Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thủ tướng: Năm 2023 tiếp tục giãn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp
Nguyễn Lê - 05/11/2022 15:52
 
Năm 2023, dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức, trong khi cần tiếp tục giãn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp nên dự toán thu, chi NSNN năm 2023 cần thận trọng, chắc chắn.
.
Toàn cảnh phiên chất vấn Thủ tướng.

Năm 2023, dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức, trong khi cần tiếp tục giãn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp; vì vậy việc xây dựng dự toán thu, chi NSNN năm 2023 cần thận trọng, chắc chắn, khả thi để bảo đảm kiểm soát bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ trong ngưỡng an toàn.

Chiều 5/11, báo cáo trước khi trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh thông tin trên. 

Về tình hình xây dựng, thực hiện dự toán thu NSNN năm 2022 và năm 2023, Thủ tướng nói, khi xây dựng dự toán NSNN năm 2022 vào quý III năm 2021, bối cảnh rất khó khăn do đại dịch Covid-19, tăng trưởng âm, ảnh hưởng lớn đến thu NSNN. Vì vậy, việc xây dựng dự toán chi, thu NSNN năm 2022 ở mức thận trọng, chắc chắn là phù hợp để tránh bội chi lớn, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia. 

Tuy nhiên, nhờ chuyển đổi nhanh, kịp thời sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19 theo Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ; từ quý IV/2021 đến nay kinh tế phục hồi, tăng trưởng trở lại đã tạo cơ sở tăng thu NSNN.

Mặt khác, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng đã chỉ đạo quyết liệt tăng cường quản lý thu, chống thất thu; cùng với giá dầu thô, thu tiền sử dụng đất tăng khá, dẫn đến thu NSNN 10 tháng đã vượt 3,7% dự toán cả năm 2022.

Theo người đứng đầu Chính phủ, năm 2023, dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức, sức ép lạm phát cao, tỷ giá, lãi suất tăng cao; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh biến động mạnh, tiếp tục ở mức cao; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống có thể bị thu hẹp; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài và mới phát sinh cần phải tập trung giải quyết...

Trong khi cần tiếp tục giãn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp; vì vậy việc xây dựng dự toán thu, chi NSNN năm 2023 cần thận trọng, chắc chắn, khả thi để bảo đảm kiểm soát bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ trong ngưỡng an toàn.

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng thu NSNN, kiên quyết giảm các khoản chi không cần thiết để có thêm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng cấp bách, ưu tiên cho cải cách tiền lương, đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia - Thủ tướng cho biết.

Về vấn đề bảo đảm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, Thủ tướng đánh giá, đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác vẫn diễn biến phức tạp; bên cạnh đó tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh chậm được khắc phục làm ảnh hưởng đến chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân.

Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh, giá thuốc trên thị trường thế giới biến động mạnh, số lượng bệnh nhân tăng cao; nhưng nguyên nhân chủ quan là quy định pháp luật về đấu thầu, mua sắm còn vướng mắc ; còn tâm lý sợ trách nhiệm; một số cán bộ chưa phù hợp chuyên môn; phân bổ cơ cấu thuốc đấu thầu tập trung ở cấp quốc gia, cấp địa phương chưa hợp lý (theo báo cáo của Bộ Y tế, ở Trung ương chiếm 16,5%, ở địa phương và các cơ sở y tế chiếm 83,5%).

Để sớm khắc phục tình trạng trên, lãnh đạo Chính phủ khẳng định sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp khẩn trương rà soát, tham mưu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan ; đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ người đứng đầu và cán bộ liên quan; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát; bảo đảm đấu thầu công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực .

Tăng năng suất lao động là vấn đề cuối cùng Thủ tướng đề cập, ông khẳng định đây là yếu tố quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi trọng. Thời gian qua, năng suất lao động có bước cải thiện đáng kể; tuy nhiên tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác trong khu vực.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức và đầu tư cho nhiệm vụ này chưa ngang tầm; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; trình độ công nghệ còn lạc hậu; cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành sản xuất chưa thực sự hợp lý; chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ còn khó khăn…

Về giải pháp tăng năng suất lao động nhanh và bền vững, Thủ tướng nêu rõ: đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược có cơ chế, chính sách phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề gắn với đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ.

Các giải pháp khác được Thủ tướng đề cập là thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là ngành nông nghiệp; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ bền vững, hiệu quả; thúc đẩy liên kết giữa cơ quan, doanh nghiệp với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh các phong trào thi đua, đổi mới sáng tạo và có cơ chế tiền lương phù hợp để khuyến khích tăng năng suất lao động…

Thủ tướng: Xử lý nghiêm các sai phạm, bảo vệ nhà đầu tư
Theo Thủ tướng, không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực; làm như vậy không những để phát triển lành mạnh, bền vững...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư