Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thu nhập người dân sa sút, cần nâng mức giảm trừ gia cảnh
Mạnh Bôn - 13/08/2022 08:18
 
Sau thời gian tạm lắng, giờ đây, câu chuyện giảm thuế thu nhập cá nhân, nâng mức giảm trừ gia cảnh lại thu hút sự quan tâm của người lao động cùng đông đảo dư luận.

Việc giảm thuế thu nhập cá nhân, nâng mức giảm trừ gia cảnh nhằm giảm nghĩa vụ đóng góp, hỗ trợ người dân giảm bớt khó khăn qua hơn 2 năm chống chọi với Covid-19 là hoàn toàn chính đáng, nhất là trong giai đoạn thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Tài chính đang rơi vào thế khó, bởi quyết định sửa đổi hoặc bãi bỏ các khoản thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Vì vậy, cơ  quan này vẫn chưa có quan điểm chính thức, chỉ mới dừng ở mức “ghi nhận ý kiến đóng góp, phản ánh của người dân, dư luận xã hội để tiếp tục nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền khi sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân”.

Việc Bộ Tài chính “ghi nhận ý kiến và tiếp tục nghiên cứu” cũng có lý do là sau khi nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng đối với người nộp thuế và 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc, thì kể từ năm 2020, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có một người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) chưa phải nộp thuế.

Trường hợp cá nhân có thu nhập cao hơn, nhưng dưới 100 triệu đồng/tháng, thì số thuế phải nộp cũng chưa đến 20% thu nhập.

Một lý do nữa khiến Bộ Tài chính vẫn chỉ “ghi nhận ý kiến đóng góp” là sau khi nâng mức giảm trừ gia cảnh, mỗi năm ngân sách nhà nước hụt thu trên 10.300 tỷ đồng. Trong khi đó, để thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, ngân khố quốc gia đã phải chi hàng trăm ngàn tỷ đồng thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí; hỗ trợ trực tiếp cho người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và phải tiếp tục chi hàng chục ngàn tỷ đồng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, khắc phục hậu quả của đại dịch. Do vậy, nếu tiếp tục giảm thuế thu nhập cá nhân, thì Nhà nước chưa biết trông chờ vào nguồn thu nào.

Về lý thuyết, những lý do nêu trên là khá hợp lý, nhưng với những người đóng thuế thu nhập cá nhân hàng ngày phải vật lộn với cơm-áo-gạo-tiền và hàng ngàn khoản chi không thể đừng, thì chưa hẳn đã thuyết phục.

Thứ nhất, đúng là kể từ khi nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng, đến nay Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) mới tăng 8,85%, tức chưa đến ngưỡng 20% thì mới phải nâng mức giảm trừ gia cảnh theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Song do đây là CPI được Tổng cục Thống kê tính toán dựa vào 752 loại hàng hóa, dịch vụ, trong đó, khoảng 20 loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chiếm đa phần chi tiêu của đại bộ phận người dân có mức tăng cao hơn CPI do Tổng cục Thống kê vừa mới công bố rất nhiều, nên chất lượng cuộc sống của người dân chắc chắn giảm xuống. Như vậy, việc giữ nguyên mức giảm trừ gia cảnh là chưa hợp lý.

Thứ hai, sau 2 năm “sống chung với đại dịch”, thu nhập của phần lớn người dân bị giảm so với năm 2019. Trong 7 tháng đầu năm nay, nền kinh tế trở lại bình thường, thu nhập của người dân dù được cải thiện so với cùng kỳ năm 2020, nhưng vẫn còn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. Sau khi trừ lạm phát, thu nhập thực tế còn giảm sâu hơn, do đó, việc duy trì mức giảm trừ gia cảnh và mức thuế thu nhập cá nhân phải nộp là chưa hợp đạo lý.

Bên cạnh đó, chuẩn nghèo được chia theo vùng, lương tối thiểu cũng được chia làm 4 vùng, lương tối thiểu ở đô thị cao hơn khu vực ít thuận lợi hơn, trong khi mức giảm trừ gia cảnh “cào bằng” cũng là điều không phù hợp với thực tế.

Sau 12 năm ra khỏi danh sách các nước nghèo, Việt Nam vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp, nhưng hiện có khoảng 7/50,5 triệu lao động có việc làm phải nộp thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công (tức cứ 100 người có việc làm, thì có 14 người phải nộp thuế thu nhập cá nhân). Đây là tỷ lệ không hề thấp so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế.

Do không giảm thuế suất, không nâng mức giảm trừ gia cảnh, nên số thu ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập cá nhân liên tục tăng, cho dù hoạt động sản xuất, kinh doanh đình đốn, thu nhập của người lao động bị giảm. Với một nước mà người dân có thu nhập trung bình thấp, nhưng hiện tại, sắc thuế này đóng góp 8,14% tổng số thu ngân sách nhà nước (cao gấp 2,86 lần số thu từ dầu thô) thì đó là điều chưa hẳn đã hợp lý.

Đúng là so với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt so với những nền kinh tế phát triển, thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam chưa cao, nhưng chế độ phúc lợi xã hội ở những quốc gia đó cao hơn hẳn so với Việt Nam. Cũng tại những quốc gia đó, người nộp thuế được trừ tất cả các khoản chi phí tạo ra thu nhập để nộp thuế, bao gồm tiền thuê nhà, tiền vay ngân hàng mua nhà trả góp, tiền mua ô tô trả góp…

Người dân chấp nhận đóng thuế thu nhập cá nhân cao nếu những điều kiện tối thiểu kể trên được bảo đảm. Ngược lại, các cơ quan chức năng nên sớm xem xét, kiến nghị giảm thuế thu nhập, tăng mức giảm trừ gia cảnh. Điều này không chỉ tạo điều kiện cải thiện mức sống người dân, mà còn góp phần kích cầu tiêu dùng - một trong 3 “cỗ xe tam mã” giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân: Chọn phương án có lợi cho dân
Hai phương án điều chỉnh giảm số lượng bậc thuế thu nhập cá nhân (TNCN) lũy tiến từ 7 bậc hiện nay xuống còn 5 bậc, đồng thời điều chỉnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư