Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thứ trưởng Bộ Tài chính: Thu ngân sách có dấu hiệu bắt đầu sụt giảm
Nguyễn Lê - 30/09/2022 15:02
 
Ngân sách năm 2022 dự kiến giảm thu khoảng 98.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần mức giảm năm 2021 (24.000 tỷ đồng),
.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng.

Thu ngân sách từ tháng 9/2022 có dấu hiệu bắt đầu sụt giảm, các địa phương cũng đều phản ánh khó khăn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết tại phiên thẩm tra về tình hình kinh tế, xã hội của Ủy ban Kinh tế, sáng 30/9.

Nhận định thu ngân sách là một trong điểm sáng trong 9 tháng đầu năm, ông Hưng cho biết kết quả đã đạt 94% dự toán, tăng 22% cùng kỳ. Thu nội địa đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8% cùng kỳ. Thu dầu thô đạt 60.000 tỷ đồng, gấp đôi dự toán năm.

Ông Hưng giải thích, thu từ dầu thô tăng vọt chủ yếu nhờ giá, khi dự toán đưa ra giá dầu là 60 USD/thùng, nhưng thực tế xuất bán được 107 USD/thùng. Sản lượng khai thác dầu 9 tháng cũng đạt cao hơn dự kiến, đạt gần 92% kế hoạch.

61/63 địa phương đã thu đạt yêu cầu dự toán. 9 tháng đầu năm đã gia hạn gần 160.000 tỷ đồng, trong đó miễn giảm thuế phí là 60.000 tỷ đồng, còn gia hạn thuế là 98.000 tỷ đồng, Thứ trưởng thông tin thêm.

Tuy nhiên, trong những điểm sáng, ông Hưng nhìn nhận, vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Trước tiên, thu ngân sách đang có xu hướng giảm. Thu thuế tháng 9 là 94.000 tỷ đồng, tương đương 6,7% dự toán. Trong khi đó, bình quân 7 tháng thu 11,4% dự toán/tháng.

Nhìn vào từng khu vực kinh tế, thì thu từ kinh tế nhà nước, ngoài quốc doanh tăng trưởng khá, nhưng thu từ khu vực FDI tăng thấp, đạt 77% dự toán, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Điều này phản ánh khu vực FDI phụ thuộc nhiều thị trường thế giới, ông Hưng nhấn mạnh.

Với từng sắc thuế, lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin, thuế thu nhập doanh nghiệp (chiếm 39% tổng thu thuế, phí) đến nay đạt 83,6% dự toán, tăng 7,1% cùng kỳ. Thuế VAT đạt 75,7% dự toán, và tăng 13,8% cùng kỳ.

Ông Hưng cũng phân tích, các sắc thuế nói chung bình quân 5 tháng đầu năm thu 38.600 tỷ đồng, nhưng từ tháng 6 trở lại đây so với bình quân 5 tháng, có dấu hiệu giảm. Cụ thể, tháng 6 thu chỉ bằng 83,59% bình quân 5 tháng; tháng 7 khoảng 80,8%; tháng 8 là 74% và tháng 9 bằng 64,5% bình quân 5 tháng.

Xu hướng thu thuế giảm, theo ông Hưng, thể hiện các chi phí đầu vào (nguyên vật liệu, vốn vay) của doanh nghiệp tăng cao; thị trường đang thu hẹp dù kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp giảm đơn hàng. Cùng đó khoản lỗ luỹ kế của doanh nghiệp từ 2020-2021 chuyển sang, cũng ảnh hưởng.

Vẫn theo Thứ trưởng, nhìn vào từng lĩnh vực như bất động sản, thép, gỗ, xi măng, may mặc… đều có khó khăn. Chẳng hạn, với ngành gỗ, thống kê của cơ quan thuế thì 73% doanh nghiệp có đơn hàng giảm, thậm chí có doanh nghiệp bị giảm 30-90% đơn hàng. Hay ngành may mặc, hiện nhiều hoạt động cầm chừng chỉ đạt 50-70% công suất. Ngành thép cũng tương tự, khi quý III giảm 13 lần so với đầu năm khiến doanh nghiệp thép rất khó khăn. Lắp ráp ô tô chỉ bằng 68% so với cùng kỳ.

“Trong những điểm sáng có những điểm hết sức khó khăn. Kết quả tới nay tích cực, nhưng chặng đường phía trước còn nhiều gian nan”, ông Hưng nhận xét.

Hồi âm băn khoăn của một số đại biểu là thu ngân sách vượt 3% dự toán đã sát chưa?, ông Hưng giải thích, thu ngân sách từ tháng 9 có dấu hiệu bắt đầu sụt giảm, các địa phương cũng đều phản ánh khó khăn. Hai là, tác động chính sách, khi làm gói phục hồi kinh tế thì tính các chính sách tác động làm giảm thu ngân sách khoảng 64.000 tỷ đồng, nhưng chưa gồm khoản giảm thu từ giảm thuế với xăng dầu.

Nếu cộng khoản này, ngân sách năm nay dự kiến giảm thu khoảng 98.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần mức giảm năm 2021 (24.000 tỷ đồng), ông Hưng giải thích.

Đề cập diễn biến của thị trường chứng khoán, một trong các nỗi lo của các đại biểu về bức tranh kinh tế năm nay, ông Hưng nói tháng 9 có nhiều phiên giảm điểm, giảm 9% so với cuối tháng 8 và giảm hơn 22% so với 2021. Điều này cũng phù hợp diễn biến thị trường các nước trên thế giới.

Trước ý kiến quan ngại về việc quỹ ngoại gần đây bán ra liên tục, ông Hưng nói, theo dõi 9 tháng đầu năm vốn ngoại đang bán ròng khoảng 800 tỷ đồng, so với danh mục các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ khoảng 47 - 48 tỷ USD thì không đáng kể. Quan trọng hơn, họ bán ròng nhưng không rút tiền ra khỏi Việt Nam.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi biến động thị trường hiện nay để có chỉ đạo, điều hành kịp thời, Thứ trưởng Hưng cho biết. 

Dự kiến 3 phương án tăng trưởng: Năm 2023, GDP tăng 6,5 - 7% là khả thi
Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt khoảng 7-7,5%, dự báo tăng trưởng năm 2023 đạt khoảng 6,5-7%, CPI bình quân tăng không quá 4,5%, theo Bộ Kế hoạch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư