Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Thừa Thiên Huế kỳ vọng đột phá kinh tế
Quế Sơn - 01/11/2014 11:53
 
() Phát huy tiềm năng và lợi thế cùng với chiến lược phát triển kinh tế theo chủ đề “đô thị” kết hợp với chính sách thu hút đầu tư mới, Thừa Thiên Huế kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá mới trong phát triển kinh tế.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kinh doanh sòng bài nóng trở lại?
Thủy sản Thừa Thiên Huế: Lựa chọn bước đi vững chắc
Xây dựng chiến lược phát triển ngành thủy sản bền vững

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Gần đây, tại buổi làm việc với Thừa Thiên Huế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao tỉnh có chuyển biến rõ rệt, tương đối toàn diện trên nhiều lĩnh vực, rõ nét nhất là tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, rất đúng với đặc điểm của địa phương.

  Thừa Thiên Huế kỳ vọng đột phá kinh tế  
  Nhiệm vụ lớn với Thừa Thiên Huế là gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc  

“Tỉnh có ý thức giữa phát triển kinh tế với bảo vệ các di sản văn hóa; tôn tạo, phát triển, khai thác, phát huy thế mạnh kết hợp với bảo vệ môi trường. Song Thừa Thiên Huế cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, đặc điểm phát triển của mình, đó là các vấn đề về văn hóa du lịch, phát triển dịch vụ, phát triển kinh tế biển, đầm phá, kinh tế miền Tây để nâng cao đời sống của nhân dân. Trên cơ sở đó, tỉnh có kế hoạch phát triển bứt phá mạnh hơn nữa, nổi trội hơn nữa”, Tổng Bí thư nhấn mạnh và chỉ đạo, Thừa Thiên Huế cần quan tâm đến vấn đề quy hoạch phù hợp với đặc điểm, theo tinh thần quy hoạch phải đồng bộ, hài hòa giữa kinh tế và xã hội, môi trường, giữa đô thị và nông thôn, phát triển bền vững với nhịp độ tăng trưởng, giữa các vùng, miền…

Với lợi thế nhiều tiềm năng và cơ hội về thu hút đầu tư, vài năm gần đây, Thừa Thiên Huế đã bứt phá một cách ngoạn mục để vươn lên thành một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu hút vốn FDI, với nhiều dự án có quy mô lớn.

Đáng chú ý, UBND Thừa Thiên Huế vừa ban hành một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh được các nhà đầu tư đánh giá rất cao.

Theo đó, khi thực hiện các dự án đầu tư vào tỉnh, ngoài các ưu đãi được hưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước, các nhà đầu tư còn được hưởng thêm nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của tỉnh trên một số địa bàn, dự án; ưu đãi về thuế và đất đai; hỗ trợ các công trình kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào; hỗ trợ giao đất sạch, giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn; ưu đãi, hỗ trợ các dự án trong khu công nghệ thông tin tập trung, khu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thông tin; hỗ trợ đào tạo; hỗ trợ xúc tiến đầu tư; hoàn trả kinh phí ứng trước của nhà đầu tư.

Tập trung phát triển đô thị

Tính chất của Thừa Thiên Huế và đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2020 là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đây là là mục tiêu chính trị mà chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm hướng đến.

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh phải đáp ứng những tiêu chí ở mức độ cơ bản, như tiêu chí về cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, cảnh quan, thu ngân sách, GDP bình quân đầu người...

“Trước tiên, Thừa Thiên Huế là phải gìn giữ, luôn luôn xứng đáng là cố đô, kinh đô xưa của nước Việt Nam - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, giá trị lịch sử đặc sắc của dân tộc Việt Nam, đó có lẽ là nhiệm vụ lớn nhất. Tiếp đó là phải giữ được cảnh quan môi trường mang nét đặc trưng của Việt Nam để khi bạn bè quốc tế đến với Huế có thể cảm nhận được nền văn hóa Việt Nam. Đồng thời, tỉnh phải tập trung hoàn thiện cơ bản hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông, cảng biển và sân bay đúng tầm”, ông Cao nhấn mạnh.

Thừa Thiên Huế đã liên tục lấy “Năm Đô thị” làm mục tiêu phát triển các năm, công tác chỉ đạo điều hành Chương trình trọng điểm chỉnh trang đô thị và xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn được triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt cả phần thể chế hóa và đầu tư chỉnh trang đô thị.

Công tác quy hoạch được đẩy nhanh, tỉnh đã cơ bản hoàn thành Đề án đề nghị công nhận Thừa Thiên Huế đạt tiêu chuẩn đô thị loại I, trình Bộ Xây dựng thẩm định Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Huế để trình Chính phủ phê duyệt.

Tỉnh đã tập trung nguồn lực cho các dự án chỉnh trang đô thị, như hoàn thành chỉnh trang bến xe Nguyễn Hoàng, nâng cấp đường Đội Cung, cầu Ga; mở rộng đường Điện Biên Phủ, Đống Đa, Cao Bá Quát… và hoàn thiện công tác chỉnh trang đô thị tại các đô thị vệ tinh.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên - Huế đã hỗ trợ triển khai các dự án lớn trên địa bàn tỉnh như Dự án Khu du lịch Laguna, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Dự án Sửa chữa, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Bài...

Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là, tiếp tục xây dựng và phát triển đô thị theo hướng mô hình đô thị đặc thù - “Thành phố di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường”; tập trung nguồn lực xây dựng phát triển hạ tầng đô thị và hạ tầng kinh tế; hoàn thành các dự án chỉnh trang đô thị dọc tuyến Quốc lộ 1A; thúc đẩy tiến độ  các dự án du lịch trọng điểm, các dự án đầu tư hạ tầng du lịch, hạ tầng khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, hạ tầng KCN Phú Bài, Phong Điền...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư