Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Diễn đàn kinh tế Đông Á
Phan Long - 05/06/2013 11:57
 
Ngày mai (6/6) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á năm 2013 (WEF Đông Á 2013) tại Myanmar.
TIN LIÊN QUAN


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại WEF 2010 với tư cách chủ nhà

Hội nghị WEF Đông Á 2013 có chủ đề “Sự chuyển đổi mạnh mẽ hướng tới hội nhập và phát triển toàn diện”. Hội nghị dự kiến tập trung thảo luận 3 nội dung chính: Thúc đẩy sự chuyển đổi toàn diện của Myanmar; Nhận diện hội nhập khu vực; Quy mô của các giải pháp khu vực và ứng phó với thách thức toàn cầu.

Tham dự Hội nghị có khoảng 450 đại biểu là chính khách, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu và các tổ chức xã hội trong và ngoài khu vực. Trong khu vực Đông Nam Á, ngoài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có sự góp mặt của Tổng thống Myanmar, Tổng thống Philippines, Thủ tướng Lào, Phó thủ tướng Campuchia…

Việc Việt Nam tham dự WEF Đông Á 2013 là nhằm thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực, thông qua chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài…, cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – WEF.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự phiên khai mạc và có bài phát biểu quan trọng. Ngoài ra, bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ hội kiến Tổng thống Myanmar và tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp lớn và các tập đoàn toàn cầu.

Tháp tùng Thủ tướng trong chuyến đi lần này, Việt Nam cũng có đại diện của 13 tập đoàn, tổng công ty lớn là thành viên của WEF như: FPT, Petro Việt Nam, Vingroup, VNPT, Vietnam Airlines, Vinaconex, Agribank, Vietnam Steel. WEF cũng đang đề nghị Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp lớn trong nước gia nhập nhiều hơn vào WEF.

Những năm gần đây, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động của WEF. Năm 2010, Việt Nam đã tổ chức thành công WEF Đông Á tại TP.HCM, gây dấu ấn mạnh mẽ với các lãnh đạo cấp cao và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế tham dự.

Việc tổ chức thành công WEF Đông Á 2010 đã góp phần quảng bá tốt cho Việt Nam, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi, các nhà đầu tư đang tìm kiếm các thị trường ổn định và có khả năng ứng phó tốt với các cuộc khủng hoảng.

Hội nghị WEF Đông Á 2013 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng tương đối khả quan. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế thế giới đã vượt qua hai rủi ro ngắn hạn là khả năng Eurozone tan vỡ và vách đá tài khóa tại Mỹ; đồng thời các chính sách kích thích kinh tế tại nhiều nước trong thời gian qua đã bắt đầu phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, sự phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới còn thiếu các yếu tố bền vững, nhất là tỷ lệ nợ công cao tại Mỹ, Nhật Bản, EU làm giảm mức độ linh hoạt khi lựa chọn các chính sách kinh tế. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi đối mặt với thách thức cải cách cơ cấu kinh tế và tăng cường các quy định, biện pháp giám sát tài chính.

Đây là lần đầu tiên WEF Đông Á được tổ chức tại Myanmar. Sau nhiều thập kỷ bị quốc tế cô lập, hiện Myanmar đã sẵn sàng cho việc tăng trưởng và phát triển nhanh chóng dựa trên các nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, lực lượng lao động dồi dào và vị trí chiến lược giữa Trung Quốc, Ấn Độ.

Myanmar đang nỗ lực tiến hành tái cơ cấu kinh tế và xã hội, cũng như tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh, tăng thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời góp phần vào sức mạnh kinh tế tổng hợp của khu vực ASEAN.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư