Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
Thủ tướng: Làm đến đâu dứt điểm đến đó thì mới hiệu quả
Nguyễn Lê - 24/10/2023 13:49
 
Thủ tướng hồi âm ý kiến của đại biểu Quốc hội về giải quyết những vấn đề của Đồng bằng sông Cửu Long.
.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ. Ảnh: Duy Linh.

Nếu cứ tư duy cái gì cũng muốn làm thì sẽ dở dang, làm đến đâu dứt điểm đến đó thì mới hiệu quả, nâng cao hiệu quả chỉ số ICOR, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói khi Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đầu tư công, sáng 24/10.

Tại đây, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh nổi trội. Nghị quyết 13 Bộ Chính trị được ban hành khẳng định quan điểm nhất quán về việc quyết tâm xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế trọng điểm khu vực và cả nước.

Đề nghị từ đại biểu là Chính phủ và Thủ tướng quan tâm và có định hướng rõ hơn về phát triển bền vững, ứng phó với sụt lún, hạn mặn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi hiện nay, tình trạng ngập lụt và sụt lún diễn ra nghiêm trọng khó lường, đã ảnh hưởng tới sản xuất và nuôi trồng thủy sản, đời sống người dân, cản trở sự phát triển.

“Nếu nước biển nâng cao thêm 1m thì 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập lụt, nên cần sớm có ứng phó nếu không tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn”, bà Thanh nêu.

Hồi âm ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để giải quyết các vấn đề trước mắt cho Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng đã quyết định chi cho các địa phương theo các đề xuất ban đầu là 4.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này là để giải quyết những vấn đề cấp bách, trước mắt, còn về lâu dài cần các dự án lớn mang tính căn cơ để chống sạt lở, sụt lún trị giá hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng trao đổi, không chỉ biến đổi khí hậu cực đoan, Việt Nam còn có trách nhiệm cùng thế giới ngăn chặn sự nóng lên của trái đất, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đặc biệt khi Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vì vậy, cùng với việc xử lý những vấn đề trước mắt, Đồng bằng sông Cửu Long phải huy động nguồn lực để làm những dự án lớn, hiệu quả.

“Việt Nam là nước hạ lưu, chịu ảnh hưởng lớn nhất so với các nước trong khu vực từ việc biến đổi dòng chảy sông Mekong. Vấn đề này chúng ta đã thấy từ năm 1990 và khi đó đã đề xuất các nước kiểm soát việc xây dựng đập thủy điện trên dòng Mekong và Lan Thương. Các nước có trách nhiệm nhưng cần nỗ lực hợp tác hơn mới giải quyết được”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.

Bên cạnh hợp tác với các nước tiểu vùng sông Mekong và trong khu vực, Thủ tướng nhấn mạnh phải kêu gọi các tổ chức quốc tế và những nước có điều kiện kinh tế, khoa học để hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu, như Mỹ, Nhật Bản…

Trao đổi với các vị đại biểu cùng tổ, người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết trong chuyến công tác Ả-rập Xê-út vừa qua đã có cuộc gặp với Tổng thống Philippines và Tổng thống Indonesia để bàn về hợp tác xuất khẩu gạo. Theo Thủ tướng định hướng sắp tới phải làm khác trước đây, theo hướng “sản xuất xanh, tiêu thụ xanh”.

Vì vậy, cần có quy hoạch và có những dự án lớn. “Xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, không manh mún, nhỏ lẻ”, Thủ tướng nêu định hướng quan trọng.

Nhắc lại vấn đề sạt lở, sụt lún Đồng bằng sông Cửu Long, theo Thủ tướng là vấn đề lớn nên cần có dự án lớn về lâu dài. Vì vậy, phải tính đến đẩy mạnh hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực.

Về việc vay vốn thực hiện các dự án, Thủ tướng lưu ý cải thiện thủ tục đơn giản, thông thoáng, tránh kéo dài gây lãng phí nguồn lực.

Theo Thủ tướng, đã đi vay mà làm lặt vặt sẽ không có hiệu quả. Dẫn chứng ngay câu chuyện ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông cho rằng, nếu thực hiện dự án cần tập trung vào 4 vấn đề lớn: Chống sụt lún, chống sạt lở, chống ngập mặn và chống hạn hán.

“Chỉ tập trung 4 dự án này chứ không làm nhiều, những chuyện nhỏ khác ta tự lo. Nếu đã đi vay, phải làm những dự án lớn xoay chuyển tình thế chứ không làm lặt vặt, manh mún, dàn trải như hiện nay”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Cạnh đó, Thủ tướng góp ý với Đồng bằng sông Cửu Long Long, cần giải quyết thêm 2 vấn đề ưu tiên là đào tạo nguồn lực và giải quyết hạ tầng giao, để giúp khu vực phát triển nhanh và bền vững.

Ngoài khai thác tối đa nguồn lợi từ đường thủy, Thủ tướng nhắc Bộ trưởng Giao thông vận tải tập trung nhiệm vụ xây dựng các tuyến cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo cả trục Bắc - Nam và Đông - Tây; quan tâm nâng cấp hạ tầng giao thông, điển hình như sân bay Cà Mau.

“Mặc dù còn khó khăn vẫn cần nâng cấp để thay đổi diện mạo địa phương. Như với Cà Mau, cao tốc chưa xong, đường bộ khó khăn mà không có hàng không hỗ trợ thì rất khó phát triển”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, chỉ cần quyết tâm là làm được, vấn đề là huy động nguồn lực, làm có trọng tâm trọng điểm và làm đến đâu dứt điểm đến đó.

Bổ sung 4.000 tỷ đồng vốn cho các tỉnh vùng ĐBSCL phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển
Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 8/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư