoài lãi tác động tích cực lên kết quả kinh doanh.

VietinBank ghi nhận lợi nhuận đạt và vượt kế hoạch đã được thông qua 2024. Đồng thời, dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng trưởng 16,88% so với năm 2023. Tuy con số lợi nhuận chưa được tiết lộ. Nhưng trước đó, đầu tháng 10/2024, VietinBank cũng đã chốt các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ là 26.300 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2023. Còn mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản từ 8-10%, tín dụng theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt theo từng thời kỳ, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%.

Tuy nhiên, không chỉ tín dụng tăng đóng góp tích cực vào lợi nhuận trong năm qua của Vietinbank mà khoản thu ngoài lãi cũng đóng góp gần 27% tổng thu nhập hoạt động với động lực chính từ các nghiệp vụ lõi bao gồm thu phí bảo lãnh, thanh toán... với tốc độ tăng trưởng phí bảo lãnh dẫn đầu toàn thị trường (đạt 35%). Quy mô tổng tài sản của VietinBank đến cuối năm 2024 tăng trưởng 17%; doanh thu tăng trưởng tích cực. Bên cạnh đó, tổng nguồn vốn huy động đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2023. Quy mô CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tăng đột phá 30% so với bình quân năm 2023. Tỷ trọng CASA đạt 24,1% vào cuối 2024.

Thu ngoài lãi tăng mạnh ở nhiều ngân hàng

Lợi nhuận BIDV cao thứ ba hệ thống, thu nhập ngoài lãi tăng hơn 88% trong quý IV/2024. Cụ thể, trong quý IV, BIDV ghi nhận lợi trước thuế đạt 9.336 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi và các hoạt động ngoài lãi tăng trưởng dương. BIDV là ngân hàng lãi cao thứ ba trong quý tính đến thời điểm hiện tại, xếp sau VietinBank và Vietcombank. Luỹ kế cả năm 2024, lợi nhuận trước thuế BIDV đạt 31.383 tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm trước

Xét về cơ cấu, thu nhập lãi thuần của BIDV tăng 5,2% so với cùng kỳ, lên 15.639 tỷ đồng, chủ yếu do tăng trưởng tín dụng cao gần 15,7% và chi phí lãi giảm gần 8% so với cùng kỳ năm trước, từ 22.627 tỷ đồng trong quý IV/2023 xuống còn 20.831 tỷ đồng. Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi tăng hơn 88,1%, động lực tăng trưởng đến từ hoạt động chứng khoán đầu tư tăng 64,6%, đem về 5.164 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh khác thu về khoản lãi 1.949 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 685 tỷ đồng. Ngoài ra, mảng dịch vụ và góp vốn, mua cổ phần cũng ghi nhận kết quả tích cực khi tăng trưởng hai chữ số, ghi nhận tăng lần lượt 21,8% và 92,6%, đóng góp 1.967 tỷ đồng và 145 tỷ đồng. Đặc biệt, chứng khoán kinh doanh đem về khoản lãi 104 tỷ đồng, gấp 8,6 lần so với cùng kỳ 2023…

Kết thúc năm 2024, MSB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt trên 6.903 tỷ đồng, tăng 18,42% so với năm 2023, hoàn thành kế hoạch cam kết với cổ đông. Ngân hàng cũng duy trì tăng trưởng tín dụng phù hợp với điều kiện thị trường, đạt mục tiêu kinh doanh đồng thời tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tài sản.

Kết quả kinh doanh năm 2024 của MSB ghi nhận sự tăng trưởng ổn định, như định hướng đưa ra từ đầu năm dựa trên phân tích bối cảnh chung của nền kinh tế. Tổng thu nhập hoạt động (TOI) hợp nhất đạt 14.218 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng hơn 11,5% so với năm trước, đạt trên 10.200 tỷ đồng (tăng trưởng tín dụng của riêng ngân hàng mẹ là 18,25%). Cùng với đó, thu nhập ngoài lãi chiếm gần 28% TOI, cao hơn mức 25% của năm trước, giữ vững tỷ lệ cấu phần trong tổng thu nhập hoạt động.

Lãi thuần từ dịch vụ tăng 42%, đạt gần 909 tỷ đồng, nhờ phát triển dịch vụ số hóa và tiện ích thanh toán. Ngoài ra, TPBank cũng đẩy mạnh phát triển dịch vụ số, từ cho vay, bảo hiểm đến thanh toán, đóng góp lớn doanh thu từ phí. Mảng thu nhập từ chứng khoán đầu tư thu được khoản lãi gần 724 tỷ đồng, gấp 23 lần cùng kỳ.

Kết thúc năm 2024, LPBank công bố lợi nhuận trước thuế đạt 12.168 tỷ đồng, hoàn thành 116% kế hoạch lợi nhuận năm. Lợi nhuận của LPBank tăng trưởng tốt còn nhờ đẩy mạnh việc đa dạng hóa nguồn thu, nổi bật là doanh thu từ thu phí dịch vụ đóng góp hơn 16% tổng thu nhập, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm mạnh xuống còn 29%; tập trung phân khúc bán lẻ - nơi được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng cao và rủi ro thấp hơn. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25,1%, cho thấy khả năng sinh lời vượt trội cũng như hiệu quả sử dụng vốn.

Thế nhưng, chiều ngược lại trong năm qua cũng có một vài nhà băng quy mô giảm nguồn thu ngoài lãi. Chẳng hạn Vietcombank, tuy luỹ kế cả năm, ngân hàng vẫn lãi trước thuế hơn 42.200 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm trước và hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của cả năm. Tuy nhiên, mảng thu nhập ngoài lãi của ngân hàng giảm mạnh trong năm, do thu nhập từ dịch vụ giảm hơn 50% trong quý IV và lũy kế cả năm qua giảm gần 12%. Nhưng nhờ cắt giảm chi phí dự phòng nên lợi nhuận của Vietcombank vẫn tăng trưởng dương. Với kết quả lợi nhuận này Vietcombank đang tiếp tục dẫn đầu toàn ngành, bỏ xa các đối thủ còn lại.

Tại Techcombank, các hoạt động kinh doanh ngoài lãi cũng không đạt kết quả khả quan trong quý IV/2024, với mức giảm 72,1%, chủ yếu do lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 41,4%, còn 1.463 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh ngoại hối và hoạt động kinh doanh khác lỗ lần lượt 424 tỷ đồng và 338 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ lãi 313 tỷ đồng và 309 tỷ đồng. Nhưng tính chung cả năm, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của Techcombank chỉ giảm 7,7%, ghi nhận trên 8.000 tỷ đồng.

Bước sang năm 2025, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN đặt ra ở mức 16%, cao hơn 1% so năm rồi và giới phân tích tài chính dự báo, tín dụng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 15-16% năm nay. Một khi tín dụng tăng trưởng cũng mở ra cơ hội cho các ngân hàng trong việc gia tăng nguồn thu ngoài lãi từ phí, dịch vụ.

PGS TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế -tài chính cũng cho rằng, thu ngoài lãi được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng duy trì lợi nhuận của ngân hàng, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) đang ngày càng mỏng. Vì thế, việc các nhà băng tích cực đẩy mạnh tăng thu ngoài lãi, hướng thu nhập bền vững hơn, giảm phụ thuộc vào nguồn thu tín dụng sẽ là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, theo PSG TS Thịnh, để thúc đẩy nguồn thu ngoài lãi bền vững, cần tiếp tục tạo hành lang pháp lý thông thoáng để các ngân hàng thúc đẩy mở rộng nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại, nhất là dịch vụ ngân hàng số…

Lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng ra sao trong năm 2025
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2025 được Ngân hàng Nhà nước đặt ra ở mức 16% và dự báo cầu sẽ cải hiện khi thị trường bất động sản dự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư