Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: Việt Nam sẵn sàng hơn 7 triệu tấn gạo để chớp “thời cơ vàng”
Nhung Bùi - 04/08/2023 12:55
 
Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận cơ hội và nâng cao giá trị hạt gạo Việt, trong bối cảnh thị trường gạo thế giới chứng kiến nhiều biến động.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) Hoàng Trung mới đây đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện về cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung. Ảnh: Quỳnh Chi.

Theo ông Trung, thời gian qua đã có nhiều biến động liên quan đến việc điều chỉnh chính sách của một số nước xuất khẩu lúa gạo, như Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc; UAE, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.

Từ thực tế đó, Bộ NN&PTNT đã có những cân nhắc, đánh giá nguyên nhân các nước điều chỉnh chính sách. Thứ trưởng Hoàng Trung cho rằng, nguyên nhân do nội tại của các quốc này, cần có sự điều chính để khống chế giá cả trong nước. Một số nước chịu ảnh hưởng bởi El Nino, khiến sản xuất khó khăn, năng suất giảm nên việc điều chỉnh là “rất bình thường”. Tuy nhiên, những điều chỉnh như vậy sẽ có tác động đến thị trường gạo thế giới.

Đại diện Bộ NN&PTNT khẳng định,  phía Bộ đã nắm chắc tình hình thị trường cũng như sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Thông tin tích cực là đến thời điểm này tổng diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng 43 - 43,5 triệu tấn, đạt được sản lượng theo kế hoạch, cân đối tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Cụ thể, tiêu thụ trong nước khoảng 30 triệu tấn, trong đó 15 triệu tấn phục vụ 100 triệu dân, 9,5 triệu tấn dành để chế biến, 1 triệu tấn làm giống, 2,5 triệu tấn dự trữ quốc gia.

“Sau khi cân đối như vậy thì yên tâm vẫn còn 14 - 15 triệu tấn lúa, tức 7 – 7,5 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu”, Thứ trưởng Hoàng Trung khẳng định.

“Từ sản lượng, cách thức sản xuất như vậy, chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm ngoài đảm bảo đủ sản lượng phục vụ nhu cầu trong nước vẫn có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu gạo, tận dụng cơ hội của thị trường”.

Với tình hình mới như hiện nay, đại diện Bộ NN&PTNT nhận định các doanh nghiệp trong nước sẽ có nhiều lợi thế trong thương thảo, ký hợp đồng xuất khẩu gạo với giá có lợi nhất.

“Có thông tin các đối tác tìm đến ký hợp đồng, giá đều tăng lên 30 – 40 USD/tấn. Nông dân cũng có cơ hội nâng cao thu nhập nhờ giá lúa tăng thêm. Đồng thời, Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần gạo ở thị trường truyền thống và những thị trường mới, tạo tiền đề tốt cho những vụ tiếp theo và những năm tới”, Thứ trưởng Hoàng Trung chia sẻ.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cũng nói rằng, những biến động phức tạp trên thị trường thế giới là cơ hội tốt cho các nước xuất khẩu gạo nói chung và Việt Nam nói riêng, để có thể bán được gạo với giá cao hơn. Hơn thế nữa Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để trở thành điểm cung ứng gạo bền vững cho thị trường lương thực thế giới. 

Với các hợp đồng đã ký từ trước, giai đoạn này giá gạo xuất khẩu biến động nhanh, nhưng ông Thuận chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đầu tư-baodautu.vn rằng, Lộc Trời không bị ảnh hưởng vì có lượng hàng tồn kho đủ lớn. Ngoài ra, Lộc Trời luôn chủ động ký hợp đồng trước, sau đó đặt nông dân canh tác nên phía doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí sản lượng, chất lượng, hiệu quả, không bị ảnh hưởng đến cam kết ký với tác từ trước cũng như hiện nay.

CEO Lộc Trời đánh giá việc sở hữu chuỗi giá trị hoàn thiện từ nghiên cứu tới xuất khẩu gạo, cộng thêm tình hình xuất khẩu kỳ vọng tiếp tục thuận lợi trong nửa cuối năm 2023, sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh, gia tăng biên lợi nhuận và sức mạnh tài chính.

“Lộc Trời luôn chuẩn bị cho các trường hợp biến động của thị trường và có đủ lượng hàng trong kho để sẵn sàng cho các đơn hàng đã ký kết.”, ông Thuận nhấn mạnh.

Tới thời điểm này, lượng hàng trong kho của Lộc Trời là 200.000 tấn gạo, Công ty đã có những hợp đồng mới để sẵn sàng xuất khẩu từ bây giờ đến giữa tháng 11/2023. Lúa Hè Thu và Thu Đông trong vùng nguyên liệu Lộc Trời đã gia công, hợp tác với bà con nông dân để canh tác và sẵn sàng để thu hoạch.

Hiện tại, ông Thuận cho biết, Công ty đang thu về 50-70 tỷ đồng tiền lúa mỗi ngày và lượng lúa này tiếp tục về đều đặn trong suốt vụ Thụ Đông đến giữa tháng 11/2023.

Bộ trưởng Công thương: Tăng xuất nhưng phải giữ thương hiệu gạo Việt, vất vả lắm mới có được
Với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư