Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc tại tỉnh Cà Mau
Như Chính - 07/02/2015 15:51
 
() Sáng nay (7/2), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự Lễ khánh thành cầu Năm Căn, cầu Kênh Cái Tắt, cầu Sáu Nạn, cầu Trại Lưới và thông xe kỹ thuật đoạn từ thị trấn Năm Căn đến cầu Năm Căn tỉnh Cà Mau thuộc dự án đường Hồ Chí Minh.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thông cầu Năm Căn và 8,1 km đường Hồ Chí Minh qua Năm Căn
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Giá dầu giảm lợi nhiều hơn hại
Thông cầu Sài Gòn, địa ốc khu Đông đắt khách

Cầu Năm Căn có chiều dài trên 800 m, rộng 12 m, tổng mức đầu tư gần 650 tỷ đồng và được thi công trong 18 tháng. Cầu Kênh Cái Tắt có chiều dài khoảng 440 m, rộng 12m và thời gian thi công là 24 tháng. Cầu Sáu Nạn có chiều dài 175m, rộng 12 m, thi công trong 8 tháng. Cầu Trại Lưới có chiều dài 240m, có bề rộng 12m. Cùng với các cầu trên, đoạn tuyến từ thị trấn Năm Căn đến cầu Năm Căn có chiều dài 8,1 km và đang trong quá trình thi công.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc tại tỉnh Cà Mau
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt băng khánh thành cầu Năm Căn, cầu Kênh Cái Tắt, cầu Sáu Nạn, cầu Trại Lưới

Dự án đoạn Năm Căn - Đất Mũi và dự án cầu Năm Căn không những là công trình trọng điểm của dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 mà còn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của 2 huyện Năm Căn, Ngọc Hiển và toàn tỉnh Cà Mau. Việc các công trình cầu, đường này được khánh thành và đưa vào khai thác sẽ nối thông đường Hồ Chí Minh đoạn từ thị trấn Năm Căn đến Đất Mũi thuộc tỉnh Cà Mau - mảnh đất cuối cùng cực Nam của Tổ quốc.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao chủ đầu tư, các đơn vị đã nỗ lực thi công, hoàn thành và đưa các Cầu Năm Căn, Cái Tắt, Sáu Nạn, Trại Lưới vào sử dụng; hiện thực hóa ước mơ ngàn đời của người dân Năm Căn, Ngọc Hiển; tạo điều kiện mới để các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, bền vững hơn, đảm bảo tốt hơn quốc phòng an ninh, nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân. Đặc biệt, các cây cầu này còn mang ý nghĩa là những công trình cuối cùng nối liền Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh từ cực Bắc đến điểm cực Nam của đất nước.

“Có thể nói là chúng ta đi đường bộ một mạch từ mảnh đất cuối cùng này cho tới cực Bắc của Tổ quốc mà không phải qua bất cứ một chiếc phà nào, đây là một niềm vui lớn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Cũng trong sáng 7/2, Thủ tướng đã đến dự Lễ khởi động xây dựng Nhà máy xử lý Khí Cà Mau và chào mừng vận chuyển an toàn 10 tỷ m3 khí PM3-CAA Cà Mau tại Khu Công nghiệp Khí-Điện-Đạm Cà Mau tại địa bàn xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy xử lý Khí Cà Mau bao gồm việc đầu tư bổ sung 37 km đường ống ngoài khơi để nâng công suất vận chuyển của đường ống PM3-Cà Mau từ 5,8 triệu m3/ngày lên 6,95 triệu m3/ngày, đáp ứng nhu cầu của các hộ tiêu thụ trong cụm Khí-Điện-Đạm Cà Mau; xây dựng một nhà máy xử lý khí công suất 6,2 triệu m3 khí/ngày cùng hệ thống kho có sức chứa 8.000 tấn LPG, 3.000 m3 condensate và hệ thống cảng xuất sản phẩm lỏng tại Khu công nghiệp Khánh An, xã Khánh An, huyện U Minh. Dự án Nhà máy xử lý Khí Cà Mau có tổng mức đầu tư điều chỉnh khoảng trên 10.000 tỷ đồng, triển khai trong thời gian 23 tháng và hoàn thành vào cuối năm 2016.

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, việc triển khai Dự án và đưa công trình vào vận hành sẽ giúp cân đối cung cầu về khí tại khu vực Tây Nam Bộ, đa dạng hóa các sản phẩm dầu khí có giá trị cao, đáp ứng như cầu sản phẩm khí hóa lỏng và hóa dầu tại tỉnh Cà Mau, khu vực Tây Nam Bộ và cả nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tạo việc làm cho lao động địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Cùng với khởi động xây dựng Nhà máy xử lý Khí Cà Mau, Tổng Công ty Khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã tổ chức Lễ chào mừng vận chuyển an toàn 10 tỷ m3 khí PM3-CAA Cà Mau. Dự án đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau là một phần của cụm Khí-Điện-Đạm Cà Mau; có công suất 5,47 triệu m3 khí/ngày, tương đương 2 tỷ m3/năm với tổng mức đầu tư gần 300 triệu USD. Sau nhiều cải tiến về công nghệ, công suất toàn hệ thống vận chuyển khí đã tăng lên 6,25 triệu m3 khí/ngày (bằng 114% so với ban đầu), cung cấp đủ khí cho 2 nhà máy điện có tổng công suất 1.500 MW để tạo ra sản lượng điện hàng năm khoảng 8 tỷ kWh và nhà máy đạm có công suất 800 nghìn tấn ure/năm. Kể từ thời điểm dòng khí PM3 đầu tiên được đưa vào bờ đến hết năm 2014, Công ty Khí Cà Mau đã cấp hơn 10,86 tỷ m3 khí cho 2 Nhà máy Điện Cà Mau và Nhà máy Đạm để sản xuất hơn 2 nghìn tấn ure và hơn 50 tỷ KWh điện, chiếm 7% sản lượng điện và 40% sản lượng phân đạm của cả nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam đã khắc phục mọi khó khăn để vận chuyển an toàn 10 tỷ m3 khí PM3-CAA vào bờ; đồng thời nỗ lực để khởi động xây dựng Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau, đánh dấu những bước phát triển mới của ngành công nghiệp dầu, khí.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc khởi động xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý Khí Cà Mau sẽ đóng góp giá trị sản xuất hàng năm trên 5.000 tỷ đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư