Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải: Quản lý ngoại thương không có lợi ích nhóm
Mạnh Bôn - 14/07/2017 08:19
 
Bình luận về Luật Quản lý ngoại thương sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018, Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải khẳng định, sẽ không có lợi ích nhóm, độc quyền trong quản lý hoạt động xuất - nhập khẩu (XNK).

Luật Quản lý ngoại thương trao cho Bộ Công thương rất nhiều quyền hạn. Thưa ông, điều này liệu có dẫn tới lợi ích nhóm?

Nguyên tắc quản lý nhà nước về ngoại thương là bảo đảm minh bạch, công khai, bình đẳng, đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế.

Mục tiêu mà Luật hướng đến là tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh XNK và tham gia tích cực vào hội nhập kinh tế quốc tế, qua đó thúc đẩy sản xuất trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế. Với những nguyên tắc và mục tiêu rất rõ ràng này, tôi bảo đảm không có sự độc quyền hay lợi ích nhóm trong quản lý hoạt động XNK.

Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải

Khi thảo luận Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương, các đại biểu Quốc hội đã mổ xẻ, phân tích rất kỹ từng điều khoản, trong đó có quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Công thương, nên chắc chắn không để phát sinh lợi ích nhóm với bất cứ cơ quan, tổ chức nào trong quản lý hoạt động XNK. 

Vấn đề là văn bản hướng dẫn, có không ít văn bản quy phạm pháp luật được “cài cắm” nhằm làm tăng quyền hạn của cơ quan quản lý trực tiếp xây dựng, ban hành?

Để đưa Luật Quản lý ngoại thương vào cuộc sống, từ nay đến ngày 31/12/2017, Chính phủ phải ban hành 5 nghị định hướng dẫn. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng 5 nghị định này. Trong quá trình xây dựng nghị định, chúng tôi không chỉ lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, mà còn xin ý kiến đóng góp của hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, của tất cả các đối tượng có liên quan, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp, vì vậy, không thể có lợi ích nhóm hay độc quyền trong quản lý nhà nước về ngoại thương.

Các thông tư hướng dẫn nghị định cho dù Bộ Công thương hay bộ, ngành nào xây dựng cũng không thể quy định bất cứ điều khoản nào vượt quá quy định của Luật Quản lý ngoại thương và nghị định của Chính phủ. Vì vậy vấn đề lợi ích nhóm hay quy định tăng quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản hướng dẫn chắc chắn sẽ không xảy ra.

Nhưng có thực tế là Luật Quản lý ngoại thương quy định nhiều loại giấy phép cũng như điều kiện kinh doanh. Thưa ông, giấy phép, điều kiện kinh doanh có phải là sự độc quyền của cơ quan quản lý nhà nước “ban phát” cho doanh nghiệp?

Giấy phép XNK, điều kiện XNK hay giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được quy định trong Luật Quản lý ngoại thương là các loại giấy phép, điều kiện, giấy chứng nhận hiện đang có và được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Luật Quản lý ngoại thương không quy định thêm bất cứ loại giấy phép, điều kiện, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nào ngoài các giấy, điều kiện hiện hành. 

Từ trước đến nay, muốn có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, doanh nghiệp phải “xin” cơ quan quản lý nhà nước cấp cho, nhưng khi Luật Quản lý ngoại thương có hiệu lực, doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). 

Một trong 3 nguyên tắc của quản lý ngoại thương là đơn giản hóa thủ tục hành chính; thúc đẩy sản xuất trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp than phiền tình trạng các bộ, ngành kiểm tra hàng hóa XNK chuyên ngành quá nhiều?

Không chỉ ở Việt Nam, mà nước nào cũng áp dụng các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng hàng hóa; bảo vệ sức khỏe con người; bảo vệ động thực vật, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học; phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và bảo đảm đảm an ninh quốc gia.

Tại Việt Nam, việc áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch phải bảo đảm công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử và tránh tạo ra rào cản không cần thiết đối với hoạt động ngoại thương. Nhằm giảm tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành hàng hóa nhập khẩu từ 30-35% xuống còn 15% và xuống dưới 10% theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2016, các bộ, ngành (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và Tổng cục Hải quan) đã áp dụng phương pháp quản lý rủi ro.

Bản thân Bộ Công thương, tháng 10/2016 cũng đã bãi bỏ quy định về kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may và đầu năm 2017 bỏ quy định buộc doanh nghiệp phải dán nhãn cho các thiết bị, sản phẩm sử dụng năng lượng thay bằng việc cho phép doanh nghiệp tự công bố mức hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng trên phương tiện, thiết bị sản xuất, nhập khẩu.

Luật Quản lý ngoại thương không chỉ thúc đẩy hoạt động XNK mà còn bảo vệ sản xuất trong nước. Ông có biết tình trạng người dân ở một số nơi đang bán cho thương nhân nước ngoài những thứ như rễ hồi, móng trâu… hay không?

Thương nhân nước ngoài không chỉ mua rễ hồi, móng trâu..., mà còn tranh mua nông, thủy, hải sản thông qua đại lý là người địa phương.

Thương nhân nước ngoài sang Việt Nam dưới dạng du lịch, nhưng lại thu mua các sản phẩm trên tức là đã vi phạm pháp luật Việt Nam, phải xử lý theo các quy định pháp luật khác, chứ không xử lý theo Luật Quản lý ngoại thương. Tôi cho rằng, để xử lý vấn đề này, chính quyền địa phương phải vào cuộc cùng với công an, quản lý thị trường, hải quan… Bên cạnh đó, phải tăng cường tuyên truyền cho người dân.

Bộ Công thương lên tiếng về hoạt động kiểm tra kho nhôm tại Vũng Tàu
Bộ Công Thương cho rằng, việc kiểm tra là hoạt động chuyên môn bình thường trong công tác quản lý xuất nhập khẩu nhằm đảm bảo quan hệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư