Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thu từ đất tăng cao trong thu ngân sách, Quảng Ninh tìm cách cân đối các nguồn
Thu Lê - 30/06/2022 19:02
 
Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu thu ngân sách nhà nước không thấp hơn 52.600 tỷ đồng, nhưng thu từ tiền sử dụng đất chỉ chiếm 19% tổng thu nội địa.

Không khuyến khích tăng thu từ đất

Theo dự toán, thu ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Ninh về tiền sử dụng đất năm 2022 là 8.000 tỷ đồng, chiếm 19% tổng thu nội địa; tổng dự toán các địa phương phấn đấu thu 9.743 tỷ đồng. 

Trong 6 tháng đầu năm, thu tiền đất đã ước đạt 4.458 tỷ đồng, bằng 56% dự toán tỉnh giao, bằng 183% cùng kỳ. Một số địa phương hiện đã vượt dự toán tỉnh giao cả năm về chỉ tiêu thu tiền đất.

Trong đó, thu từ tiền đất tái định cư chiếm 8%; thu qua công tác quản lý nhà nước về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 13%; thu đấu giá đất xen kẹp chiếm 15%; thu từ đấu giá, đấu thầu dự án chiếm 65%.

Quảng Ninh không khuyến khích tăng thu ngân sách từ thu tiền sử ung đất.
Quảng Ninh không khuyến khích tăng thu ngân sách từ thu tiền sử ung đất. Ảnh minh họa.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng, tỷ trọng số thu tiền đất có xu hướng ngày càng cao trong thu nội địa của tỉnh. Đặc biệt, các địa phương đều lập dự toán phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước, nhưng tập trung tăng từ tiền đất, tỷ lệ tăng thu từ thuế, phí chưa được địa phương quan tâm đúng mức.

Chỉ đạo về công tác thu ngân sách của tỉnh, ông Khắng yêu cầu: Các địa phương có văn bản chốt số thu tiền sử dụng đất, trong đó đảm bảo chi tiết kế hoạch thu, từng khoản thu của từng dự án trong 6 tháng cuối năm chuyển Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Ngoài việc giải quyết các khoản thu từ cấp quyền sử dụng đất, đất tái định cư ổn định đời sống nhân dân trong diện giải phóng mặt bằng, không khuyến khích tăng thu tiền sử dụng đất, đặc biệt là các dự án kinh doanh hạ tầng đô thị, đấu giá quỹ đất xen kẹp theo đúng nguyên tắc dự toán của HĐND tỉnh giao đầu năm 2022.

Tăng thu từ ngành than và điện

Năm 2022, kế hoạch thu ngân sách từ ngành than và điện dự kiến gần 18.000 tỷ đồng, chiếm hơn 34,2% trong tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Ninh.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 7 nhà máy điện than đang vận hành với tổng công suất 5.640 MW. Hằng năm, các nhà máy này đã phát lên hệ thống lưới điện quốc gia từ 35-38 tỷ kWh điện, đóng góp cho NSNN gần 2.000 tỷ đồng và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển đất nước.

Năm 2022, Bộ Công thương giao kế hoạch cho 7 nhà máy này phát lên hệ thống lưới điện quốc gia gần 37,4 tỷ kWh điện. Để đảm bảo đóng góp trên 2.000 tỷ đồng vào thu ngân sách, tỉnh đã giao kế hoạch trên 38 tỷ kWh điện.

Tuy nhiên, theo tính toán của các nhà máy điện, đến hết năm 2022, chỉ có thể phát lên hệ thống lưới điện quốc gia đạt gần 36,1 tỷ kWh điện. Điều này có nghĩa là, các nhà máy sẽ hụt hơn 1 tỷ kWh điện so với chỉ tiêu của Bộ Công Thương giao và gần 2 tỷ kWh điện so với chỉ tiêu tỉnh giao.

Theo tính toán của Cục Thuế tỉnh, nếu các nhà máy chỉ phát gần 36,1 tỷ kWh, thì Quảng Ninh sẽ bị hụt thu khoảng 100 tỷ đồng trong năm 2022.

Để khắc phục và tăng thu, theo bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công thương, các nhà máy điện phải giảm thiểu các sự cố và giảm suất hao nhiệt, chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu than cho sản xuất, không bị thiếu hụt. Đồng thời ,cần tăng cường công tác quản trị, triển khai thực hiện sớm công tác đầu tư xây dựng, tập trung áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để đạt hiệu quả cao.

Sản xuất than tại lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 600.000 tấn.năm Công ty Than Khe Chàm. Ảnh: Phạm Tăng
Sản xuất than tại lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 600.000 tấn/năm Công ty Than Khe Chàm. Ảnh: Phạm Tăng.

Đối với ngành than, theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc, trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị thành viên đã tập trung nguồn lực đẩy mạnh sản xuất, chế biến than, quản trị tiết kiệm chi phí.

Đặc biệt, cả hai đơn vị đều đã chuẩn bị đủ nguồn hàng để đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu thụ cho các khách hàng theo hợp đồng đã ký. Theo đó, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và nộp ngân sách đều đạt và vượt so với kế hoạch được giao.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, TKV đã nộp ngân sách tại Quảng Ninh 8.150 tỷ đồng (đạt 57% so với kế hoạch). Còn Tổng Công ty Đông Bắc nộp ngân sách tại Quảng Ninh là gần 1.100 tỷ đồng (đạt 54% kế hoạch).

Theo tính toán, nửa đầu năm 2022, kết quả thu ngân sách của tỉnh Quảng Ninh ước đạt 28.600 tỷ đồng, bằng 55% dự toán và tăng 24% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 6.450 tỷ đồng, bằng 61% dự toán; thu nội địa ước thực hiện trên 22.200 tỷ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư