Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững
D.Ngân - 13/12/2022 13:12
 
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc nghiên cứu và tạo ra các công nghệ tiên tiến sẽ giúp việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc nghiên cứu và tạo ra các công nghệ tiên tiến sẽ giúp việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. 

Đây cũng chính là nội dung được các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi tại Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững” được tổ chức tại Trường Đại học Phenikaa.

Chuyển đổi số để phát triển bền vững

Theo TS. Nguyễn Thanh Hùng, Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. 

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc nghiên cứu và tạo ra các công nghệ tiên tiến sẽ giúp việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả.

Chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản trị và chuyển đổi số trong công tác đào tạo như dạy, học, kiểm tra, đánh giá.

Trong quản trị nhà trường bao gồm số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, số hóa quy trình, ứng dụng các công nghệ 4.0 (AI, blockchain, phân tích dữ liệu..), để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong ngành Giáo dục đào tạo một cách nhanh chóng, chính xác. 

Trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá ứng dụng công nghệ mới có thể bao gồm số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, MOOC hoặc tiến tới xây dựng các trường đại học ảo (Cyber University) hay các kho dữ liệu học liệu điện tử dùng chung.

PGS.TS. Trần Minh Hòa và TS. Đào Lê Trang Anh, Khoa Kinh tế và Kinh doanh, Trường Đại học Phenikaa đã phân tích kết quả nghiên cứu về chuyển đổi số trong đào tạo các ngành kinh tế bậc cử nhân tại Trường. Đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong đào tạo bậc cử nhân tại Khoa Kinh tế và Kinh doanh, Trường Đại học Phenikaa. 

Theo đó, nhà trường nên đầu tư thêm các phần mềm bản quyền và các phương tiện cần thiết khác để tăng cường sự tương tác giữa các thầy cô và sinh viên trong hoạt động học trực tuyến; đầu tư phát triển thư viện điện tử, cập nhật các giáo trình, sách chuyên khảo, tạp chí và bài báo khoa học trong nước và quốc tế để hỗ trợ giảng viên và sinh viên nghiên cứu, học tập…

Bên cạnh giáo dục đào tạo, chuyển đổi số còn giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và tập khách hàng thông qua việc tạo ra các kênh phân phối mới, giảm chi phí lưu kho, vận chuyển, nhờ đó giảm phát thải ra môi trường và giúp doanh nghiệp thiết kế, sáng tạo ra các sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu khách hàng, hướng tới nền sản xuất xanh. 

Cũng tại chủ đề này, các khách mời đã được lắng nghe chia sẻ của TS. Trần Thị Thu Trang, Trường Đại học Thương mại về “Chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm ở Việt Nam hiện nay” và tham luận về “Sự sẵn sàng về kĩ năng trí tuệ nhân tạo cấp tổ chức trong thời kì chuyển đổi số: Trường hợp các doanh nghiệp dịch vụ hậu cần Việt Nam” của PGS.TS Trần Thị Song Minh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Như vậy, việc ứng dụng nghiên cứu tiên tiến của công nghệ thông tin để triển khai ứng dụng quản trị nhà trường cho mô hình đại học số phục vụ hệ sinh thái của giáo dục 4.0 là một trong các giải pháp cốt lõi đóng góp tích cực vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế. 

Các trường đại học phải nhận thức đại học số là một trong các giải pháp quan trọng giúp nhà trường nhanh chóng hội nhập giáo dục đại học thế giới và khu vực, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong giai đoạn hội nhập toàn cầu…

Ngoài ra, trong khi áp dụng chuyển đổi số, doanh nghiệp cần có giải pháp về tài chính, nguồn nhân lực, sự trợ giúp của nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số tiên phong và đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ về thể chế và triển khai từ phía cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh đạt kết quả cao, góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chủ động xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn 

Tại các phiên thảo luận, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đã chia sẻ và giới thiệu các công nghệ cơ bản và các yếu tố thành công cốt lõi để triển khai nền kinh tế tuần hoàn; đồng thời, phân tích các cơ hội hợp tác quốc tế để phát triển nền kinh tế tuần hoàn; đề xuất các hình thức lan tỏa các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở một số nước trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam.

Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn trên cơ sở các quy định và chính sách về phát triển bền vững như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được trách nhiệm xã hội và xây dựng các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của mình, đóng góp vào sự phát triển bền vững chung của nền kinh tế. 

Đặc biệt, trong lĩnh vực tái chế, nhiều mô hình kinh doanh tuần hoàn đã được vận hành và đem lại những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh tuần hoàn chưa có tính hệ thống.

Vì vậy, để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn cho tương lai ThS. Lê Chí Nhân, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cũng đề xuất, kiến nghị một số giải pháp góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn ở Đồng bằng sông Cửu Long. 

Cụ thể, xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ để hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn trong mọi hoạt động của nền kinh tế. Ngoài ra, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế hiện đại, hiệu quả, đồng bộ sẽ tạo lập môi trường phát triển thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp, người dân, nhất là khu vực tư nhân đầu tư, thực hiện phát triển kinh tế Vùng theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Cùng với đó, nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo và tham mưu các chính sách kinh tế của các chuyên gia, nhà khoa học; chú trọng công tác đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn. 

Đồng thời, đầu tư phát triển, thiết kế hệ thống các “Khu công nghiệp sinh thái” (khu công nghiệp xanh), nông nghiệp sinh thái tạo cơ hội tốt nhất cho các doanh nghiệp trong hoạt động; thực hiện kinh tế công nghiệp tuần hoàn luôn gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0.

Hay như ThS. Trần Thị An Tuệ, Khoa Kinh tế và Kinh doanh, Trường Đại học Phenikaa còn đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. 

Cụ thể, cần xác định đúng vị trí của Luật Kinh tế tuần hoàn trong hệ thống pháp luật Việt Nam; sớm xây dựng và ban hành đạo luật Kinh tế tuần hoàn; ban hành quy định đặc thù áp dụng đối với doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn; 

Tăng cường vai trò tiên phong của các cơ quan nhà nước trong việc tuân thủ nguyên tắc kinh tế tuần hoàn; Quy định rõ quyền hạn và nghĩa vụ của các cơ quan thực hiện giám sát và thực thi pháp luật kinh tế tuần hoàn.

Nhiều ý kiến của chuyên gia đều thống nhất rằng để thực hiện có hiệu quả mô hình kinh tê tuần hoàn, kinh tế xanh thì cần thiết phải xây dựng một hành lang pháp lý vững chắc, có khung chính sách chi tiết theo thứ tự ưu tiên mang đặc thù từng ngành riêng biệt. 

Để thực hiện có hiệu quả kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh ngoài yếu tố cốt lõi là chính sách thì phải có sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường để tạo động lực kích thích cho mọi tầng lớp nhân dân thực hiện.

Bài toán ở đây là sự kết nối giữa nhà khoa học, nhà đầu tư và thị trường tiêu thụ dưới sự hỗ trợ về chính sách của cơ quan quản lý nhà nước.

TP.HCM còn nhiều bất cập trong phát triển ngành kinh tế xanh
Mới đây, tại Hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp ngành du lịch trên địa bàn của Thường trực HĐND TP.HCM, các doanh nghiệp đã chỉ ra nhiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư