Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Thủ tướng Anh sẽ ra tối hậu thư Brexit với EU
Lê Quân (Independent) - 02/10/2019 10:25
 
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm nay sẽ ra tối hậu thư với Liên minh châu Âu (EU) về chuyện đi hay ở của Anh, đồng thời cảnh báo nếu thỏa thuận với Brussels bị từ chối, ông sẽ đưa Anh rời EU mà không cần thỏa thuận.
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AFP
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AFP

Nếu EU không sẵn lòng “tham gia” đề nghị cuối cùng này, sẽ không có thêm đàm phán nào nữa và Anh sẽ rời EU mà không cần đạt được thỏa thuận sau 29 ngày nữa, tức ngày 31/10.

Thủ tướng Anh sẽ hé lộ chi tiết về bản kế hoạch mà ông cho là một thỏa thuận công bằng và hợp lý trong bài phát biểu quan trọng trước hội nghị của đảng Bảo thủ diễn ra tại thành phố Manchester hôm nay.

Người đứng đầu chính phủ Anh sẽ tuyên bố sẵn sàng “thách thức” luật lệ mà ép ông phải gia hạn đàm phán rời EU đến tháng 1/2020 nếu không đạt thỏa thuận rời EU. Niềm tin vào nền dân chủ sẽ “lãnh” hậu quả, nếu Brexit bị trì hoãn một lần nữa.

“Chính phủ Anh sẽ đàm phán một thỏa thuận mới hoặc rời EU mà không có thỏa thuận, việc này sẽ không chậm trễ,” một quan chức cấp cao của Anh cho biết.

Các báo cáo cho thấy đề xuất của phía Anh lần này bao gồm việc Bắc Ireland phải tuân theo các quy tắc thị trường EU đối với mặt hàng nông nghiệp và công nghiệp trong 4 năm sau khi kết thúc giai đoạn chuyển đổi dự kiến vào năm 2021 - thời điểm mà Anh cũng sẽ dự kiến tách khỏi EU.

Theo thông tin tờ Daily Telegraph có được, ở cuối giai đoạn 4 năm chuyển đổi - tức năm 2025, Bắc Ireland hoặc sẽ được tự do “tiến gần” đến các thỏa thuận thương mại của Anh, đổi lại là một đường biên “cứng rắn hơn” với Cộng hòa Ireland, hoặc tiếp tục với các thỏa thuận hiện có.

Nghị sĩ đảng Lao động Paul Williams - người ủng hộ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2 về Brexit - cho rằng Thủ tướng Johnson đã quyết tâm “ép cái nhìn phi dân chủ và phá hoại về Brexit lên nước Anh”.

Trong khi đó, nhiều nguồn tin ở Brussels cho biết ông Michel Barnier, Giám đốc đàm phán châu Âu cho Brexit được khuyến nghị không mủi lòng trước bất kỳ lời đề nghị nào vi phạm ủy thác đàm phán đã được 27 quốc gia thành viên EU thống nhất trước đó.

“Nếu nội dung đề xuất cụ thể mà ‘rác rưởi’, tôi nghĩ ông Barnier sẽ không cần mất thời gian để bàn thảo”, một nhà ngoại giao EU nói.

Các nhà đàm phán của EU và Anh vẫn chưa tiến vào giai đoạn “lối thoát” để đi đến thỏa thuận khi mà các chi tiết cuối cùng của thỏa thuận vẫn được giấu đến phút chót của các cuộc họp.

Bản đề xuất pháp lý mới của Anh sẽ được chuyển đến EU ngay sau bài phát biểu của Thủ tướng Johnson. Văn bản này được cho là bao gồm “hóa đơn ly hôn” trị giá 39 tỷ bảng Anh mà cựu Thủ tướng Theresa May đã đồng ý trước đó, ngoài ra là các biện pháp bảo vệ công dân EU và Anh biệt xứ và cũng như yêu cầu loại bỏ “chốt chặn” đối với khu vực biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Sau phản ứng gây sốc của Cộng hòa Ireland đối với việc Anh đề xuất thiết lập các trạm kiểm soát hải quan trong phạm vi từ 5-10 dặm từ biên giới Ireland, Thủ tướng Anh đã lên tiếng khẳng định sẽ không có “hạ tầng biên giới cứng” ở Bắc Ireland.

Trong động thái nhằm thay đổi “lời hứa” của cựu Thủ tướng Theresa May và tránh lập các chốt chặn kiểm soát tại Ireland, ông Johnson khẳng định các chốt kiểm tra hải quan cần phải được triển khai ở cả hai bên biên giới. Người đứng đầu chính phủ Anh cũng cho rằng ông đã có những nhượng bộ lớn đối với vấn đề pháp lý khu vực Ireland mà liên quan đến mặt hàng thực phẩm và nông sản.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư