Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Thứ trưởng Bộ Tài chính: "Ngân sách nhà nước không hỗ trợ các chuyến bay giải cứu"
Nguyễn Lê - 11/04/2023 15:04
 
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét kết quả thực hiện giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid.
.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng báo cáo tại phiên họp.

"Chúng tôi khẳng định là ngân sách nhà nước không hỗ trợ cho các chuyến bay giải cứu trong thời gian vừa qua", Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng khẳng định trong buổi họp sáng 11/4 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Nội dung được thảo luận tại đây là kết quả thực hiện giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Phát biểu gợi ý thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập, thời gian qua đã có 2 sai phạm rất lớn trong lĩnh vực được giám sát là chuyến bay giải cứu và kit test Việt Á.

"Huy động nguồn lực là kể cả những việc đó, chuyến bay giải cứu cũng là huy động nguồn lực, cũng là phòng, chống dịch chứ không phải là ngoài phạm vi của cuộc giám sát này đâu, nhưng báo cáo không nhắc gì đến 2 việc này cả", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Sau đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến, huy động nguồn lực thì gồm cả những chuyến bay giải cứu có gói combo và trong 1.000 chuyến bay có cả tiền ngân sách hỗ trợ.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Võ Thành Hưng khẳng định ngân sách nhà nước không hỗ trợ cho các chuyến bay giải cứu trong thời gian vừa qua.

Ông Hưng cũng hồi âm một số vấn đề được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, như xác lập tài sản sở hữu toàn dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đa phần các tài sản chưa được xác lập sở hữu toàn dân là do thiếu các thủ tục, giấy tờ chứng minh, thiếu hóa đơn, chưa xác định giá trong các tài sản đó, ông Hưng giải thích.

Cụ thể hơn, Thứ trưởng cho biết, trong thời điểm đó một số doanh nghiệp, người dân có đóng góp tài sản nhưng thủ tục, giấy tờ sau này chưa được hoàn thiện, vì vậy cũng có vướng mắc. Ngoài ra còn có trường hợp cho mượn, cho thuê hoặc cho sử dụng trước hóa chất, vật tư y tế, nhưng đến thời điểm hiện tại thì không có hợp đồng cho thuê, cho mượn, hoặc là doanh nghiệp, tổ chức đó cũng không có nhu cầu nhận lại tài sản đó bằng hiện vật mà muốn nhận lại bằng tiền. Nhưng bây giờ nhận lại bằng tiền thì tính bằng giá nào cũng đang vướng mắc.

"Chúng tôi cũng sẽ phối hợp cùng với Bộ Y tế cùng với Đoàn giám sát để tiếp tục tham mưu với các cơ quan có liên quan để xử lý vấn đề này", ông Hưng thông tin.

Về tổng thể nguồn lực, Thứ trưởng Hưng khẳng định, việc nắm bắt vẫn chưa đầy đủ, đặc biệt là các nguồn lực huy động từ người dân, doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cho công tác phòng, chống dịch. Rất nhiều hỗ trợ từ cộng đồng xã hội dưới dạng hàng hóa, dưới dạng đóng góp công sức cũng chưa hạch toán đầy đủ.

"Một phần trong số đó có hạch toán hàng hóa rồi, nhưng thủ tục hoặc giấy tờ chứng minh hàng hóa để làm thủ tục xác lập sở hữu toàn dân và hạch toán kế toán vào nguồn lực huy động là chưa đầy đủ, ngoài ra chế độ báo cáo của các địa phương cũng còn hạn chế", ông Hưng báo cáo.

Phát biểu tiếp sau, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, liên quan đến nguồn lực thì có rất nhiều cơ chế. Ví dụ như trong Nghị quyết 80 đã nêu rõ là Quốc hội cho phép thực hiện các hình thức tạm ứng, vay mượn, huy động, tiếp nhận và tài trợ phải có hướng dẫn, Đoàn giám sát đã đi xuống thực tế tại các địa phương thì đây là một nội dung còn vướng.

"Về phía Bộ Y tế, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát, đánh giá lại thực trạng đối với tất cả các địa phương số lượng là bao nhiêu, vướng ở vấn đề gì và có cần thiết phải báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay Quốc hội hay không hay là thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Chúng tôi nghĩ là nên có những báo cáo chuyên đề, nếu cần thiết thì sẽ báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở một kỳ khác", bà Lan phát biểu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư